Văn nghệ trong nước
"Con mắt còn lại" - gợi hứng từ đâu?
14:47 | 15/04/2011
Mấy hôm nay, trên một số diễn đàn và báo mạng đang nóng với trường hợp bài hát Con mắt còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một “tuyệt khúc” mà lại bị một số ý kiến thiếu căn cứ cho rằng có giai điệu giống tác phẩm The Syncopated Clock của Leroy Anderson (sáng tác năm 1945). Để hiểu rõ hơn về bài hát, chúng ta hãy tìm về cội nguồn cảm hứng của Trịnh Công Sơn khi viết bài hát này.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thi sĩ Bùi Giáng
Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất ít khi phổ nguyên một bài thơ của người khác. Vì nói như nhạc sĩ Văn Cao: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính, cái nào phụ”. Trong số những ca khúc phổ thơ của nhạc sĩ họ Trịnh, có bài ông chỉ dùng một câu thơ để mượn ý, mượn cảm hứng phát triển tiếp suy tư của mình. Ca khúc Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn đã dùng câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” trong bài Mắt buồn của thi sĩ Bùi Giáng là một ví dụ.

Truy tầm “Còn hai con mắt khóc người một con”

Đến nay, nhiều người yêu nhạc Trịnh vẫn không biết rằng câu thơ trong bài Con mắt còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Còn hai con mắt khóc người một con” là của thi sĩ Bùi Giáng. Một số người thì thắc mắc “trung niên thi sĩ” sáng tác câu thơ này vào lúc nào, in ở đâu mà Trịnh Công Sơn “phổ nhạc”? Cái sự “không biết” hoặc “thắc mắc” đó thật có lý vì nhiều nhà văn, nhà thơ từng gặp gỡ, trò chuyện với Bùi Giáng cũng không chắc chắn.

TT&VH đã hỏi thăm các nhà thơ từng trò chuyện với Bùi Giáng về sự ra đời của “Còn hai con mắt khóc người một con”.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh nói ông không rõ lắm và chỉ biết rằng đây là câu thơ nổi tiếng của Bùi Giáng. Nhà thơ Nguyễn Đăng Trình vào cuối những năm 1990 làm tuyển tập Thời văn có thực hiện một chuyên đề về Bùi Giáng, ông Trình nói: “Bùi Giáng viết câu thơ này hình như lúc cuối đời nhưng chắc chắn là trước bài hát của Trịnh Công Sơn”. Nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn từng phỏng vấn viết bài về Bùi Giáng có chi tiết liên quan đến câu thơ này khẳng định: “Còn hai con mắt khóc người một con trong bài hát của Trịnh Công Sơn nghiễm nhiên là thơ Bùi Giáng”.

Nhà thơ Trần Từ Duy thì nói: “Theo mình nhớ, Bùi Giáng làm câu thơ này những năm cuối đời. Còn hai con mắt khóc người một con là cách Bùi Giáng chơi chữ đầy tinh nghịch. Bùi Giáng từng giải thích đại ý người còn hai con mắt khóc người đẹp có một đứa con, vì gái một con trông mòn con mắt”.

Tất nhiên, trí nhớ về ngày, tháng, năm của con người không thể chính xác như máy móc, dù các nhà thơ vừa nêu tên đều yêu quý cả Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, hầu như nhà thơ nào chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định câu thơ đó chính là của Bùi Giáng.

Để tìm hiểu rõ hơn xuất xứ của một câu thơ nổi tiếng, chúng tôi đã hỏi nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc - người từng có các tác phẩm khảo cứu văn học khá kỳ công. Lê Minh Quốc cho biết: “Câu thơ này nằm trong bài Mắt buồn in lầu đầu trong tập Mưa nguồn của Bùi Giáng vào thập niên 1960. Hai câu cuối của Mắt buồn: Bây giờ riêng đối diện tôi/Còn hai con mắt khóc người một con”.

Chưa “yên tâm” khi chỉ nghe một mình nhà thơ Lê Minh Quốc, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Hoài - người cháu của Bùi Giáng và ông Hoài đang giữ nhiều tác phẩm, di cảo của nhà thơ. Ông Nguyễn Thanh Hoài chắc nịch: “Câu thơ này nằm trong bài Mắt buồn in ở tập Mưa nguồn năm 1963. Hồi đó Bùi Giáng tự xuất bản và ông đặt tên Nhà xuất bản in Mưa nguồnLá Hoa Cồn. Tôi dự định tái bản Mưa nguồn theo bản in lần đầu vào năm 1963. Cũng xin nói thêm, Mưa nguồn là tập thơ đầu tay và mở đầu tên tuổi Bùi Giáng”.

Liên tài giữa Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn

Đến đây có thể kết luận câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” là của trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Vậy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng câu thơ này để phát triển thành ca khúc Con mắt còn lại vào lúc nào và công bố lần đầu ở đâu?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, thành viên nhóm “Những người bạn” trong đó có Trịnh Công Sơn, cho hay: “Nhóm Những người bạn thành lập năm 1991, trong quá trình sinh hoạt chung, anh Trịnh Công Sơn có “báo cáo” với Nhóm là anh vừa sáng tác được bài Con mắt còn lại. Tôi nhớ anh Sơn sáng tác bài này vào khoảng năm 1992 hay 1993. Con mắt còn lại lần đầu ra mắt công chúng tại Quán Nhạc sĩ nằm bên hông Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM”. Nếu theo trí nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thì ca khúc Con mắt còn lại của nhạc sĩ họ Trịnh ra đời sau Mắt buồn của thi sĩ họ Bùi khoảng 30 năm.

Nhiều người yêu thơ, nhạc của Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn thắc mắc rằng sao nhạc sĩ không ghi là “ý thơ” của bạn trên ca khúc của mình? Nhà thơ Lê Minh Quốc lý giải: “Tôi nghĩ không phải Trịnh Công Sơn cố tình lờ đi việc này. Theo tôi, từ một ý thơ của Bùi Giáng trở thành nguồn hứng khởi để Trịnh Công Sơn viết nhạc hay ngược lại thể hiện sự liên tài của hai ông. Trong thực tế, ý thơ Bùi Giáng trong các ca khúc của Trịnh rất nhiều. Tôi sẽ nói rõ vấn đề này vào một dịp khác. Tuy nhiên, Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn là tri kỷ của nhau cả trong đời và trong nghệ thuật. Hai người khi sống đã xem mọi việc thật nhẹ nhàng thì chúng ta cũng không nên đặt nặng làm gì”.

Theo Hoàng Nhân - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng