Văn nghệ trong nước
Nhà văn sôi nổi tại Hội nghị viết văn trẻ Quân đội
08:32 | 15/06/2011
Với 50 đại biểu chính thức cùng nhiều khách mời danh dự, đại diện các cơ quan chuyên môn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nghị viết văn trẻ Quân đội đã diễn ra trong 13/6.
Nhà văn sôi nổi tại Hội nghị viết văn trẻ Quân đội
Đại biểu Lê Mạnh Thường với câu chuyện về biển.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị gồm 5 thành viên: Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội; Thiếu tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội; Đại úy, nhà văn Quỳnh Vân đến từ Quân chủng Phòng không - Không quân; Trung úy Ngô Tiến Mạnh, học viên viết văn Khóa 1 - Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Thượng úy Nguyễn Phú đến từ Học viện Biên phòng. Chiếm số đông đại biểu nhất là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, cụ thể là học viên lớp viết văn và lớp Đạo diễn - Biên kịch - Quay phim.

Bài đề dẫn của Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình với tiêu đề “Những người viết văn trẻ trong Quân đội, tất cả hãy còn ở phía trước” có đoạn: “… Tôi tin ở tuổi trẻ hôm nay, một lớp trẻ không phải trải qua cái thời “nhận đường” đến rỏ máu, không phải chịu cảnh sống trong bom đạn đói nghèo như lớp cha anh. Họ lại là những người có tri thức, được đào tạo cơ bản, được sống trong thời đại đổi mới, mở cửa và bùng nổ thông tin….”. Trong bài phát biểu, ông Ngô Vĩnh Bình cũng bày tỏ quan ngại trước sự “sa sút” của mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, cụ thể là lực lượng đang thưa vắng, thiếu đi những tác phẩm hay. 5 nguyên nhân chính khiến mảng đề tài này đang có nguy cơ mất đi vị trí hàng đầu trong văn học đương đại được đưa ra, thu hút đông đảo ý kiến từ các đại biểu.

Phần thảo luận được mở màn đậm không khí thời sự với sự kiện “Biển Đông dậy sóng” khi Đại úy Lê Mạnh Thường, đại biểu đến từ Cục Cảnh sát biển Việt Nam mang đến Hội nghị những thông tin từ Biển đông và những câu chuyện về công tác tuần tra trên biển, những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những người làm công việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc. Đại biểu Hồ Kiên Giang đến từ Quân khu 9 chia sẻ về những khó khăn của một người viết ở cơ sở và việc tạo điều kiện cho những người viết văn còn có những quan điểm chưa đúng từ phía đơn vị. Đại biểu Nguyễn Phú thì cho rằng, Quân đội cần chú ý xây dựng, nuôi dưỡng một đội ngũ những “nhà văn binh nhì” để có những tác phẩm viết về người lính có hình bóng thực sự của họ. Đại biểu đặc biệt nhất, chàng học viên hệ cử tuyển người dân tộc Dao Lý Hữu Lương đến từ Đại học Chính trị đã có bản tham luận nói về việc tạo nguồn các cây bút là người dân tộc thiểu số. Đại biểu Trần Đức Tĩnh vốn là một trung đội trưởng bộ binh thuộc Quân đoàn 2 khi nói về những khó khăn để có được một nhà văn áo lính đã lập luận: “Một nhà văn mang quân hàm hoàn toàn có thể làm một đại đội trưởng, nhưng một đại đội trưởng không thể làm một nhà văn”. Các bản tham luận được chuẩn bị khá kỹ khiến cho phần trình bày đúng định hướng và khá “chuẩn chỉ”, điều này đã giúp Đoàn Chủ tịch chủ động hơn nhưng cũng vì thế mà cảm giác Hội nghị có phần “thiếu lửa” cũng như kém tinh thần phản biện, tranh luận sôi nổi thường được kỳ vọng ở một hội nghị bàn về nghề của những người làm nghề.

Nhà văn Lê Lựu phát biểu.


Một số nhà văn lão làng của Quân đội đã đến chung vui và động viên lớp trẻ, nổi bật trong số đó là nhà văn Lê Lựu, dù sức khỏe chưa thực sự bình phục, đi lại vẫn phải có người giúp đỡ nhưng ông đã đến dự Hội nghị từ khá sớm. Nhà văn thuộc hàng “cây đa cây đề” của Quân đội cũng được trân trọng mời phát biểu đầu tiên. Ông không lên phía bục trên sân khấu mà đứng nói tại chỗ phía cuối hội trường, những đại biểu áo lính đã xoay người quay về dưới hội trường để lắng nghe lão nhà văn tâm sự về nghề. Lê Lựu kể, con đường đến với nghề viết của ông vô cùng giản dị, từ một mẩu tin nói về thành tích diệt… ruồi của đơn vị. “Tác phẩm đầu tay” ấy được in và ông đã đi những bước đầu tiên trên con đường viết lách.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ tâm sự, ông đến dự Hội nghị nhưng cũng là trở về ngôi nhà thân thiết của mình. “Suốt một đời khoác áo lính, đến khi chuyển ra ngoài làm công tác văn nghệ theo sự điều động của trên tôi mới thấm thía những năm tháng trong quân ngũ là những năm tháng đẹp đẽ nhất gắn với những kỷ niệm cả êm đềm và day dứt”, nhà văn cựu binh cho biết. Các nhà văn nhà thơ Chu Lai, Trần Đăng Khoa cũng đã đến dự và phát biểu, tâm tình với những người lính trẻ viết văn với những tâm huyết và trăn trở của thế hệ đi trước.

Diễn ra chỉ một ngày nên Hội nghị dành toàn bộ cho những phát biểu, thảo luận tại Hội trường, thậm chí còn không có nghỉ giải lao giữa giờ. Các đại biểu chỉ có thể tranh thủ giao lưu trước và sau chương trình nghị sự và trong buổi ăn trưa tập trung. Buổi chiều, bên cạnh phần thảo luận của các đại biểu có phát biểu của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng Ban công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Chị nói về con đường văn chương của các thế hệ và của mỗi nhà văn cùng một số thông tin về Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc sắp tới. Một quyết tâm thư cũng đã được Đoàn Thư ký Hội nghị thông qua thể hiện 3 điểm quyết tâm và 3 điều mong muốn của những người viết văn trẻ Quân đội. Quyết tâm thư có đoạn: “Hội nghị những người viết văn trẻ trong Quân đội lần thứ nhất đã khép lại nhưng mở ra hy vọng về sự đứng dậy của thế hệ 8X, 9X trong Quân đội trên văn đàn trong một thời gian không xa.”

Đa số các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, thời lượng một ngày là hơi ít, vì thế chỉ tập trung được vào phần “nghị” là chính, nếu như quỹ thời gian rộng rãi sẽ có nhiều hoạt động phong phú hơn, để lại nhiều kỷ niệm hơn trong mỗi cây bút trẻ. Mong muốn ấy đành trông đợi ở Hội nghị lần sau với hy vọng sẽ tổ chức sau 2-3 năm nữa, thay vì 5 năm là một khoảng thời gian rất nhiều đại biểu cho rằng quá dài.

                                                                                               Theo Thành Sa - eVan














Các bài mới
Các bài đã đăng