Các cuộc liên hoan đã đem lại nhiều hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca. GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan 5 khu vực vừa qua - đã có một số chia sẻ về vấn đề này. - Trước khi tổ chức liên hoan (LH) dân ca toàn quốc, Hội Văn nghệ dân gian VN từng phối hợp với Trung tâm THVN tại Đà Nẵng tổ chức 5 lần LH dân ca Tây Nguyên. Tám năm trước, Đài THVN tổ chức ở quy mô quốc gia, chúng tôi có tham dự, hai năm một lần và nay đã tổ chức đến lần thứ tư. Mục đích cao nhất của LH là tạo một dòng chảy của ngọn nguồn. Vậy với mục đích ấy, những năm qua, LH đã đặt ra những tiêu chí gì để các địa phương và nhân dân tham dự? - Thứ nhất, tham dự LH phải là dân ca nguyên bản. Thứ hai, LH chủ yếu dành cho những người “chân lấm tay bùn” trình bày cái họ vốn có, không chỉ có dân ca mà qua đó còn có thể thấy đời sống của họ nữa. Thứ ba là độ tuổi, LH phải có đủ cả trẻ, già. Vừa tôn trọng các cụ, vừa phải khuyến khích các cháu để có sự tiếp nối. Thực tế là LH đã huy động được một lực lượng gần như bị quên lãng. Đợt vừa rồi, có những người Mông đi bộ mấy ngày đường mới đến được chỗ ôtô đón để đưa về dự LH. Có cô gái Mông vừa hát “Thân phận kẻ mồ côi” vừa khóc. Đấy quả thực là đời sống, tâm hồn của họ chứ họ không phải nhập vai. Nhiều năm giữ vai trò chủ tịch hội đồng giám khảo các kỳ LH, GS đánh giá thế nào về những thành quả mà LH đạt được? - LH đã khơi lại dòng chảy dân ca tưởng chừng bị vùi lấp và bị hiện đại hoá quá nhiều.Nhiều làn điệu cũng qua đó mà được phát hiện.Trước nay chúng ta mới khai thác những cái quen thuộc, còn cái chìm sâu trong ký ức đồng bào, có khi chúng ta chưa biết. LH đã tạo ra một sân chơi và trả lại cho những người dân bình thường cơ hội được thực thi vai trò chủ thể sáng tạo mà cách mạng đã đem đến cho họ, mặc dầu chúng ta luôn có ý thức “đưa văn hóa về cơ sở”. Đạt được hiệu quả đó, LH đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Thêm nữa, LH đã khuyến khích sự tham gia của các lứa tuổi, từ các cụ, các ông bà và các cháu. Điều đáng mừng là qua 4 kỳ LH, số đầu bạc ngày càng ít đi, số đầu xanh càng nhiều lên. Chính vì thế, chúng ta đang có được một nhóm xã hội trẻ tuổi nắm được truyền thống ông cha, có ý thức giữ gìn và họ thực sự tự hào về điều đó. Nhưng hẳn vẫn còn những bất cập khiến chúng ta chưa thật hài lòng? - Do nhiều nguyên nhân mà cái chưa được vẫn tồn tại. Đó là thói quen “sân khấu hoá” của một số lãnh đạo địa phương, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật. Có tiết mục dân ca bị phá hỏng vì người ta cứ nhất định phải có nhạc đệm và có một giàn múa “minh họa” “cho nó hoành tráng” (?). Thực trạng này chúng tôi đang cố gắng khắc phục. Đưa người dân đến dự LH, một số đoàn còn hướng dẫn cho họ diễn xuất, làm điệu bộ một cách thái quá như phải mắt liếc tình, tay cầm tay, khiến bà con thiếu tự nhiên và lúng túng khi trình bày bài hát. LH lần này có một số nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia với mong muốn tìm về ngọn nguồn dân ca và được LH đón nhận. Nhìn chung, các nghệ sĩ đã có nhiều cố gắng, nhưng họ còn cần hòa nhập hơn nữa để có thể đến với vẻ chân chất, hồn nhiên và giản dị (nhưng không giản đơn) của dân ca. Theo GS, để phát huy hơn nữa hiệu quả LH, cần có những nét mới gì trong việc tổ chức? - Chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh khi tiếp tục tổ chức kỳ LH thứ năm. Chúng tôi tiếp tục việc phát hiện cho hết trữ lượng, trầm tích di sản dân ca đang còn lắng đọng trong trí nhớ của đồng bào để LH càng thực sự trở về ngọn nguồn. Bên cạnh đó, sẽ có thêm tiêu chí tham gia LH là khuyến khích thanh - thiếu niên học và trình diễn dân ca thành thạo và giàu sức biểu cảm nhằm thúc đẩy sự trao truyền và tiếp nối truyền thống. Lâu nay, chúng ta hay phàn nàn là thanh niên “quay lưng lại với truyền thống”, nhưng theo tôi các em bị mắng oan, vì chúng ta những thế hệ trước có dạy họ dân ca cũng như các truyền thống khác đâu. Các cụ nói rất đúng rằng: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Mỗi kỳ LH, nguồn tư liệu rất phong phú, làm thế nào để phát huy, quảng bá được các tư liệu đó? - Sau mỗi kỳ LH có hai điều mà chúng tôi quan tâm. Một là di sản được sống lại trong nhân dân và được nhân dân sử dụng trong đời sống hằng ngày của họ. Đó là cách bảo tồn “động” và dân ca tiếp tục tồn tại như những “thực thể sống”. Thứ hai là việc lưu trữ và phổ biến rộng rãi, thì thực ra sau các LH, các tiết mục cũng được lưu trữ nhưng kinh phí quảng bá còn hạn chế. Nếu Nhà nước có dự án xuất bản thành các đĩa, phát tặng rộng rãi trong ngành văn hoá, cho các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú... thì sẽ rất tốt! - Xin cảm ơn GS! Theo Xuyên Sơn - LĐ |