Văn nghệ trong nước
Văn học thiếu nhi: câu chuyện mở ra từ chính con mình
09:16 | 02/06/2011
Không có nhà văn nào khi cầm bút sáng tác lại khẳng định mình sẽ viết cho thiếu nhi. Nhưng ngay cả khi không có ý định viết cho thiếu nhi, một ngày nào đó họ bất ngờ trình làng tác phẩm thiếu nhi khá ấn tượng. Những con đường dẫn dắt nhà văn đến với văn học thiếu nhi nhiều khi cũng kỳ diệu mà có thể chẳng ở đâu xa, câu chuyện được mở ra từ chính những đứa con của mình.
Văn học thiếu nhi: câu chuyện mở ra từ chính con mình

Với nhiều người, viết cho thiếu nhi là sự hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình. Nhưng cũng có người còn đọng lại không nhiều kí ức đó và nhu cầu viết cho thiếu nhi được nhen nhóm và thổi bùng lên khi họ có những đứa con thân yêu. Trẻ con như sự đánh thức thế giới tuổi thơ trong họ sống lại, họ được nhìn ngắm, được lắng nghe những điều đã trôi qua từ rất lâu. Lý do này không mới, song rất có thể sẽ là xu hướng khiến văn học thiếu nhi đa dạng, nhiều ấn phẩm cho công chúng hơn.

Sở dĩ nói không mới, bởi hầu hết các cây bút gạo cội viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Định Hải, Trần Hoài Dương, Tạ Duy Anh, Nguyễn Hoàng Sơn... trong sáng tác của mình cũng ít nhiều viết về tuổi thơ của chính mình, của con, của cháu, của những đứa trẻ xung quanh và của sự quan sát tinh tế thế giới động vật, thực vật. Chỉ đó điều, từ sự tình cờ viết cho thiếu nhi có người đã nhận ra sở trường của mình, có người thì chỉ khi nào cảm hứng đến thì viết. Viết như một cách ghi nhật ký để lưu lại, sau này làm kỷ niệm cho con, cháu mình… Nhưng tựu chung lại, dù thế nào thì đó cũng là đóng góp cho văn học thiếu nhi và rất cần thiết trong bối cảnh văn học thiếu nhi thưa vắng.

Nhà thơ Dương Thuấn kể: Khi con trai còn đang tập nói - lúc đó tôi khoảng hơn 20 tuổi, tôi dẫn bé vào hiệu sách để chọn mua ít sách thiếu nhi thì thấy có nhiều quyển khó đọc và không thể đọc được. Nhà thơ nảy ra ý định, tại sao mình không viết nhỉ. “Chỉ cần quan sát, lắng nghe chính con mình thì thế giới tuổi thơ đã mở ra ở ngay trước mắt. Bắt tay vào viết và đọc cho con nghe, tôi thấy rất thú vị và con tôi cũng rất thích. Nhưng hồi đấy tôi viết xong không đăng báo hay công bố ở đâu nên chẳng ai biết tôi viết cho thiếu nhi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đó là thứ mình viết cho con, cũng không biết những đứa trẻ khác có thế không, có thích không. Cho đến khi có một vài cuộc thi thơ thiếu nhi, tôi gửi đi và có tín hiệu tốt. Từ đó mọi người mới biết và tôi cũng có thêm cảm hứng để viết nhiều và viết đều đặn hơn cho thế giới tuổi thơ. Có thể nói, nguồn cảm hứng đầu tiên đưa tôi đến với văn học thiếu nhi chính là con của mình”.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ có bài thơ khá hay viết về con mình, xuất phát từ một trò chơi rất đỗi quen thuộc, mà có lẽ tất cả những ông bố đều chơi với con bằng trò chơi đó: Làm ngựa cho con. Những câu thơ đầy sảng khoái, chân thực hiện lên:

Mời lên!- chú nhóc của ba

Yên cương đã sẵn, đường xa còn dài

Nào, ta cùng tiến - Một…hai…

Con cười vui, ba mệt nhoài chân bon…

Tóc ba, con giật làm bờm

Ngựa phi nước đại - Lồm chồm, không nhanh

Nhà mình chật quá! - Thôi đành

Thả đều nước kiệu loanh quanh trong phòng…

Bài thơ này có hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt, cách đây vừa tròn 20 năm - năm 1991, khi tỉnh Kon Tum và Gia Lai vừa chia tách tỉnh. Lúc đấy vì cuộc sống khốn khó, nhà thơ mong một cơ hội đổi đời nên đi đào vàng. Nhưng vàng chả thấy đâu thì bệnh sốt rét đã hoành hành phải về nhà nằm điều trị. Ở nhà thì vợ đi vắng, phải vừa nằm dưỡng bệnh, vừa trông con trai đang tuổi ăn tuổi nghịch. Trẻ con thì không biết bố ốm, cứ đòi chơi trò cưỡi ngựa. Sợ con khóc và thương con, bất chấp căn bệnh sốt rét khiến toàn thân rã rời, Tạ Văn Sỹ đã gượng dậy “Làm ngựa cho con” trong căn nhà chật chội, nghèo túng. Ngay buổi chiều đó, nhà thơ được thông báo sẽ có cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh nhà với văn nghệ sĩ vào buổi tối, và dặn nhà thơ chuẩn bị một bài thơ mới để đọc. Tạ Văn Sỹ chột dạ, vì lâu nay mải đi đãi vàng, chưa có bài thơ nào mới. Nghĩ lại những gì đã trải qua và thấy sao cuộc đời mình khốn khổ thế. Rồi quay ra nhìn con, dường như trong phút chốc những lo âu của nhà thơ bớt đi. Trò chơi lúc sáng bỗng nhiên được tái hiện lại trong đầu. Và rất nhanh, chỉ hơn tiếng đồng hồ, Tạ Văn Sỹ đã làm xong bài thơ Làm ngựa cho con. Đến khi đọc lên mọi người đều ngạc nhiên, không chỉ nội dung bài thơ khá ấn tượng của một người “mặt mũi đen thui”, không có dáng dấp gì là nhà thơ cả mà còn vì, đấy là thơ thiếu nhi.

