Văn nghệ trong nước
Huế - một thành phố nhớ
11:04 | 01/04/2011
Trịnh Công Sơn nhắc đến Huế như một “thành phố nhớ” - nhớ sông Hương, nhớ những “đường phượng bay”, những “hàng cây lá xanh gần với nhau”, những hẹn hò - và một người tình “đã khóc chiều mưa”…
Huế - một thành phố nhớ
Trịnh Công Sơn và chân dung tự họa đêm giao thừa (1965 – 1966) - Ảnh do gia đình NS TCS cung cấp

Nhớ nhất vẫn là Dao - Ánh - sương - mù, chẳng biết “bây giờ Ánh đang làm gì, bờ sông thì vẫn có những hàng cây - những hàng cây nhìn xuống một đời nước chảy mãi và những màu lá xanh, lá đỏ của mỗi ngày, của mỗi tháng, của mỗi năm” (Blao 26.2.1965). Khi nhận được thư của Ánh từ Huế gửi lên “anh đã đọc bao nhiêu lần và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi quen thuộc đó mà ngủ”.

Viết xong một tình khúc, ông lại báo tin “anh viết xong một bản nhạc cho Ánh: Ru mãi ngàn năm, hay: Ru em từng ngón xuân hồng” (Blao 26.2.1965). Sắp đến hè thì nhắn “cuối tháng 4 anh đã nghỉ hè rồi - những ngày mùa hạ anh có được về đó nữa không để nhìn má Ánh hồng hơn bao giờ” (Đà Lạt 21.3.1965). Thường hỏi: “Huế đã có nắng nhiều chưa? Ở đây mùa hạ đã khởi nhưng trời vẫn mát như mùa thu có nắng” (Blao 13.4.1965) và “Ánh ơi, những chiều mưa này đã làm anh nhớ những mùa mưa dầm ở Huế - anh chờ tin Ánh vô cùng đó Ánh” (Blao 15.4.1965). Rất nhiều thư khác nhắc đến mưa Huế và mây trường Đồng Khánh nữa: “đã 5 giờ chiều, có lẽ Ánh còn ngồi ở lớp - không hiểu giờ này ở Huế có mưa không, Ánh có nhìn ra ngoài cửa sổ để thấy tâm hồn mình cũng thênh thang như trời mây ở ngoài kia” (Đà Lạt 21.9.1965). Thư khác: “Huế giờ này có mưa hay trời im đẹp và Ánh có đi qua phố một mình không?” (Sài Gòn 2.10.1965), “Ánh bây giờ đang thế nào ở Huế?” (Đà Lạt 10.10.1965). "Anh nhớ lắm hàng cây long não mùa này ướt sũng và đêm gió lao xao trên đó. Hàng cây đã chứng kiến những mùa thu, hạ, xuân, đông (Ánh đã) đi qua” (thư Blao 8.11.1965).

Bì thư gửi về Huế - Ảnh do gia đình NS TCS cung cấp


Đó là hàng cây long não trồng hai bên đường Nguyễn Trường Tộ ở Huế, nhà Trịnh Công Sơn nằm trên đường ấy, kề sông An Cựu gần đầu cầu Phú Cam. Đó cũng là con đường hằng ngày Dao Ánh đi học ngang qua để đến trường. Từ trên ban công của nhà mình nhìn xuống, Trịnh Công Sơn trông theo dáng của người yêu bước đi không biết bao nhiêu lần. Ông bảo, thời trước vào những năm của thập niên 1960, nữ sinh Huế đi học chưa dùng nhiều đến xe gắn máy chạy với tốc độ chóng mặt như thời nay, một số đi xe đạp, còn phần lớn “cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung”. Dao Ánh cũng thế, đi bộ từ bên kia cầu Phú Cam qua trước nhà ông với “áo xưa lồng lộng”. Sau này, những khi về Huế, lúc Dao Ánh đã vào Sài Gòn học, ông vẫn đứng một mình nhìn xuống: “buổi sáng anh đứng ở balcon nhìn mấy cô bé đi học mà tưởng như cũng có Ánh đang từ phía bên kia cầu đi sang. Cái áo nâu ngày đó chắc bây giờ Ánh phải mặc cao đến gối. Như thế mà cũng đã nhiều năm rồi đó. Anh đã nhìn Ánh lớn lên từ balcon này của nhà anh” (thư Huế 17.11.1966).

Những dịp về thăm Huế, dù ngắn ngày, ông vẫn đều đặn thư vào Sài Gòn “những đêm về đây anh không ngừng nằm mơ thấy Ánh” (Huế 21.11.1966), “thấy nhớ Ánh kì lạ - nhớ đến nản lòng” (Huế 18.11.1966). Đầu năm 1967, vào dịp tết Dao Ánh cũng về Huế, gặp gỡ, yêu thương, rồi chẳng rõ vì giận điều gì mà quay lại Sài Gòn chẳng báo trước Trịnh Công Sơn một lời, nên ông viết thư và tỏ ý trách giận ở những dòng đầu, nhưng càng viết thì dường như nỗi nhớ càng dâng lên, đến nỗi quên giận, chỉ còn nhớ thôi:

Huế, 24/2/1967

Gửi người yêu bạc bẽo nhất cuộc đời của anh,

Đã bao nhiêu buổi trưa buổi chiều thức dậy không có báo hiệu gì của một ngày rạng rỡ vì sẽ thấy nhau từ xa bên kia cây cầu mà giòng sông thay màu chóng vánh như sự phù du của cơn bệnh trên cơ thể một người già nua. Anh đã chờ đợi dù biết đã vô vọng lắm rồi.

Một mùa xuân mà thấy mặt nhau có một lần ôi mùa xuân sao mà khắc nghiệt. Anh biết Ánh vào Đà Nẵng rồi đi luôn vào Sài Gòn mà sao vẫn những buổi trưa nằm không ngủ nghe hoài một bàn tay không bao giờ đến gõ cửa ở nhà trước. Bây giờ thì anh phải tin chắc là Ánh đã đi Sài Gòn rồi. Một vài người bạn hỏi anh Ánh đã đi chưa, anh làm sao biết trả lời.

Mấy buổi trưa rồi nằm nhắm mắt mà không ngủ được, để chỉ thấy một con đường đi vào nho nhỏ đưa vào một căn phòng có nhiều ghế đợi, ở đó đã bao nhiêu ngày ngồi chờ Ánh và những con đường mang Ánh đến trường ra phố thật xa xôi và buồn thảm (...) Nhớ Ánh thật muốn vào ngay.

(...) Những ngày nay trời còn đẹp lắm. Tiếc là không thể làm gì hơn để có Ánh ở đây. Này em yêu dấu, hãy nồng nàn với nhau thêm tí nữa cho ngày tháng bớt hoang vu như giòng sông mùa nước lũ. Ơi Ánh của anh của anh của anh. Yêu dấu em vô cùng vô cùng đó em...


Trời đất gần như không có thực

“Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn, và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn của một nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó, con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất gần như không có thực”.

                                                 Trịnh Công Sơn (Hồi ức)



                                                                                                            Theo TNO















Các bài mới
Các bài đã đăng