Văn nghệ trong nước
Xã hội hóa xuất bản: Không có thị trường - các NXB đang làm khó mình
09:25 | 22/06/2011
“Một trong những điểm yếu nhất của các nhà xuất bản (NXB) là đã không nắm bắt được thị trường, không bám rễ được vào đời sống để đưa ra những xuất bản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày càng phong phú của độc giả”- Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT-TT) Nguyễn Kiểm đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề xã hội hóa xuất bản.
Xã hội hóa xuất bản: Không có thị trường - các NXB đang làm khó mình
Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm.

- Phóng viên: NXB là đơn vị chịu trách nhiệm chính với mỗi cuốn sách ra đời nhưng thực tế họ lại đang bị thao túng và ở vị trí “chiếu dưới”. Theo ông, đâu là căn nguyên của vấn đề này?

>> Ông NGUYỄN KIỂM: Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, NXB tiếp các đơn vị liên kết ở vị thế của người có quyền chấp nhận hay không chấp nhận các bản thảo thì những năm 90 của thế kỷ 20 và đặc biệt là những năm đầu thế kỷ 21, các NXB giảm dần quyền của mình. Đặc biệt, khi Luật Xuất bản năm 2004 ra đời, đối tượng liên kết xuất bản đã được pháp luật thừa nhận và họ có thể tham gia vào nhiều khâu của quá trình xuất bản. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, họ còn tham gia vào việc định hướng độc giả.

Trong khi các NXB với bộ máy cồng kềnh, cơ chế không linh hoạt, và đặc biệt là không kiểm soát được thị trường nên họ đã mất đi bộ rễ bám vào đời sống. Việc xuất bản, cũng như trồng một cái cây, nếu cứ đưa sách vào thị trường theo kiểu một chiều mà không chịu hút nước, chất dinh dưỡng cũng như không tiếp nhận những phản hồi từ độc giả, từ thực tế cuộc sống thì không thể phát triển tốt. Các đối tượng liên kết lại rất chủ động và ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc tìm hiểu nhu cầu của độc giả. Họ đã chủ động tìm đến các dịch giả, các tác giả uy tín để đưa ra những đơn đặt hàng đúng với nhu cầu của thị trường trong khi phần lớn NXB vẫn ngồi chờ. Cùng lúc, công tác phát hành sách ở nhiều khu vực của họ cũng linh hoạt và chuyên nghiệp hơn. Đã qua thời người đưa sách đến từng địa điểm mà nhiều đơn vị liên kết xuất bản đã tổ chức được mạng lưới phân phối sách trong khi nhiều NXB đã không làm được điều đó.

Trong khi đó, nhiều NXB vì không có vốn, không có nhân lực đã chọn xu hướng dễ dãi là làm sách tổng hợp, mất đi bản sắc của mình khiến vị thế của họ cũng vì thế mà dần dần mất đi. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến đang từ vị trí chủ động trở thành người bị động chờ đợi đối tác. Trong khi đáng lẽ phải giữ vai trò là người chuyền bóng thì nay các NXB lại đang “nhoài” người để đỡ bóng bằng được. Nỗi lo về kinh tế, đã làm cho tiêu chí, xét duyệt đề tài của nhiều nơi dễ dãi, rời xa tiêu chí nên đã không hình thành được thị trường sách có kiểm soát.

- Nhiều ý kiến cho rằng liên kết xuất bản cũng tạo ra các “lỗ hổng” khiến nhiều cuốn sách, chất lượng kém ra đời.

Việc liên kết xuất bản sách không đồng nghