Vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng VN đã từng giới thiệu G.Mahler qua chương trình “Giao hưởng một nghìn” ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình rầm rộ và hoành tráng như một sự kiện âm nhạc. Trong hai đêm vừa qua, G.Mahler lại hiện diện sau tròn trăm năm xa cõi đời. G.Mahler là nhà soạn nhạc tài danh của thời kỳ hậu lãng mạn. Ông sinh 7.7.1860 tại Kalischt (nay thuộc Cộng hoà Czech). Ông có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Đến tuổi thanh niên, ông học Nhạc viện Vienna. Năm 1897, ông trở thành Giám đốc nghệ thuật của Đoàn nhạc kịch Hoàng gia ở Vienna. Nhờ có những nỗ lực của ông trong lĩnh vực nhạc kịch, Vienna trở thành trung tâm nhạc kịch nổi tiếng trên thế giới những thập kỷ sau đó. Năm 1907, Mahler tới New York (Mỹ) làm nhạc trưởng Dàn nhạc Metropolitan Opéra từ 1908 đến 1910, sau đó chuyển sang chỉ huy Dàn nhạc New York Philharmonic từ 1910 đến 1911. Ông phải về lại Vienna do mắc bạo bệnh và từ trần ngày 18.5.1911. Trong chương trình hoà nhạc kỷ niệm 100 năm ngày mất của G.Mahler (1911 – 2011), Dàn nhạc Giao hưởng VN đã chọn giới thiệu những tác phẩm đầu tiên của G.Mahler, nhưng lại có sức sống bất diệt qua thời gian. Đó là “Bài hát của kẻ lang thang” và “Giao hưởng số 1 cung rê trưởng” thường được gọi là “Giao hưởng Titan”. “Bài hát của kẻ lang thang” là một tác phẩm âm nhạc độc đáo của G.Mahler trong lịch sử âm nhạc thế giới. Cuối năm 1884, G.Mahler lúc đó 24 tuổi đã rất đau khổ trong mối tình với nữ ca sĩ Johanna Richter. Ông đã viết ra một số bài thơ cho người yêu (có lẽ chưa bao giờ J.Richter biết đến). Làm thơ xong, G.Mahler lại phổ nhạc ngay 4 trong số những bài thơ đó cho đơn ca với phần đệm piano và hoàn thành vào năm 1885. Có một nhạc phẩm trong số đó đã được biểu diễn ở Praha năm 1886. Sau đó nhiều năm, G.Mahler đã viết phần đệm cho cả bốn bài hát với sự trình diễn của dàn nhạc lớn. Mãi tới 1892, các bản phối mới xong và chúng đã được trình diễn tại Berlin dưới sự chỉ huy của chính G.Mahler vào 16.3.1896. Đấy là sự độc đáo đưa G.Mahler lên vị trí người tiên phong trong thể loại này. Trong đêm kỷ niệm, bốn bài hát G.Mahler viết tặng J.Richter đã do giọng nam trung người Nhật Bản Kono Katsumori trình bày. “Giao hưởng số 1 giọng rê trưởng” cũng là một tác phẩm âm nhạc đầy ấn tượng. Sự đau đớn trong mối tình đầu và cuộc sống thành Vienna đã cùng dào dạt vào những chương nhạc xuất thần của G.Mahler, khiến ta thấy nó rất khác thường, nó đã quyến rũ ta bằng những nức nở, những trắc ẩn và đột ngột là niềm vui huyên náo vụt sáng lại vụt tắt. Chương đầu tiên là mô tả khu rừng đồng cỏ thanh viên trong những sớm sương mù dày đặc mà chủ đề lấy từ hai nốt đi xuống trong bài hát thứ hai “Sáng nay tôi đi giữa cánh đồng”. Chương tiếp theo (Scherzo) mang chủ đề mạnh mẽ, dựa trên điệu nhảy dân gian Áo - Đức được gọi là Landler. Trong đoạn trio xuất hiện điệu valse quyến rũ tương phản. Cứ thế, những đặc sắc trong sáng tạo G.Mahler cứ cuốn hút người nghe đến phút chót của giao hưởng. Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ |