Văn nghệ trong nước
Phải nghĩ tới các nhà hát cho thiếu nhi
10:48 | 25/05/2011
Cho rằng các nhà giáo dục đã lãng quên một chất liệu quý cho ca khúc thiếu nhi là các bài hát dân tộc, vì thế, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - khung âm nhạc trong trường học bắt buộc nên có phần cho những bài hát đặc trưng từng địa phương, như: quan họ, đờn ca tài tử…
Phải nghĩ tới các nhà hát cho thiếu nhi
Nên đưa chất liệu dân gian vào ca khúc thiếu nhi. Ảnh có tính chất minh họa
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Như TT&VH đã đưa tin, hôm qua (24/5), tại Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Ca khúc cho nhà trường phổ thông - Thực trạng và giải pháp”.

Chưa đưa được cái hồn âm nhạc vào giảng dạy

Tại cuộc hội thảo này, một trong những giải pháp mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đưa ra nhằm thay đổi thực trạng buồn tẻ của bài hát trong nhà trường là thay đổi việc dạy bài hát. “Chúng ta đang mâu thuẫn giữa truyền bá kiến thức kiểu châu Âu và truyền tinh thần bài hát. Thực ra việc dạy học của chúng ta mới chỉ ở mức sơ đẳng dựa trên lý thuyết âm nhạc châu Âu, có kết hợp với ký xướng âm bài hát Việt. Còn hồn cốt của việc giảng dạy là yêu giai điệu, yêu dân ca thì chưa ai nói đến. Có thế mới yêu bài hát được”, ông phân tích.

Cũng chính vì thế, các nhạc sĩ, các nhà giáo dục đã lãng quên một chất liệu quý cho bài hát trong nhà trường là những bài hát dân tộc. “Hãy dùng làn điệu âm nhạc chuyển tải tình yêu âm nhạc các vùng miền. Ngoài khung âm nhạc bắt buộc nên có phần cho những bài hát đặc trưng từng địa phương... Quan họ, đờn ca tài tử. Các em có thể học thuộc lòng bài hát vùng mình, bằng chính tiếng dân tộc mình chứ không nhất thiết phải học kiểu đồ rê mí”, ông Quân nói.

Chất liệu dân ca cũng đã làm nên sự thành công của nhiều bài hát thiếu nhi khác. Chẳng hạn, khi nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác Chú voi con ở bản Đôn dựa trên giai điệu Ê đê, các em dân tộc đó đã yêu và hát thật nhiều. Sau đó, bài hát còn tiếp tục lan đi nhiều nơi.

“Theo tôi, nên rà soát toàn bộ chương trình nhạc phổ thông để có thể đưa thêm âm nhạc dân tộc vào”, nhạc sĩ Lân Cường nhấn mạnh.

Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên lại nêu trách nhiệm của các cơ quan sử dụng âm nhạc nhiều: “Bài hát chỉ vang lên khi người ta nghe được âm thanh, nhìn được hình ảnh biểu diễn. Nếu kéo được phát thanh, truyền hình vào việc ưu tiên cho đối tượng các em trong nhà trường, tình hình bài hát sẽ thay đổi ngay”.

Đừng bắt các em son phấn nhiều quá

Trong khi đó, theo nhạc sĩ Lân Cường, những bài hát trên sân khấu miền Bắc hay rơi vào tình trạng các em phấn son quá đậm, thậm chí, các bé biểu cảm kiểu huých, liếc lẫn nhau. Để các cháu trát phấn đậm quá, ăn mặc diêm dúa quá cũng không ổn. Việc dàn dựng ở miền Nam giữ được nhiều nét hồn nhiên cho trẻ và bài hát hơn. Đặc biệt, cách dàn dựng của Đài Truyền hình TP.HCM, Cần Thơ rất công phu, lại trong sáng.

“Có lẽ, đã đến lúc ta phải có lực lượng diễn viên, ca sĩ chuyên cho các em. Họ làm nhiệm vụ chuyên nghe và hát cho các em. Chẳng hạn, chúng ta từng có những bài hát dàn dựng nhí nhảnh, hợp lứa tuổi do anh Hồng Kỳ, Trần Hiếu hát và dàn dựng cho trẻ. Tương lai xa hơn, cũng phải nghĩ đến các nhà hát cho thiếu nhi. Tại đó, các em được hát múa, học cách tự sản xuất chương trình nghe nhìn cho chính mình”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ.

Theo TT&VH







Các bài mới
Các bài đã đăng