Tiểu thuyết thứ bảy” tồn tại hơn 10 năm trước Cách mạng Tháng Tám, đã có sức “cạnh tranh” với “Phong hoá” và “Ngày nay” của Tự Lực Văn Đoàn, đủ thấy người thư ký toà soạn (TKTS) của tờ tuần báo này là một nhà báo xuất sắc. Vừa thẩm định, biên tập những tác phẩm của các cây viết nổi tiếng cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Tam Lang, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Tchya..., Ngọc Giao (ảnh) lại vừa viết trên dưới 300 truyện ngắn cho báo nhà cũng như vài tờ báo khác là “Ngọ báo”, “Tri tân”, “Phổ thông”... đủ thấy sức lao động của ông thật đáng kính nể. Vì là TKTS, Ngọc Giao có truyện viết bằng cảm xúc tự nhiên, có truyện đương nhiên phải viết chữa cháy cho tuần báo của mình bằng tư duy nhà nghề. Ngoài viết truyện, ông còn phải viết ký, tạp văn. Ông có một vị trí đáng kể trong lịch sử văn học thời trước Cách mạng Tháng Tám. Nhưng bên cạnh đó, cái độc đáo tạc nên những nét riêng ở chân dung Ngọc Giao cũng như Vũ Bằng, Tam Lang, Nguyễn Vỹ... là những bài ký và tạp văn rất riêng của ông. Đọc tuyển tập “Quan báo” và “Hà Nội xưa nằm đây” xuất bản nhân 100 năm ngày sinh ông (5.5.1911 – 5.5.2011) thấy thật quý trọng những bài báo của ông. Nhờ ông mà ta biết chân dung người đưa thư ngày xưa, nghề in ấn ngày xưa, bóng đá VN ngày xưa... và rất nhiều, rất nhiều nét xưa qua ngòi bút linh hoạt, sống động và nghiêm cẩn của ông. Ông đã viết báo ở tầm cỡ một TKTS có tay nghề đẳng cấp. Bởi thế, ông đã viết về những nhà văn cùng thời bằng niềm thông cảm, sự chia sẻ rất riêng về số phận trắc trở của họ. Qua “Một thời làm báo”, ta biết thêm những dâng hiến đầu kháng chiến khi Ngọc Giao một mình xoay xở làm TKTS cho tờ báo “Bạn dân” của công an Cao - Bắc - Lạng (khu 12): “Bàn giấy của tôi – văn phòng toà soạn tạp chí “Bạn dân”, báo của Chiến khu 12 thiết lập ở hàng hiên dưới mái đền cụ Hoàng Hoa Thám. Còn bàn giấy ông chủ bút “Bạn dân” là cái chõng tre rệu rạo gần gãy nát. Ngọc Giao nhớ lại: “Tôi bắt đầu làm việc. Chõng là bàn, ngồi mặt đất. Trên mặt chõng chỉ có một lọ mực tím, một quản bút tre cắm ngòi bút “ma la” (một loại ngòi bút thời ấy – N.T.K). Không có một mảnh giấy tư liệu, tài liệu! Đầu óc tôi bốc lửa. Thế rồi thì con ma nghề nghiệp cuối cùng cũng thương tôi. Nó hiện ra, nó nhập vào tôi. Tôi cầm bút viết. Hồi ấy, tôi mới 36 tuổi, còn khoẻ sức, còn nhanh trí, còn sáng tạo, còn vắt chất xám ra nặn lên những việc kỳ lạ ở anh công an, chị công an, kháng chiến đánh Tây. Viết ngày này sang ngày khác. Viết như cuốc đất, bổ củi, không ngủ, ít ăn. Viết đủ các mục do khả năng sáng tác quen nghề của một cây bút viết tiểu thuyết (chắc chỗ này cụ phóng bút, phải viết là: Của một cây bút quen làm TKTS báo - N.T.K). Đủ món: Xã luận, lời chào ra mắt của ban biên tập (có mình tôi), truyện dài, truyện ngắn, mục khôi hài, thư tình cảm, thơ vui cười, chế giễu, mục đố vui...”. Trong một tuần, tờ “Bạn dân” số 1 đã làm xong. Tờ “Bạn dân” ra được 3 số rồi dừng vì chiến sự. Ngọc Giao hồi cư về quê cha Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau Thuận Thành, Ngọc Giao về lại Hà Nội. Lại có thêm chặng làm báo thứ ba cùng Tam Lang làm tờ “Lẽ sống”. Khi “Lẽ sống” bị đình bản, ông lại làm tờ “Lên đường”. “Lên đường” bị đình bản, ông ra tờ “Công tội”. Cùng lúc đó, ông vẫn viết cho tờ “Tiểu thuyết thứ bảy”. Những phóng sự của ông gần với hiện thực hơn mặc dù trong lưới kiểm duyệt ngặt nghèo của vùng bị tạm chiếm. Sau ngày giải phóng thủ đô, tên tuổi Ngọc Giao chìm dần vào quên lãng. Thời kỳ đổi mới đã phục sinh bút danh Ngọc Giao. Cùng với những truyện ngắn, tiểu thuyết được ấn hành trở lại, sau năm 80 tuổi, khi bài viết của tôi do một tờ tạp chí Sài Gòn đặt viết “Ngọc Giao – tâm sự từ quên lãng”, Ngọc Giao vui hẳn lên. Càng thân, tôi càng thấy Ngọc Giao đứng lên từ quên lãng. Bằng giọng văn rất riêng của mình, ông lại tiếp tục viết bài cộng tác với các báo. Bây giờ, khi ông đã xa xăm (ông mất năm 1997), nhìn lại những tác phẩm văn chương và báo chí ông để lại, ta thấy việc đánh giá tầm vóc xứng đáng của ông trong lịch sử văn học và báo chí là việc thật đúng đắn và đáng kể. Ngọc Giao một nhà văn làm báo xuất sắc để cho lớp chúng tôi và các thế hệ sau này noi theo. Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ |