Văn nghệ trong nước
Thất vọng phim tài liệu Việt!
08:23 | 14/06/2011
Buổi chiếu thứ nhất, chủ đề kinh tế. Thuỵ Sĩ mang tới Cleveland chống lại phố Wall, như một lời cảnh báo về việc gửi gắm niềm tin vào hệ thống cho vay thế chấp nhiều rủi ro. Một phiên toà giả định, một vụ án hư cấu với tình tiết căng thẳng đến ngộp thở, nhưng những yếu tố khác lại “thật”, tất cả khiến người ta có cảm giác đang xem một bộ phim truyện – tài liệu. Và bởi thế, khá hụt hẫng khi đến với Khoảng cách của Việt Nam, vì sự cũ kỹ của đề tài (khoảng cách giàu nghèo), cho đến lối kể chuyện dàn trải, lê thê thường thấy ở phim tài liệu Việt.

Buổi chiếu thứ hai, chủ đề nghệ thuật, với Múa với Pietragalla: trên đầu mũi chân (Pháp), suốt 52 phút, khán giả hồi hộp dõi theo quá trình tập luyện vất vả của những vũ công đường phố được chọn tham gia buổi biểu diễn quan trọng tại Olympic Bắc Kinh 2008, khóc cười với những gắng gỏi đến kiệt sức vì nghệ thuật, và vẻ đẹp của những giọt mồ hôi trên sàn tập. Hạn chế tối đa lời bình và hầu như không thể nhận thấy sự can thiệp của đạo diễn, bộ phim là đại diện tiêu biểu cho phong cách làm phim tài liệu mới đang thịnh hành tại Pháp và nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, phong cách này cũng bắt đầu lan toả và được gọi tên là “điện ảnh trực tiếp”. Nhưng, có một khoảng cách lớn giữa tác phẩm của Việt Nam với quốc tế, và nó thể hiện ngay ở Hãy nói (đạo diễn Phan Huyền Thư – Đào Thanh Tùng), bộ phim được chiếu cùng ngày. Một nhóm bạn trẻ mê rap và hip hop thực hiện một chuyến đi xuyên Việt để nói chuyện về tình dục an toàn trong giới trẻ. Cái đọng lại sau tác phẩm là giọng hát rất hay của ca sĩ rap Kim, những điệu nhảy hip hop sôi động và một vài tâm sự ngô nghê về sex của các bạn trẻ. Vui tươi có, hồn nhiên có, ồn ào cũng có, nhưng ý nghĩa thì… chơi vơi.

Bốn buổi chiếu, 3/4 chặng đường, bốn bộ phim quốc tế là bốn phong cách hoàn toàn khác nhau. Trái lại, cả bốn bộ phim Việt Nam đều chung một hướng đi, một lối kể chuyện muôn năm cũ. Bên cạnh đó là những hạt sạn quá lớn, chẳng hạn như lời bình sáo rỗng dày đặc từ đầu đến cuối phim Chuyện của mọi nhà; cách thể hiện quá đơn giản không khác gì một đoạn phim phóng sự thường thấy trong chương trình thời sự hàng ngày của VTV1, đài Truyền hình Việt Nam – Lời ru thì buồn. Tìm mỏi mắt không ra một câu chuyện được kể theo cách sáng tạo hơn hay đem lại cho người xem những cảm xúc sâu lắng, tinh tế và ngọt ngào. Chẳng hiểu bạn bè quốc tế nghĩ gì về cách làm phim tài liệu ở Việt Nam?

                                                                                       Theo Hương Lan - SGTT.VN













Các bài mới
Các bài đã đăng