Văn nghệ trong nước
Vụ "đạo văn" ở Tạp chí Nậm Nung (Tỉnh Đak Nông) - Các "nạn nhân" lên tiếng
09:38 | 08/04/2011
Sau khi nhận được thông tin từ độc giả Lê Thắng về việc Lê Thủy (Trưởng ban biên tập tạp chí Nậm Nung – Tỉnh Đak Nông) liên tục “đạo văn” của các nhà văn khác đưa về in trên tạp chí Nâm Nung, VanVn.Net đã đăng tải tin này và nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc cũng như câc nhà văn có tác phẩm bị “đạo”. Để rộng đường dư luận, VanVn.Net xin đăng tải tiếp những ý kiến của các nhà văn (đồng thời cũng là “nạn nhân”) về vụ việc này.
Vụ
Nhà văn Đỗ Bích Thúy

1. Anh/ chị đã bao giờ hình dung mình là nạn nhân của việc “đạo văn”?

- Nhà văn Đỗ Bích Thúy (Phó TBT Tạp chí Văn nghệ quân đội): Không phải hình dung vì văn tôi đã từng bị “đạo” rồi, chỉ có điều mới bị “đạo” một vài đoạn chứ chưa bao giờ bị “đạo” nguyên cả một truyện ngắn như vừa qua bạn đọc mới phát hiện.

- Nhà báo Dương Bình Nguyên (Báo Công an nhân dân): Tôi không suy nghĩ đến điều này nhiều, bởi thông thường thì chúng ta thường nhìn về phía trước chứ ít khi lại cứ dòm qua xung quanh xem thiên hạ có viết văn giống mình hay không.

- Nhà văn Hoài Hương: Việc “đạo văn” thì HH đã bị là nạn nhân nhiều lần, nhưng chỉ là ở những bài báo viết về văn hóa nghệ thuật, còn “đạo” cả một truyện ngắn như thế này thì HH chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình là nạn nhân vì thấy mình chỉ là cây viết bình thường không phải nổi tiếng gì.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương (Tạp chí Văn nghệ Gia Lai): Tất nhiên, bởi vì việc ấy bây giờ đâu ít.

2. Lê Thủy – người đang công tác tạp chí Nâm Nung (Hội VNNT Đak Nông) bị tố cáo trong một thời gian dài vừa qua, đã liên tục “đạo” các tác phẩm in trên tạp chí văn học, báo…trong đó có tác phẩm của anh/ chị. Trước những bằng chứng rất xác thực, anh/ chị cảm thấy như thế nào trước sự việc này?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi cảm thấy choáng váng. Và cứ thường trực một câu hỏi: Tại sao người ta có thể hành động như vậy? Điều gì khiến họ nẫng nguyên một cái truyện ngắn của người khác, thay mỗi cái tên truyện, còn từ dấu chấm dấu phẩy vẫn để nguyên, rồi điền tên mình vào? Chắc không phải vì nhuận bút rồi, vì nhuận bút một cái truyện ngắn chẳng đáng là bao. Chẳng lẽ chỉ vì họ muốn trở thành nhà văn bằng con đường ngắn nhất? Chịu, không trả lời được.

- Nhà báo Dương Bình Nguyên: Thực ra tôi biết chuyện này trước khi những thông tin về chuyện Lê Thủy có viết truyện giống truyện ngắn của tôi. Một cô gái ở Sở Văn hóa Đắc Nông có gọi cho tôi và nói về trường hợp này. Thoạt tiên tôi thấy hơi… buồn cười. Tại sao đến thời đại internet bùng nổ đến như vậy mà người ta vẫn còn làm những chuyện này, bởi vì trước sau gì mọi người cũng sẽ biết thôi. Sau đó khoảng 3 ngày thì cô Lê Thủy này gọi điện cho tôi và nói muốn gặp tôi để trình bày, rằng là cô ấy viết không hề giống như truyện của tôi mà người ta cố tình làm hại cô ấy. Tôi có nói rằng, hiện tại tôi chưa đọc những gì cô ấy viết nên tôi không bình luận và tôi sẽ không liên quan đến chuyện nội bộ của cơ quan Lê Thủy. Nhưng nếu được, hãy gửi cho tôi truyện ngắn mà Lê Thủy viết. Lê Thủy hẹn tôi vào cuối tuần sẽ xuống Sài Gòn gặp, nhưng sau đó thì cô ấy không liên lạc nữa. Chuyện tôi nghĩ là dừng ở đó và tôi thực sự nghĩ nó không đáng gì nên tôi cũng không muốn hỏi thêm. Nhưng tôi cảm thấy bị xúc phạm (nếu như những gì được đăng tải trên trang web của Hội Nhà văn là đúng những lời cô ấy nói) khi Lê Thủy dám nói rằng, cô ấy viết những truyện ngắn này trước cả tôi và nhận những truyện ngắn này là của mình. Làm sao những gì là tim óc của tôi lại có một người biết trước và viết ra trước?

- Nhà văn Hoài Hương: Hoài Hương có thể mượn lại lời của nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hòa:” người đạo văn là người bị đứt dây thần kinh xấu hổ”. Còn trong trường hợp cô (hay chị) Lê Thủy ở Nâm Nung có lẽ là ngây thơ một cách hồn nhiên nghĩ rằng ở Đăk Nông (xa xôi) không ai phát hiện ra việc “đạo văn” 100% như thế này.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương: “Mùa pơ lang cuối cùng” tôi viết xong năm 2009, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Tạp chí Văn hóa các DTTS VN. Lê Thủy cố tình lấy nó làm của mình, điều này thật không nên, tôi cảm thấy rất tiếc cho cô ấy khi khởi đầu nghề viết bằng những hành động thiếu suy nghĩ như thế.

3. Anh/ chị là những nhà văn đã khẳng định được tên tuổi của mình bằng tác phẩm và quá trình sáng tác. Nhưng gặp trường hợp này, người “đạo văn” lại khẳng định rằng tác phẩm của họ ra đời trước thời gian đăng tải tác phẩm của anh/ chị, thái độ của anh/ chị ra sao?

- Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Đây có thể gọi là “cãi chày cãi cối”, cãi lấy được. Vì không thiếu gì cách để ngay bạn đọc cũng có thể chứng minh tác phẩm A,B,C là của ai, đơn giản như đó là tác phẩm đã xuất hiện rất lâu trước đó, hoặc giả như người viết nó đã định hình được một phong cách. Văn chương có thể ảnh hưởng của nhau, nhưng giống nhau đến từ dấu chấm, dấu phẩy thì không bao giờ có.

Tôi rất buồn vì điều này. Một tác phẩm của mình bị ăn cắp, bị tước đoạt, không phải mình tiếc như mất của, mà mình buồn vì ngay trong nghề lại có người có thể gọi là đồng nghiệp cư xử như vậy với mình. Nói thật nhé, nếu một ông đạo diễn sân khấu hay điện ảnh, lấy một tác phẩm của tôi để sáng tạo lại ở một loại hình khác mà không nói gì thì có thể khiến tôi phẫn nộ, kiện cáo um xùm, nhưng với một đồng nghiệp, tôi chỉ thấy buồn nhiều hơn.

- Nhà báo Dương Bình Nguyên: Tôi cảm thấy buồn, không phải vì cô ấy đạo văn của tôi, mà vì cách cô ấy ứng xử khi hành vi đó bị phát giác. Thực ra trước khi được đăng tải trên trang Việt Nam thư quán (vietnamthuquan.net) thì truyện ngắn “Bóng Kơ nia đổ dài” và “Miền đất hoa vàng” cùng khoảng hơn 20 truyện ngắn của tôi cũng đã được đăng tải trên các tờ báo Trung ương. Và “Bóng Kơ nia đổ dài” được giải thưởng của cuộc thi truyện ngắn “Tầm nhìn thế kỷ” của báo Tiền phong năm 2001. Sau đó, tôi đã đưa vào sách “Hoa ẩn hương” xuất bản năm 2003 và “Giày đỏ” xuất bản vào tháng 7 năm 2007. Tôi viết 2 truyện này vào năm 2001, khi tôi đang đi thực tập tại huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai. Khi tôi viết những truyện này, rất nhiều bạn bè trong trường Đại học An ninh của tôi đã đọc và họ cảm thấy rất thú vị. Vì đó là những gì đã diễn ra nơi chúng tôi đang thực tập.

- Nhà văn Hoài Hương: Chỉ biết cười với sự “cùn” của họ mà thôi. Còn để chứng minh xem tác phẩm thuộc của ai, trong trường hợp của HH, thì không có gì khó, vì truyện của HH có nguyên mẫu và thời gian viết (cũng như nguyên bản và bản được biên tập) thì nhà văn Nguyễn Đình Tú (Trưởng ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội) làm nhân chứng cho HH.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương: Tôi có đầy đủ chứng cớ khẳng định tác phẩm là của mình chứ, khi cần phải đối chứng tôi có thể chứng minh Lê Thủy là người đạo văn. Dĩ nhiên là tôi rất không vui rồi và ái ngại cho cô ấy.

4. Anh/ chị có cần lời xin lỗi hay điều tương tự từ phía người “đạo” tác phẩm của mình?

- Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Không phải tôi cần hay không mà bạn đọc cần. Người sáng tác mà lại đi ăn cắp tác phẩm của người khác thì điều đầu tiên là họ có lỗi với chính bản thân họ, với người đã sinh ra họ, hi vọng họ trưởng thành với một nhân cách trong sạch, sau nữa là họ có lỗi với bạn đọc. Nhất là những bạn đọc đã bắt đầu cảm thấy trong họ lấp lánh một tài năng, bắt đầu yêu quý và mong chờ được đọc tác phẩm của họ. Khi họ xin lỗi bạn đọc, tự đính chính về sự sai lầm trong “sáng tạo” của mình, thì tôi có thể bỏ qua.

- Nhà báo Dương Bình Nguyên: Tôi nghĩ, cô ấy nên xin lỗi những người đã tin tưởng vào cô ấy!

- Nhà văn Hoài Hương: HH cần một lời xin lỗi từ phía người “đạo”, để xác nhận quyền sở hữu hợp pháp tác phẩm của HH với bạn đọc.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương: Tùy, tôi vốn không chấp nhặt. Nếu xin lỗi mà lòng không thành thật thì chẳng ích gì.

5. Theo anh/ chị, nên xử lí như thế nào trong trường hợp người viết bị phát hiện là đã “đạo văn”?

- Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi nghĩ cách xử lý hành chính thì tùy thuộc vào cơ quan chủ quản của họ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chính họ đã tự loại bỏ mình ra khỏi đời sống văn chương. Đó chính là cách xử lý khắc nghiệt nhất mà không ai tránh né được.
 

- Nhà báo Dương Bình Nguyên: Sự tẩy chay của dư luận và đồng nghiệp đã là một sự xử lý rồi. Tôi nghĩ đôi khi người ta bị …ép thành nhà văn, nên đâm lao phải theo lao thôi.

- Nhà văn Hoài Hương: Người cầm bút mà không ý thức được đạo đức người cầm bút thì không xứng đáng làm người cầm bút, chưa nói đến việc họ làm vẩn đục sự trong sáng và cái đẹp của văn chương. Theo ý HH, nếu họ không biết xin lỗi, nhận khuyết điểm và tự mình khẳng định mình một cách chân chính thì tốt nhất hãy xem họ như một kẻ ăn cắp- là tội phạm, mà chiếu theo luật hình sự VN thì đó là một hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân người khác, sẽ có những mức độ án phạt phù hợp.

Trong trường hợp cô (hay chị) Lê Thủy thì tốt nhất là ra khỏi vị trí đang làm việc và có ý kiến xử lý về đạo đức người cầm bút, một viên chức nhà nước của cơ quan quản lý cô (hay chị) ta.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương: Đây là một hành động không được phép, theo tôi hãy để cô ấy tự giải trình về việc mình đã làm xem mức độ thành thật nhận lỗi như thế nào rồi mới quyết định xử lý.

6. Với anh/ chị, điều quan trọng nhất đối với người yêu văn chương và cầm bút sáng tác là gì?

- Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Với chủ đề này thì là Sự trung thực.

- Nhà báo Dương Bình Nguyên: Đó là sự trân trọng với những con chữ mà mình viết ra. Đồng thời biết trân trọng cả những gì người khác đã viết, đã gửi tới bạn đọc của họ.

- Nhà văn Hoài Hương: Phải thành thật với chính mình, không thể dối trá. Sáng tác cũng là một sự sáng tạo nghệ thuật, phải xuất phát từ chính trái tim, tâm hồn và trí óc của mình, không thể vay mượn của người khác.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương: Văn chương là sản phẩm của trí tuệ và tâm hồn, tôi xem sáng tác văn chương là nghề cực nhọc nhưng cao quý. Tôi nghĩ điều quan trọng đối người cầm bút sáng tác ngoài tài năng thiên phú, cần thêm niềm yêu thích, tác phong lao động chuyên nghiệp, cái tâm hiền hậu vị tha.

7. Anh/ chị là những người viết văn, đồng thời cũng đang là biên tập viên ở báo, tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật, có khi nào sơ xuất để “lọt” một tác phẩm được/ bị “đạo” của người khác? Để tránh điều này, liệu có “bí kíp” nào không?

- Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Ở tạp chí VNQĐ thì cũng đã từng có vụ gây dư luận về việc này, nhưng cá nhân tôi cho rằng đó không phải là “đạo”, vì mỗi người trong cuộc đó đều có những phong cách sáng tác khác nhau, có thể đôi chỗ trùng lặp về ý tưởng một cách ngẫu nhiên, nhưng tổng thể thì là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập và khác biệt. Để tránh việc lọt tác phẩm bị đạo thì người biên tập có một cách tốt nhất là phải đọc nhiều, biên tập ở mảng nào thì phải quan tâm tới mảng đó trong đời sống báo chí, văn chương nước nhà. Tất nhiên, chẳng ai đọc hết được, nên phải nhờ tới một mạng lưới bạn đọc, cộng tác viên rộng khắp. Người nào đó đạo văn có thể qua mắt ban biên tập nhưng không thể qua mắt được bạn đọc, sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Mà đã bị phát hiện thì không bao giờ được tha thứ.

- Nhà báo Dương Bình Nguyên: Mạng internet giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong việc “check” thông tin. Tôi nghĩ, càng đi vào môi trường làm nghề chuyên nghiệp càng ít có những trường hợp đạo như vậy. Trong trường hợp của Lê Thủy, tôi nghĩ người đáng trách hơn là người biên tập và quyết định in những tác phẩm đó. Bởi vì có quá nhiều tác phẩm “lọt lưới” mà người biên tập không hề biết. Hay người đó biết mà cố tình… bỏ qua?

- Nhà văn Hoài Hương: Hoài Hương không khi nào “đạo” của ai, còn như đã cần trích dẫn cho bài viết của mình đều ghi rõ “nguồn”. Cũng chẳng có “bí kíp” gì, vì khi viết là ý thức viết từ tư duy, cảm nhận của chính mình.

- Nhà văn Hoàng Thanh Hương: Có chứ, sức đọc có hạn mà tác phẩm vô số. Để tránh điều này đôi khi “linh cảm” còn thì phải cập nhật tình hình văn chương liên tục để hạn chế việc bỏ sót, lấy nhầm khi chọn bài dựng số tạp chí.

Xin cảm ơn các anh chị. Chúc các anh chị ngày càng có nhiều tác phẩm hay gửi đến độc giả.

                                                  Theo Hội Nhà văn Việt Nam














Các bài mới
Các bài đã đăng