Văn nghệ trong nước
Bảo nhau giữ gốc, hợp lại thì còn
09:32 | 27/02/2011
Đó là tư tưởng thể hiện trong bản di chúc của cụ Lương Văn Can. Sở dĩ bỗng nhiên tôi nhớ đến con người sống cách nay cả thế kỷ này, một phần vì phải chuẩn bị cho các đồng nghiệp  phía Nam tổ chức một sư kiện nhằm khuyến khích các bạn sinh viên các khoa kinh tế dấn thân vào công cuộc xây dựng đội ngũ các doanh nhân tương lai.
Bảo nhau giữ gốc, hợp lại thì còn
Các môn sinh của cụ Cử đến viếng cụ tại ngôi nhà số 4, phố Hàng đào, Hà Nội. Ảnh:TL
Tên tuổi của cụ Cử luôn gắn với điều mà ngày nay chúng ta đang quan tâm gây dựng, đó là “Đạo làm giàu” hay “Đạo đức kinh doanh”. Một phần nữa vì nhận thấy trong số những đơn từ khiếu nại gửi  đến mình có không ít những vụ việc tranh chấp tài sản thừa kế trong nội bộ những thành viên của cùng một gia đình.

Vì thế mà muốn đem ra đọc lại cái bản di chúc của người xưa để cùng suy ngẫm . Bản di chúc được Lương Văn Can viết bằng chữ Hán và chữ Nôm chép vào “Lương gia thế phả” để trong nhà thờ của danh nhân tại làng Nhị Khê (Hà Tây), nay thuộc về Hà Nội. Tuy chỉ là di chúc của một gia tộc nhưng  nội dung lại đề cập đến những vấn đề chung mà cả xã hội quan tâm, nhất là trong bối cảnh ở nước ta đang diễn ra những chuyển đổi của hệ thống giá trị xã hội. Văn bản viết: 

“Ngày xưa có một nhà anh em muốn chia của thì cây Kinh (cây hoa) tự héo, nhưng khi hợp tài sản lại thì cây ấy lại tươi tốt. Giống vô tri còn không muốn phân ly huống là người mà chẳng bằng thảo mộc sao. Nhà ta trước nhờ tổ tông tích đức đến ta hai người (vợ chồng cụ Cử - DTQ) thành cẩn, cần, kiệm, mới gọi là lập nên môn hộ; có được trung gia sản nghiệp. Đương lúc đời này, thương chiến kịch liệt, khôn sống mống chết, hơn được kém thua; chẳng  như bảo nhau giữ gốc, hợp lại thì còn, chia ra thì không thể đều được. Phàm trong nhà con và cháu đều nên đồng tâm hợp lực; cùng làm cùng chịu; đừng nghĩ tiền chung mà tiêu hoang; đừng nghĩ của chung mà làm biếng; ăn chẳng cùng vị, mặc chẳng cùng sắc. Trẻ con phải học cho chăm, chớ để lêu lổng mà vô nghiệp.

Cứ giữ chữ công, chữ nhẫn mà ở với nhau. Mỗi năm tính vốn một lần, chia lợi ra làm bốn phần, hai phần để chi tiêu, một phần để thêm vào vốn, một phần để làm sự công ích hoặc trợ giúp người hoạn nạn. Ai cũng có lòng khiêm nhường; không có sinh lòng phân cách. Như thế thì già này được như cổ nhân chín đời cùng của. Những chẳng nên tiếng là một nhà túc thái. Ta hai người  chẳng ngậm cười dưới cửu tuyền, mà không di hối gì nữa. Các con cháu, dâu rể phải nhớ lấy mà đừng quên.

Thời cuộc này chuyên nói về một thứ tiền của; còn như đạo lý làm người ở đời phải trữ sách gia huấn mà học tập, thì các người mới được vẹn toàn!”.*

Cũng nói thêm rằng, cụ Lương Văn Can là một thầy giáo, là Thục trưởng (hiệu trưởng) của Đông Kinh nghĩa thục, cũng là người sớm đón nhận luồng gió Duy tân của thiên hạ mà tiên phong đem cái sở học về làm ăn kinh tế mang ra dạy dỗ cho lớp hậu sinh còn ngơ ngác giữa nhưng biến đổi của thời cuộc mà theo cụ cái khó hơn hết là ứng xử đối với của cải sinh ra từ sự vận động của xã hội. Cụ viết những điều này trong bộ “Kim cổ cách ngôn” sử dụng như sách giáo khoa của nghĩa thục.

Xin được trích ra mấy đoạn trong bộ sách này chuyên “bàn về của cải” mà nay đọc lên vẫn thấy có nhiều điều để suy ngẫm: “Đời người với của cải.

Người ta từ sự ăn uống, may mặc đến những việc ở tuổi trưởng thành như trai lấy vợ, gái lấy chồng, chỗ đi mừng, nơi đến viếng đều phải nhờ cậy vào tiền của. Của cải là sự sống của con người. Chính vì vậy khi dùng của cải, phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không, tiêu đi có xứng đáng không, hay thái quá hoặc bất cập. Của cải lấy từ trời đất, song phải được làm nên bởi tâm sức của mình. Như đấng quân tử phải lao tâm mà được bổng lộc; kẻ nông phu phải đổ sức ra cấy lúa, trồng dâu, nuôi súc vật; người thợ thủ công làm bách nghệ, kẻ gồng gánh bán buôn thu được tiền của thì của ấy đều là nghĩa cả.

Nếu không phải thế thời là phi nghĩa. Nguồn của cải đã trong sáng, thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán, cân nhắc việc nhẹ, việc nặng, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau. Việc gì nên chi thời chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì không được phóng túng. Mọi việc chi tiêu đều phải lấy nghĩa làm trọng. Như bậc quân tử từ xưa tới nay luôn luôn vì nghĩa, chẳng nói lợi mà lợi ở trong ấy. Còn kẻ tiểu nhân thì chỉ vì lợi vậy mà chưa thấy lợi, hại đã ở bên trong rồi. Cho nên nói của cải đến bằng con đường vụ lợi, ích kỷ thì nguy hại cho đời người lắm thay!

Ai cũng có nết tín. Người ta bởi cùng khốn, đến nỗi phải chịu thiếu tiền bạc của người hoặc vay mượn đồ vật của người mà không trả ngay được, thì lập tức bị người ta cho là kẻ xấu. Nếu nhẫn nhục đến kêu xin người ta khoan hẹn cho, thì liền bị chê trách là bẻn mép. Nếu gặp mà không nói, thì người ta lại cho là lì lợm, gian dối. Tóm lại, chỉ vì thiếu thốn mà không biết cách gì để làm cho hợp ý người được. Ta thiết nghĩ lương tâm, nết tín thật ra ai cũng có. Ai chẳng muốn đền ơn đáp nghĩa, giữ niềm tin. Song chỉ vì túng thiếu mà phải loanh quanh đưa đẩy. Tục ngữ rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Chẳng ai có của mà lại chịu điều thất tín với người!

Kinh doanh phải hiểu nghĩa. Ý nghĩa của hai chữ “kinh doanh” thật là sâu sắc. Như người dân quê chuyên cấy trồng, người thợ làm bách nghệ, nhà thương gia buôn chuyến hay đứng cửa hàng đại lý… tất thảy đều là kinh doanh. Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa, bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham khôn cùng đấy thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh vậy! Kìa xem những người bụng dạ khắc bạc, trong kinh doanh chỉ chăn chắn lợi mình, hại người, nguồn lợi trước mắt thu về nhiều đấy, vậy mà tương lai con cháu mạt vận. Cũng là bởi đạo trời ban phúc cho người thiện, trừng phạt kẻ gian tà. Vậy nên nhà kinh doanh phải lấy điều đó mà xem xét mình!

Không có gì bằng ruộng đất. Xem trong thiên hạ từ xưa đến nay, người ta tàng chứa của cải thường gặp phải lửa cháy, nước dâng hoặc trộm cướp, giặc giã lấy đi… Người trữ vật báu thì càng sinh nguy, mắc nạn. Như người thôn quê nhà có vài trăm đồng bạc thì đêm ngủ không yên. Duy có ruộng đất thì chẳng lo ngập lụt, hoả hoạn, chẳng lo trộm cướp, giặc giã. Kẻ cường bạo cũng không dễ cướp nổi một thước đất. Dẫu người có sức khoẻ xách nổi ngàn cân cũng không có thể gồng ruộng mà chạy được. Ruộng đất chính là vàng mười quý giá mà không người nào phải lo cầm giữ, canh phòng. Ví bằng có gặp cảnh binh lửa, loạn lạc, người ta phải bỏ làng xóm ra đi, nhưng lúc yên hàn lại trở về. Cửa nhà có thể tan nát, song ruộng đất thì đâu vẫn thuộc về đấy. Lại bảo nhau khai cẩn, cấy trồng thì chẳng mấy vụ sẽ có thể trở nên giàu có. Vậy mới nói: trong thiên hạ không gì quý bằng ruộng đất, người ta cần phải bảo nhau mà giữ lấy!

Răn người đứng trước của cải. Việc làm ra của cải, xưa nay vốn có đạo lý của nó. Bậc chính nhân muốn “trị quốc, bình thiên hạ” cũng phải lấy của cải làm gốc. Người dân bình thường hàng ngày ăn uống, may mặc, tiêu dùng… không có của thời không được. Song đứng trước của cải, đối với người đời vẫn cần phải răn bảo. Cần răn người lấy của không thuộc quyền sử dụng của mình; răn người thấy lợi mà quên điều nghĩa; răn lòng tham không đáy lao theo của cải không biết đường trở lại; răn kẻ gian dối không còn chút lương tâm, hại người để làm lợi cho mình vậy.

Với người nghèo, muốn vươn lên phải chọn nghề cẩn thận. Không nên vì nghèo mà chứa sòng bạc để cám dỗ con em người khác. Không nên nhân buôn bán đổi chác mà làm lẫn của giả lừa lọc người ta.

Kẻ hàn sĩ thì không nên võ đoán, ra vào trong xóm ngoài làng, đương chỗ đất bằng mà sinh sóng gió. Kẻ chen mình vào chốn quan nha thì không nên vì lợi riêng mà làm hại người lương thiện. Không nên kiếm chuyện quấy nhiễu nhân dân, khiến người oan không được rửa oan. Kẻ bình dân thì đừng lừa nhau để chiếm đoạt tài sản của nhau, đừng vay mà chẳng trả, hoặc kiếm cớ tước đoạt công sức người khác. Ấy toàn điều bất lương, lược kể ra đây để răn người đời trước của cải phải bền lòng giữ lấy đức vậy”.*

Đọc sách hoc của người xưa chợt nghĩ sao không thấy loại sách này ở trường học bây giờ và người đời nay viết di chúc có tựa người xưa chứ thấy trong các đơn kiện tụng thì chỉ thấy những con phép chia hay cộng cộng trừ trừ mà thôi (?!).

* Phần văn bản trích trong bài viết này sử dụng bản dịch của Phạm Quốc Bằng

Theo Dương Trung Quốc - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng