Sinh ngày 22-5-1926 tại Nghệ An, học phổ thông ở Huế, năm 1945 tham gia công tác cách mạng tại địa phương, năm 1949 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1950 ông được điều động về ngành giáo dục và gắn bó đời mình với sự nghiệp giáo dục của nước nhà từ đó đến nay. Năm 1955, ông được Bộ Giáo dục cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của nước ta tại Liên Xô. Ở đây vừa giảng dạy, vừa học tập và nghiên cứu khoa học, năm 1960 ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên bang Xô Viết về ngôn ngữ học. Trở về nước, ông giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ 1960. Năm 1980, ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư. Trong những thế hệ học trò mà Giáo sư dành nhiều công sức và tâm trí để đào tạo, nhiều người đã trở thành nhà khoa học đầu ngành, nhà văn, nhà báo, nhà chính trị danh tiếng. Với uy tín khoa học của mình, các năm 1982, 1988 – 1990, Giáo sư được mời giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Paris7, Cộng hòa Pháp, năm 1993 tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ. Có thể thấy là một nhà giáo dục, Giáo sư có tầm hoạt động rất rộng, có đóng góp rất phong phú không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước, từ Á qua Âu, qua Mỹ. Trong sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, thành tựu nghiên cứu khoa học đồ sộ đã đặt ông vào vị thế một cây đại thụ của ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Chưa tính đến những công trình có tính tập thể mà Giáo sư là chủ biên hay đồng tác giả, cũng chưa tính đến hơn 100 bài báo khoa học được đăng tải ở trong và ngoài nước cùng nhiều báo cáo khoa học ở các hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia, Giáo sư có 11 công trình khoa học lớn xuất bản thành sách. Với những cống hiến đó, Giáo sư là nhà ngôn ngữ học duy nhất được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Thành tựu khoa học của Giáo sư để lại cho ngôn ngữ học nước nhà rất đa dạng, nổi bật nhất ở ba lĩnh vực: ngữ pháp tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt và văn bản học. Những công trình Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (1975), Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng – từ ghép – đoản ngữ (1976) có giá trị rất to lớn về cả lý thuyết lẫn phương pháp nghiên cứu khoa học, có ý nghĩa rất sâu sắc trong việc nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt. Những công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (1979), Một số vấn đề chữ Nôm (1985), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt – sơ thảo (1995), Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn (1998), Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ Trung sơn thủy của Thiệu Trị (1998), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa (2001) đặt nền móng và soi rọi nhiều vấn đề cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng nói dân tộc. Những công trình Tư liệu Truyện Kiều: bản Duy Minh Thị 1872 (2002), Tư liệu Truyện Kiều: từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (2004), Tư liệu Truyện Kiều: thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh (2008) được xem là những mẫu mực về nghiên cứu văn bản học ở nước ta. Với lòng ngưỡng mộ, kính trọng và tri ân vị Giáo sư vô cùng uyên thâm và vô cùng quảng bác, trong mấy năm qua Hội Ngôn ngữ học TPHCM cùng một số học trò cũ đã hai lần mời thầy Nguyễn Tài Cẩn về TPHCM. Năm 2005, thầy dự “Hội thảo khoa học mừng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn 80 tuổi”, năm 2008 thầy dự “Hội thảo khoa học về giáo dục ngôn ngữ”; cả hai hội thảo đều do Hội Ngôn ngữ học TPHCM tổ chức. Trong hai lần về nước ấy, thầy gặp gỡ, sống chan hòa với nhiều học trò, bạn bè, người thân, đã đi thăm nhiều nơi ở TPHCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến tận đất mũi Cà Mau. Chắc hẳn ở trong lòng đất lạnh xứ sở bạch dương xa xôi, thầy có mang theo cái nồng ấm của tình người và tình đất phần lãnh thổ phương Nam này của Tổ quốc Việt Nam. Theo NGƯT Trần Chút (Nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TPHCM) - SGGP |