Tiếu ngạo giang hồ có nhân vật Sát nhân danh y Bình Nhứt Chỉ - giết một người hay cứu một người chỉ cần dùng đến một ngón tay. Ỷ thiên Đồ long ký có nhân vật Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu, chỉ mới cầm tay người ta lên thăm mạch đã biết người ta bị Triệt tâm chưởng của phiên tăng đánh vào. Thiên Long bát bộ có nhân vật Tiết Mộ Hoa, ngoại hiệu Diêm vương địch (kẻ địch của Diêm vương) bởi Diêm vương muốn giết ai thì Tiết Mộ Hoa lại cứu sống người đó. Tiểu thuyết là sản phẩm của trí tưởng tượng, có thể thêu dệt những điều lạ lùng nhất. Kim Dung thêu dệt, tưởng tượng các danh y của mình có tài năng y học xuất thần. Bình Nhứt Chỉ mới cầm tay Lệnh Hồ Xung lên đã biết bệnh nhân bị nội thương trầm trọng, lại tuyệt vọng chán đời. Hồ Thanh Ngưu mới thăm mạch Trương Vô Kỵ, đã biết nội công bệnh nhân thuộc phái Võ Đang. Tiết Mộ Hoa mới nhìn mặt A Châu đã biết bệnh nhân bị thương bởi Đại lực kim cương chưởng của phái Thiếu Lâm... Cái hay của các danh y là thoạt nhìn qua hiện tượng, họ đã biết được bản chất thương tật (hay căn bệnh). Mới khám lâm sàng, họ đã biết được nguyên nhân gây ra thương tật và cường độ thương tật dù họ chưa tìm ra nguyên nhân sâu kín nhất. Thí dụ mới khám cho A Châu, Tiết Mộ Hoa lấy làm lạ là tại sao cô không chết vì Đại lực kim cương chưởng. Vị danh y này suy luận: Ắt là có một vật cản nào đó đã vô hiệu hóa một nửa lực đạo của người phóng chưởng giết A Châu. Tiêu Phong thầm phục kiến thức vị danh y này. Bởi khi Huyền Từ phóng chưởng, chính Tiêu Phong đã liệng tấm gương đồng ra đỡ cho A Châu. Nhờ tấm gương đồng đỡ cho một nửa lực đạo, A Châu mới còn sống. Tam quốc chí của La Quán Trung có một chương nói về chuyện danh y Hoa Đà mổ vết thương cho Quan Vân Trường. Họ Quan bị mũi tên bắn trúng cánh tay, vết thương làm độc, nếu không mổ ngay là lâm nguy tới nơi. Hoa Đà phải mổ trong trạng thái không có thuốc gây mê và thuốc gây tê tại chỗ. Quan Vân Trường đành phải... đánh một ván cờ với người khác để tập trung chú ý vào bàn cờ. Trong lúc đó, Hoa Đà lấy dao mổ đem mũi tên ra, nạo xương họ Quan nghe ken két. Vết thương sau đó lành hẳn. Từ những mẩu chuyện này, ta rút ra hai kết luận về các danh y: Một - thấy hiện tượng thương tật, đã tìm ra ngay được nguyên nhân và bản chất của thương tật; và hai - trị bệnh là phải trị ngay, mổ ngay. Tiếc thay, các vị "danh y" của ta đời nay quá nhiều nhưng không mấy ai trị bệnh theo nguyên tắc đó. Lâu ngày, thương tật bùng phát thành ung nhọt rồi mới hoảng hồn, la toáng lên. Trước hết là các "danh y" văn hóa thông tin. Nguyên tắc dán quảng cáo là phải đúng nơi, đúng chỗ; nội dung quảng cáo phải sạch sẽ, đàng hoàng. Thế nhưng, những kẻ tào lao đã lạm dụng quyền tự do quảng cáo, bất chấp luật chơi, dán lên cột điện hoặc sơn lên tường vách những loại thông tin dơ bẩn. Đó là hút hầm cầu, khoan cắt bê-tông, trị trĩ mạch lươn, tuyển em út có ngoại hình. Các ca sĩ, nghệ sĩ cũng ráng leo lên... trụ đèn, tự quảng cáo album, chương trình biểu diễn. Nhiều quảng cáo cho số điện thoại liên hệ. Đi qua đường phố, chỗ nào cũng thấy nhan nhản những quảng cáo làm dơ cuộc sống. Các "danh y văn hóa thông tin" cũng thấy vậy nhưng họ không coi đó là bệnh. Có người có chút lương tâm, qua làm việc với các công ty điện thoại đề nghị cắt hợp đồng các số điện thoại vi phạm. Ngành điện thoại không nỡ cắt bởi họ là khách hàng trung thành, đóng tiền đầy đủ. Huề! Quảng cáo bậy bạ càng ngày càng làm dơ thành phố. Các "danh y" môi trường còn vui vẻ hơn. Họ biết tỏng Vedan xả nước ô nhiễm ra sông Thị Vải. Có lẽ vì mối giao tình thâm hậu, họ lờ tịt cho đến khi sông Thị Vải qua đời. Đang lúc dân kiện Vedan, có "danh y" còn