* PV: Thưa giáo sư, thời gian gần đây, các địa phương đã khôi phục, tổ chức rất nhiều lễ hội và có những lễ hội đang dần bị biến dạng, gây nhiều bức xúc, lo ngại, vậy ông nghĩ sao về thực chất của lễ hội hiện nay? * GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM: Văn hóa luôn có sự thay đổi, chứ không bao giờ đứng yên. Cho nên chắc chắn sẽ có những lễ hội hôm nay không thể nào giống hệt như 50 năm trước đây. Tuy nhiên, trước khi khôi phục, tổ chức, chúng ta cần xem xét cho kỹ, cái nào, bộ phận nào cần bảo tồn thì bảo tồn và cái nào cần phát huy thì phát huy. Nếu như cái nào, bộ phận nào không cần bảo tồn thì đừng nên giữ, đừng nên làm theo kiểu bảo tồn vì bảo tồn. Con người tạo ra văn hóa là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, sung sướng hơn. Do vậy, lễ hội nào bảo tồn giúp cho con người cảm thấy hạnh phúc, sung sướng thì bảo tồn, cái nào thay đổi để cuộc sống hạnh phúc hơn thì nên thay đổi. * Như vậy, trong việc tổ chức lễ hội hiện nay có cần rà soát lại xem cái nào cần bảo tồn và phát huy, cái nào cần khắc phục? * Về lễ hội, hiện nay có 2 loại. Một là, các lễ hội truyền thống đang được khôi phục lại rất nhiều. Hai là, các lễ hội mới đang xuất hiện. Cả 2 loại này đều có những chuyện đáng bàn. Về lễ hội hiện đại: Gần đây xuất hiện các lễ hội mới như lễ hội hoa, lễ hội biển, lễ hội du lịch… Các lễ hội này thường nghiêng về trình diễn cho người ta nghe, xem mà không coi trọng sự tham gia tập thể của mọi thành viên như ở các lễ hội dân gian. Một số lễ hội tuy được đầu tư rất tốn kém nhưng ít được chuẩn bị chu đáo từ trước, do những người có trách nhiệm nhiễm nặng căn bệnh “nước đến chân mới nhảy”. Chẳng hạn có những lễ hội với số tiền đầu tư khá lớn, được lên kế hoạch trước rất lâu, hoặc đã quy định 2-3 năm sẽ tổ chức định kỳ một lần, thế nhưng người ta vẫn cứ đợi khi còn vài tháng mới bắt tay vào thực hiện, và thế là có những hạng mục công trình phải làm bằng các chất liệu giả để kịp phục vụ lễ hội, rồi sau đó tháo dỡ dẹp bỏ, rất tốn kém, lãng phí. Về lễ hội truyền thống: Tôi có cảm giác con người hiện nay đang mê tín hơn xưa. Ông bà ta ngày xưa rất coi trọng đời sống tâm linh (cho nên mới có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”) nhưng cũng rất coi trọng đời sống tinh thần, lấy cái vật chất phục vụ cho cái tinh thần. Con người xưa sống trong làng xã nên luôn coi trọng việc ứng xử theo “tình làng, nghĩa xóm”. Nhờ tính thiêng, tính trọng tinh thần, trọng cộng đồng đó mà các lễ hội xưa được tổ chức khá chu đáo, quy củ, những người tham dự thì rất có ý thức. Còn hiện nay, cuộc sống đang chạy theo vật chất, cái tinh thần bị xem nhẹ. Cuộc sống làng xã cũng đang bị làn sóng đô thị hóa làm xáo trộn và kinh tế thị trường cám dỗ. Việc làm ăn trong xã hội hiện đại thì đầy biến động, có may có rủi, lúc được lúc mất. Thiếu sự hậu thuẫn của làng xã, gia tộc, con người dù ở nông thôn hay đô thị cũng đều trở nên cô đơn hơn. Ở những người không đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn, niềm hy vọng vào may rủi, niềm tin vào thánh thần có điều kiện để trỗi dậy. Thế là bên cạnh những người đến chùa chiền, đình miếu theo truyền thống “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, xuất hiện khá đông những người kéo nhau đến chùa chiền, đình miếu với mong ước thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt... Đầu