Tôi như không còn tin ở tai mình nữa, bởi hai tập thơ vừa in trong dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội anh tặng tôi vẫn chưa kịp đọc, cả tiếng cười sang sảng và đôi chân mày rậm rạp rướn lên mỗi lần tranh luận chuyện gì với ai của anh vẫn như còn quanh quẩn đâu đây... Nhưng anh đã ra đi thật rồi ở tuổi vừa bước lên thất thập. Trong thơ, anh từng viết “Đời ngắn lắm xin em đừng buồn thế/bao cô đơn chất ngất núi cao rồi...” (Nói với vợ), sau tin dữ, tôi đọc lại mà cứ ngỡ như là một dự báo đầy chua chát. Nhưng trong sự ngắn ngủi của kiếp nhân sinh ấy, Hoàng Minh Nhân đã làm được nhiều việc. Ra Bắc từ năm 13 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp. Đang làm cán bộ nghiên cứu lại bỏ đi nghiên cứu sinh nước ngoài, bỏ ngành vì văn chương và ước mơ trở về miền Trung khi nghe Thu Bồn, Phan Tứ ra Hà Nội kể chuyện. Anh lại đi học viết văn rồi xin vào chiến trường Khu 5. Sau 1975 lại lên Tây Nguyên tham gia chiến dịch truy quét Fulro rồi về Đà Nẵng làm công tác thi đua, làm công tác phong trào của Hội Văn nghệ, tham gia phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ. Về hưu, lại tự đứng ra làm sách hoạt động sôi nổi ở Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc, tạp chí Văn Hiến rồi làm Giám đốc tủ sách Đất Quảng. Ngoài hàng chục sáng tác đã in thành sách, anh còn làm chủ biên và “bà đỡ” cho nhiều cuốn sách giá trị như Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Mẫn và tôi sống mãi của Phan Tứ, Mãi mãi là tình yêu của Phan Huỳnh Điểu, Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người, Khát vọng miền Trung, thơ Phạm Hầu, Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam, Hội An thế kỷ 17... Tất cả hơn 30 cuốn và bằng chính tiền túi của mình. Đến nỗi anh em gọi đùa anh là “Nhà xuất bản ba không”. “Già rồi, sức viết có hạn, vì vậy tủ sách Đất Quảng do mình chủ trương lâu nay như một món nợ phải trả cho một vùng quê mà mình đã gắn bó suốt đời...”, một lần Hoàng Minh Nhân đã tâm sự với anh em như vậy. Chỉ tiếc, tất cả tâm huyết, niềm say sưa đến hồn nhiên của anh đã dừng lại bất ngờ. Theo Trương Điện Thắng - TN |