Nằm khuất trong một xóm nhỏ của làng Đại Hoàng hôm nay, có một ngôi nhà xưa hoang vắng, cửa đóng im ỉm suốt ngày. Người dân trong làng cho hay ngôi nhà ấy là của ông “Bắc kỳ nhân dân đại biểu” Trần Duy Bính, thường gọi là nghị Bính khét tiếng lắm vợ, nhiều của một thời. Ông Bính là chất liệu thực tế để nhà văn Nam Cao xây dựng nên Bá Kiến trong Đôi lứa xứng đôi. Ngôi nhà bảy đời Về sự tích ngôi nhà này, người dân làng Đại Hoàng còn có tên gọi khác nữa là “nhà bảy đời”. Nguyên do là từ năm 1998, sở Văn hoá – thông tin Hà Nam đã mua lại ngôi nhà của nghị Bính từ tay cháu ông cai Hậu, một người dân làng Đại Hoàng đi Tân thế giới trở về Việt Nam từ năm 1962. Theo ông Trần Hữu Tá, 58 tuổi, hàng xóm của nhà nghị Bính thì ngôi nhà hiện nay khi đến sở Văn hoá – thông tin Hà Nam quản lý thì đã qua bảy đời chủ. Người con của nghị Bính khi bán nhà cho ông cai Hậu là ông T. nay đã chuyển đi xa. Cụ Trần Hữu Ái, 87 tuổi, cũng là hàng xóm của nhà nghị Bính trầm ngâm cho tôi hay, ngôi nhà này được coi là “tổng hành dinh” của sáu dinh cơ vệ tinh khác. Trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nghị Bính được coi là hình mẫu của Bá Kiến. Nhưng Bá Kiến trong truyện thì chỉ có bốn vợ, ngoài đời thực thì nghị Bính có tới sáu vợ, mỗi vợ một dinh cơ riêng. Với nhiều mánh khoé làm giàu, bóc lột đàn em trong làng, gia đình nghị Bính có mười mẫu ruộng thượng đẳng điền chuyên phát canh thu tô. Ông Ái nói rằng, chẳng những anh Chí thời ấy làm tay sai đi đòi nợ thuê cho nghị Bính mà còn nhiều người khác lúc cùng đường cũng phải làm tay sai cho ông ta để kiếm miếng cơm manh áo. Ở trong làng, nghị Bính được coi là giàu nhất, nổi tiếng nhất với danh “ông nghị” nhưng cách kiếm tiền thì cũng không khác bốn cánh Bát Ngọ, Đội Tụ, Nhất Hợp và Lý Bật, đó là cho vay nặng lãi, bóc lột bằng sưu thuế, bắt phu. Theo các cụ cao niên hiện còn sống ở Đại Hoàng kể lại rằng, sau khi truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi được in trên Hà Nội, khi ấy, phong trào chống cường hào áp thuế, chống hủ tục nông thôn ở Đại Hoàng đã bùng lên khá mạnh, Nam Cao có mang sách về làng cho lớp thanh thiếu niên lúc đó đang được học lớp truyền bá quốc ngữ. Mọi người truyền tay nhau đọc râm ran ở xóm Đền và xóm Cổng Xây. Ai cũng bảo nghị Bính giống như Bá Kiến. Trong một dịp tụ tập ở đình làng, có người đến báo với nghị Bính rằng Nam Cao viết chuyện của làng đem bêu riếu thành sách. Nghị Bính đe sẽ vứt đi vài chục mẫu ruộng để đưa nhà văn Nam Cao đi tù. Ông Trần Hữu Đạt kể lại rằng, trong một bữa cỗ ở làng, nghị Bính đã chủ động đến gặp cụ Trần Hữu Huệ, bố của nhà văn Nam Cao và ông Đạt, nói mát mẻ: “Ông bà sinh được người con hay chữ quá, học cao để viết sách chửi làng thì có ích gì. Sẽ có ngày tôi cho gô cổ lại”. Cụ Huệ cười, nói: “Các con tôi đã lớn khôn, chúng biết chúng phải làm gì”, làm nghị Bính càng căm tức. Cũng theo ông Đạt, trong mấy năm ngắn ngủi theo nghiệp văn chương, Nam Cao đã lấy đa phần là nguyên mẫu của người làng Đại Hoàng. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Sống mòn, 90% là nguyên mẫu thật, nhân vật trong truyện toàn là những anh em, họ hàng… trong gia đình, kể cả vợ con. Khi cuốn Sống mòn được in vào năm 1956 và khi đó Nam Cao mất rồi nhưng cô Phượng (trong tiểu thuyết tên là Oanh), có một thời là thư ký uỷ ban xã Đại Hoàng, vẫn còn hậm hực bảo với ông Đạt rằng “sao chú Tri lại viết về tôi như thế”, mãi sau mới nguôi ngoai. Đối mặt Ông Đạt cười mà rằng, nghị Bính chưa kịp ra tay thì Nam Cao đã… “ra đòn”. Số là một người bạn cùng học với Nam Cao khi ấy được bổ nhiệm là quan tư pháp của huyện nhà. Khi truyện Đôi lứa xứng đôi được in, Nam Cao đi từ Hà Nội về cũng ghé qua gửi tặng bạn. Dịp tết Nguyên đán năm ấy, các lý dịch kỳ hào của làng Đại Hoàng theo lệ phải lên huyện lễ tết quan trên. Khi chức dịch của làng vào công đường, quan tư pháp mới hay là họ cùng với quê Nam Cao, ông ta mới gửi lời hỏi thăm và gửi quà tết cho gia đình nhà văn. “Tết năm ấy, lý dịch đến chơi nhà tôi đông lắm, riêng nghị Bính không đến nhưng tỏ vẻ ngại ngùng. Họ tranh nhau kể chuyện quan huyện gửi lời thăm hỏi tận tình thế nào, chỉ khổ bà chị dâu tôi phải đun nước tiếp khách, còn ông anh tôi thì cứ tủm tỉm cười”, ông Đạt nói. Ông Trần Hữu Đạt cho hay, trong ngày tổng khởi nghĩa 19.8, từ Đại Hoàng, Nam Cao dẫn đoàn thanh niên, trong đó có cả em trai mình là Trần Hữu Đạt tham gia cướp chính quyền huyện Lý Nhân. Chính Nam Cao là người soạn diễn văn cho lãnh đạo Việt Minh trước buổi lễ ra mắt chính quyền huyện Lý Nhân, trong khi đó vị quan tư pháp, bạn cùng học với Nam Cao, đã dông tuốt về Hà Nội. Sau đó, Nam Cao về làng tham gia công tác địa phương và giữ chức vụ chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến xã Đại Hoàng. Khi Nam Cao nhậm chức được vài ngày, trong lúc dẫn dân quân đi tuần trên đường có gặp nghị Bính. Ông này đã đứng nép vào bên đường, chắp tay chào ông chủ tịch của chính quyền mới. Nam Cao đứng lại, ôn tồn chào hỏi nghị Bính như với một người dân cao tuổi trong làng. Sau Nam Cao thoát ly địa phương đi kháng chiến thì ở làng, nghị Bính vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với các ông kỳ mục cũ, ca ngợi Nam Cao là người nhân đức. Ông Trần Hữu Tá, hàng xóm của nghị Bính, cho biết, khác với cái kết trong truyện của Nam Cao, ông “Bá Kiến” nghị Bính đến cải cách ruộng đất mới chết chứ không phải bị “anh Chí” đâm chết. Con cháu của ông nghị khét tiếng ngày xưa nay ai cũng làm ăn khấm khá, và họ rất ít qua lại thăm ngôi nhà cũ vì đã qua đến bảy đời chủ. Còn làng Đại Hoàng hôm nay, làng Vũ Đại của Nam Cao xưa, nay đã là làng nghề nổi tiếng về dệt vải của tỉnh Hà Nam. Nó còn có nhiều tên gọi nữa như làng đặc sản vì ở đây có ba món nức tiếng toàn quốc: cá kho Vũ Đại, hồng Nhân Hậu và chuối ngự Đại Hoàng. Theo SGTT.VN |