tặng bằng khen cho Vedan vì... bảo vệ môi trường tốt! Theo gương này, các danh y ở Bình Dương vô tư để các doanh nghiệp đổ nước thải ô nhiễm ra kinh Ba Bò. Nước thải ấy vô tư chảy về quận Thủ Đức của TP.HCM. TP.HCM đã bỏ hàng trăm tỉ đồng cải tạo dòng nước kinh này nhưng xem ra phía Bình Dương vẫn... án binh bất động. Cái đó kêu bằng: Bình Dương lưu thủy, Tây Cống thụ. Tam Ngưu kinh thải, vạn dân lao. (Nước xả Bình Dương, Sài Gòn chịu. Ba Bò chảy miết, vạn dân phê!). Cả nước phát triển công nghiệp, nhân dân được ưu tiên hưởng phần ô nhiễm. Các "danh y" môi trường chỉ làm được một chuyện đơn điệu là túm gáy anh nào xả thải bậy, phạt hành chính. Than ôi, cái cần thiết là khi xây dựng nhà máy, các địa phương đã quên đòi hỏi nhà máy phải trình ra công trình xử lý chất thải. Nay họ thải đại ra rồi, chỉ xử lý phần ngọn là phạt hành chính. Cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi đó là phép "Đau nam chữa bắc"! Các vị “lương y” quản lý thị trường làm việc cũng không kém phần huê dạng. Tư thương nhập lậu những món hàng độc hại từ Trung Quốc như bột nêm, phẩm màu hóa học có chất gây ung thư, họ cũng không hay. Tư thương nhập những món đồ chơi trẻ em do Trung Quốc làm trong đó có màu sơn độc hại, loại nhựa độc hại và tính bạo lực cực kỳ độc hại họ cũng ít khi thấy. Lâu lâu họ mở chiến dịch quần một vài chợ đầu mối, bắt một mớ, thiêu hủy một mớ, phạt hành chính một đám. Và hàng độc hại Trung Quốc cứ vậy mà có mặt trên thị trường. Chữa bệnh là chữa ngay khi căn bệnh mới có dấu hiệu hình thành ban đầu. Thí dụ như trường hợp Căn nhà màu tím sau đây. Có một bạn ca sĩ trẻ khoảng hơn 20 tuổi ở nước ngoài về, muốn đem tiếng hát của mình giới thiệu cho bà con trong nước nghe. Điều đó là bình thường bởi có thêm một tiếng hát từ nước ngoài về là người trong nước có thêm dịp để nghe và so sánh. Bạn ca sĩ ấy chuyên trị... loại nhạc boléro ngày xưa. Nhạc boléro thì cũng không sao hết bởi bản chất của nó vẫn là một dòng nhạc dù không cao cấp nhưng dễ nghe, giai điệu và tiết tấu lại mùi mẫn, trữ tình. Cố nhạc sĩ Trúc Phương đã thành công với nhiều bài boléro trữ tình như Nửa đêm ngoài phố, Ai cho tôi tình yêu, Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần... Nhớ tới ông là người ta nhớ tới các bài boléro say đắm ấy. Và hát boléro là chuyện bình thường. Thế nhưng, chương trình mà bạn ca sĩ ấy báo cáo lên cơ quan văn hóa lại toàn là những bài boléro nhạy cảm, cỡ như Căn nhà màu tím. Có lẽ tuổi đời bạn quá trẻ cho nên bạn chưa hiểu được đây là một bài boléro nói về "lính cộng hòa". "Được nghỉ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen em mới cho mình biết tên. Cuộc đời chinh chiến quanh năm với bưng biền thì gót liễu mong manh làm sao bước song hành" - bài boléro ấy viết như vậy. Chương trình ấy đã hát ở hai thành phố. Khi bạn định hát ở TP.HCM, cơ quan văn hóa không thuận duyệt bài này. Bạn nghĩ rằng TP.HCM không "thoáng" bằng hai nơi mà bạn đã diễn. Thật sự không phải vậy. Người Sài Gòn thì biết "cuộc đời chinh chiến" đó là cuộc đời anh nào trong khi ở các nơi khác người ta có thể không biết. Vả chăng, khi nơi khác duyệt một chương trình là duyệt trên cái tựa đề ca khúc chứ không có văn bản chính thức của ca khúc kèm theo. Cho nên, nơi khác có thể không biết nhưng TP.HCM lại biết. Và vì vậy mà cơ quan văn hóa không thuận. Bởi bà con TP.HCM không muốn bạn ca sĩ nhắc lại một hình ảnh cũ. Vậy thôi. Không có chuyện gì lớn lao hết. Cách duyệt chương trình như vậy là việc làm đúng của các “thầy thuốc” văn hóa văn nghệ. Chữa bệnh là phải ngăn chặn cái không đúng, cái tệ hại nho nhỏ ngay từ đầu. Đừng để bệnh phát sinh. Theo Vũ Đức Sao Biển - TN |