Văn nghệ trong nước
Festival cho thấy tính nghệ thuật và giáo dục của truyện tranh
16:22 | 31/05/2011
Ban tổ chức 'Festival truyện tranh quốc tế' mong muốn qua các sự kiện hàng năm có thể khẳng định giá trị nghệ thuật và tính giáo dục của truyện tranh để thay đổi cái nhìn của công chúng Việt Nam, đặc biệt là các phụ huynh, đối với thể loại này.
Festival cho thấy tính nghệ thuật và giáo dục của truyện tranh

Chiều 30/5, buổi họp báo và lễ khai mạc Festival diễn ra tại Thư viện Hà Nội. Hai khách mời nước ngoài là tác giả truyện tranh nổi tiếng Stephen Desberg (người Bỉ - cha đẻ "Le Scorpion" (Con bọ cạp) và giảng viên truyện tranh Sylvain Lemay (người Canada). Hai đại diện từ ban tổ chức là ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng và ông Franck Pezza, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam.

Festival Truyện tranh quốc tế năm nay, cũng như năm ngoái, không có sự tham gia của các đại diện đến từ Nhật Bản, đất nước có thể loại manga nổi tiếng. Theo ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, mục đích của Festival là giới thiệu truyện tranh của các nước có nền truyện tranh rất phát triển nhưng còn ít được biết đến ở Việt Nam như Canada và Bỉ. "Qua đó, độc giả có nhiều lựa chọn phong phú hơn, thị trường truyện tranh cũng được cân bằng", ông Vinh nói.

Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng (giữa) cùng các khách mời nước ngoài tại Lễ khai mạc Festival Truyện tranh quốc tế lần thứ hai tại Hà Nội chiều 30/5.


Một vấn đề nữa được đặt ra là ở Việt Nam người ta thường quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ con. Theo ông Sylvain Lemay, giảng viên truyện tranh của Canada, ở đất nước Bắc Mỹ này công chúng cũng từng nghĩ như vậy vào những năm 1960, 1970. Hiện tại quan niệm đó đã thay đổi vì đề tài và đối tượng của truyện tranh được mở rộng, rất nhiều tác phẩm hướng đến người lớn, không chỉ dành cho trẻ em. Ở Việt Nam, dòng truyện tranh này cũng từng được khai thác, qua loạt Danh tác Việt Nam của công ty Phan Thị, chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển như “Chí Phèo”, “Tắt đèn”, “Giông tố”… sang thể loại truyện tranh.

Bên cạnh đó, truyện tranh thường không nhận được nhiều thiện cảm từ phía các phụ huynh Việt Nam vì họ cho rằng thể loại này không có tính giáo dục, có thể ảnh hưởng đến cách hành văn và văn hóa đọc của trẻ (vì đặc điểm nhiều tranh ít chữ, câu chữ nhiều khi không trau chuốt).

Độc giả trong không gian triển lãm tạp chí truyện tranh Bỉ Spriou, một tạp chí đi tiên phong và được đánh giá cao về sự sáng tạo, phát hiện tài năng mới trong nền truyện tranh châu Âu.


Về vấn đề này, ông Phạm Quang Vinh cho rằng quan niệm truyện tranh “không có giáo dục” là không xác đáng, chẳng hạn những cuốn truyện như “Thần thoại Hy Lạp” với nội dung hấp dẫn và lời văn trau chuốt có thể khiến phụ huynh say mê, không nói gì đến con trẻ. “Qua Festival truyện tranh, chúng tôi sẽ chứng tỏ với công chúng rằng truyện tranh là một thể loại nghệ thuật thực sự và có những giá trị riêng”.


Festival diễn ra từ 30/5 đến 4/6 tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hà Nội). Sẽ có hai triển lãm truyện tranh song song được mở tại Thư viện Hà Nội trong suốt thời gian Festival. Đó là triển lãm “Tạp chí truyện tranh Spirou” bằng tiếng Pháp do Wallonie-Bruxelles giới thiệu và triển lãm “Hình ảnh con mèo trong truyện tranh” do Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu.

Sáng nay (31/5), hội thảo “Xuất bản truyện tranh: Thách thức và triển vọng” sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản truyện tranh của Việt Nam và Bỉ.


                                                                                               Theo Hạ Huyền - eVan










Các bài mới
Các bài đã đăng