xuân, các lễ hội, đền miếu trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lễ thuê, khấn thuê, cúng thuê hành nghề; các “ban tổ chức” thì đặt hòm công đức la liệt khắp nơi; người người chen lấn xô đẩy nhau, gây ra nạn móc túi, cướp giật, ô nhiễm môi trường. Có một số lễ hội diễn ra một cách “điên khùng”, không thể nào hiểu nổi. Lễ hội đền Bà Chúa Kho không còn là một hoạt động văn hóa dân gian tưởng niệm và vinh danh công đức của một người phụ nữ tài sắc có công, mà trở thành nơi năm nào cũng quá tải bởi những người làm ăn đến “vay tiền Bà”. Lễ hội khai ấn đền Trần trở thành nơi cho hàng vạn người tranh giành nhau mua bán tranh cướp ấn, gây nên cảnh tượng hết sức lộn xộn… Trong chừng mực nào đó, những hiện tượng này không những không phát huy mà đang đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc (vốn coi trọng tinh thần hơn vật chất), mong khai thác uy lực thánh thần để mưu cầu lợi ích vật chất cho cá nhân mình. * Theo ông, với những lễ hội kiểu như thế, chúng ta sẽ “ứng xử” như thế nào? * Lễ hội là một hoạt động văn hóa truyền thống. Tổ chức lễ hội là góp phần duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống. Song vấn đề nảy sinh hiện nay là các lễ hội đang ngày càng biến dạng, vượt xa khỏi phạm vi của một sinh hoạt văn hóa dân gian. Những ý nghĩa tốt đẹp đang mất đi, trong khi có biết bao hiện tượng tiêu cực, thậm chí tệ nạn xã hội đang len vào. Trong khi đó, công tác quản lý thì bất cập; các ban tổ chức (kể cả ban tổ chức truyền thống là các cụ lẫn ban tổ chức mới là phòng văn hóa, sở văn hóa) đều không đủ năng lực và phương tiện để quản lý những lễ hội tập trung một lượng người quá đông trong một không gian không lớn và thời gian không dài. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng cùng các phương tiện giao thông phong phú và thuận tiện hiện nay cũng góp phần tác động rất lớn đến sự thay đổi của các lễ hội. Ngày xưa, một lễ hội chỉ diễn ra trong một làng xã hay một vùng nào đó, chỉ phục vụ những người dân của địa phương đó. Ngày nay, nhiều lễ hội mang tính chất quy mô của cả nước. Người miền Nam có thể bay ra Bắc để tới xin ấn ở đền Trần hoặc cầu lộc ở đền Bà Chúa Kho. Ngược lại, người miền Bắc có thể bay vào Nam đến cúng viếng ở đền Bà Chúa Xứ… Từ đó làm cho quy mô của nhiều lễ hội trở nên quá lớn, đến mức không thể nào quản lý nổi. Ấy là chưa kể đến nguy cơ có thể xảy ra “hội chứng đám đông” ở những lễ hội có lượng người tập trung quá lớn mà chúng ta đã từng thấy qua sự kiện hơn 400 người thiệt mạng, 700 người bị thương chỉ vì giẫm đạp lên nhau trong Lễ hội nước Bon Om Thook ở Campuchia tối 22-11 năm vừa qua. Trước thực trạng đó, tôi nghĩ các nhà quản lý cần phối hợp với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa cùng tính toán, xem xét, nếu cần thì chỉnh sửa Quy chế lễ hội, để đảm bảo sao cho văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy đúng mức, đúng cách, đồng thời ngăn chặn được một cách có hiệu quả những hiện tượng tiêu cực và tránh được những thảm họa khôn lường cho con người và xã hội. * Thưa giáo sư, gần đây việc bình chọn quốc hoa cũng đang được nhiều người quan tâm và hoa sen đang nhận được sự lựa chọn của đông đảo người tham gia bình chọn. Là một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này? * Tôi nghĩ, cần phải xem xét kỹ rằng việc bình chọn quốc hoa đối với Việt Nam đã thật sự đến lúc cần thiết hay chưa. Bởi văn hóa Việt Nam có một phẩm chất truyền thống khá đặc biệt là tính linh hoạt. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng linh hoạt vẫn là một đặc tính nổi trội của người Việt Nam. Linh hoạt có nghĩa là luôn thay đổi, biến báo, không chấp nhận gò mình theo một khuôn mẫu nào. Lâu nay Việt Nam mạnh, từng đánh thắng bao kẻ thù cũng chính là nhờ có tính linh hoạt mà tạo ra những lối đánh du kích độc đáo, binh chủng đặc công... Nhưng đã không gò mình theo khuôn mẫu thì làm sao mà có biểu tượng? Bởi vậy mà trong truyền thống văn hóa Việt Nam không có những khái niệm quốc huy, gia huy như người phương Tây; không có quốc phục, quốc hoa như người Triều Tiên, Nhật Bản… Vấn đề quốc phục cho đến nay đã được nêu ra không phải một lần nhưng chưa tìm được sự đồng thuận cũng chính là do tính linh hoạt và những hệ quả của nó. Có thể nói một cách hình tượng rằng chính sự linh hoạt không có biểu tượng mới đúng là biểu tượng của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam! Tất nhiên, văn hóa Việt Nam không đứng yên mà luôn biến đổi, nhất là trong bối cảnh sự giao lưu tiếp biến ngày càng mạnh mẽ với văn hóa phương Tây như hiện nay. Nghĩa là đến một lúc nào đó người Việt Nam, văn hóa Việt Nam cũng có thể có biểu tượng, có quốc hoa, quốc phục. Nhưng thời điểm đó đã phải là bây giờ hay chưa thì cần phải bình tâm cân nhắc. Không nên nóng vội thấy người ta có cái gì mình cũng phải có ngay cái đó. Và cũng không thể nói rằng kết quả bình chọn trên mạng (hiện ban tổ chức chỉ công bố tỷ lệ phần trăm mà không cho biết là cụ thể có bao nhiêu – mấy ngàn, mấy vạn, mấy triệu người?) là đủ đa dạng, đại diện về lượng cũng như về chất cho các tầng lớp người Việt Nam. * Nếu giả định rằng thời điểm chọn biểu tượng mà giáo sư nói đã đến thì ông sẽ chọn lựa, đề xuất biểu tượng nào? * Nếu mà buộc phải chọn biểu tượng thì theo tôi, biểu tượng đó cũng không phải là hoa sen. Hoa sen có thể đẹp ở điểm này, có ý nghĩa ở điểm khác nhưng nó không thể hiện được hết cái chiều sâu tính cách của con người Việt Nam. Hoa anh đào là biểu tượng của Nhật Bản không phải vì nó đẹp, nó hay mà là vì nó thể hiện được cái tinh thần tập thể, hợp tác làm việc với nhau của người Nhật Bản (hoa anh đào chỉ đẹp khi nó nở hoa đồng loạt thành rừng). Hoa vô cùng là biểu tượng của Hàn Quốc vì nó thể hiện được cái tính bền bỉ kiên trì của dân tộc này (hoa vô cùng thuộc họ dâm bụt là loại hoa có sức sống rất dẻo dai). Theo chiều hướng đó tôi nghĩ sẽ có nhiều người đồng ý với tôi rằng cây tre phù hợp với hình ảnh, tính cách của con người Việt Nam hơn cả. Thứ nhất, cây tre sống thành bụi tre, rặng tre, lũy tre như người Việt Nam có tính cộng đồng. Thứ hai, cây tre rất mềm dẻo, gió đến thì ngả theo, gió qua thì lại vươn thẳng như người Việt Nam có tính linh hoạt “tùy cơ ứng biến”, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Thứ ba, tre sinh sôi nảy nở rất nhanh thể hiện tính phồn thực của văn hóa Việt Nam. Thứ tư, rễ tre là loại rễ chùm bám rất chắc, rất sâu vào lòng đất, thể hiện tính ổn định cao của văn hóa nông nghiệp. Thứ năm, cây tre sau khi ngâm nước được công nhận là vật liệu cứng như thép, giống như dân tộc Việt Nam bất diệt, như văn hóa Việt Nam không thể bị kẻ thù nào đồng hóa. * Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này! Theo ĐỖ HẠNH - SGGP |