Trường hợp của Trang Thanh cũng vậy, chị được biết đến là một cây bút thơ, thế nhưng lại bất ngờ góp mặt vào văn học thiếu nhi tác phẩm Tí Chổi. Lý do xuất phát cũng chính từ con gái mình. Mỗi suy nghĩ, hành động, lời nói ngộ nghĩnh của con gái chính là gợi ý và nguồn cảm hứng để Trang Thanh đặt bút viết truyện thiếu nhi. Mới đây nhất là nhà văn Phong Điệp cũng trình làng một tác phẩm thiếu nhi mà nhân vật chính là con gái mình.

Có thể nói, Trang Thanh, Phong Điệp (và nhiều nhà văn khác) ít nhiều là người “may mắn” khi bắt tay viết cho thiếu nhi. Bởi bên cạnh khả năng viết lách, quan sát, họ còn là hai người mẹ có những đứa con có thể trở thành cảm hứng và nguyên mẫu trong tác phẩm. Ngoài những lợi thế đó, họ còn có lợi thế về công chúng tiếp nhận vì sự gần gũi cuộc sống. Đọc tác phẩm của họ, khiến độc giả nhận ra thế hệ trẻ em hôm nay khác với thế hệ trẻ trước như thế nào. Sự trong trẻo, hồn nhiên vẫn là cốt lõi, là bản tính mà trẻ em thời nào cũng có. Nhưng cuộc sống xã hội thay đổi, môi trường sống khác biệt, sự tiện nghi đầy đủ tác động đến suy nghĩ, ứng xử của trẻ con mỗi thời là khác nhau.

Trong một dịp trò chuyện với một số các cây bút trẻ, có khá nhiều người dự định và đang bắt tay vào viết truyện thiếu nhi mà xuất phát điểm chính là con mình. Ý nghĩ đầu tiên chỉ là viết ra (khá chân thực) về đứa trẻ đó như thể ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ để làm kỷ niệm hơn là chú tâm viết một tác phẩm văn học. Họ cũng chưa xác định có viết cho thiếu nhi lâu dài hay không… Nghĩa là khi đặt bút viết cho thiếu nhi không có áp lực nào cả khiến họ khá thoải mái trong chuyển tải. Chỉ là bắt đầu bằng một sự khởi đầu từ những gì thân thuộc, gần gũi với mình nhất. Tác phẩm dạng này không phải là những tư liệu ghi chép mang tính nhật ký, hồi ký nhưng lại khá chân thực, nhiều chất văn, dễ đọc và chứa nhiều bất ngờ. Rất có thể, đây sẽ là xu hướng mới, dù chưa rầm rộ, công khai nhưng âm thầm diễn ra và dễ dàng được độc giả chấp nhận…

Nếu như trong số những cây bút trẻ đã và đang làm mẹ, làm cha đều viết về con mình, cháu mình dù chỉ một, hai tập sách thì văn học thiếu nhi chắc chắn sẽ khác. Và rất có thể, từ những thành công bước đầu sẽ tạo đà và hứng khởi cho người cầm bút để họ dành nhiều thời gian hơn cho văn học thiếu nhi. Trường hợp nhà thơ Dương Thuấn kể trên là một ví dụ, từ sự tình cờ đã khiến nhà thơ chuyên tâm viết cho thiếu nhi hơn. Vì vậy, trong số các tác phẩm của Dương Thuấn mảng văn học thiếu nhi không thể không nhắc tới. Còn như nhà thơ Tạ Văn Sỹ, chỉ có vài bài thơ viết cho thiếu nhi, dù rất muốn viết tiếp, và thực sự đã viết nhưng tự thấy không thể công bố nên đành gác lại. Cũng không có áp lực nào với nhà thơ. Trang Thanh và Phong Điệp (Phong Điệp đã từng viết cho thiếu nhi) sau bước khởi đầu, có thể tiếp tục hay không con đường viết cho thiếu nhi thì cơ hội hoàn toàn đang thuộc về họ. Chúng ta không nên quá quan trọng hoá và rạch ròi công việc viết cho thiếu nhi phải là chuyên nghiệp, là tay phải. Hãy cứ khuyến khích họ bắt tay vào viết cho thiếu nhi như một cuộc dạo chơi tình cờ, một cuộc thử sức, thử nghiệm…

*

Lựa chọn viết cho đối tượng nào, thể loại nào, đề tài nào hoàn toàn là lựa chọn của người cầm bút. Văn học thiếu nhi đang thiếu hụt là thực trạng diễn ra nhiều năm nay mà không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi. Phép kỳ diệu luôn có trong mọi câu chuyện cổ tích của trẻ em nhưng để biến câu chuyện đó thành hiện thực với văn học thiếu nhi thì những người cầm bút hãy thử bắt đầu từ thứ nhỏ bé và gần gũi nhất: viết cho người thân, viết từ người thân… và một ngày nào đó, biết đâu phép màu sẽ hiệu nghiệm!

                                                                                      Theo Hiền Nguyễn - Toquoc














Các bài mới
Các bài đã đăng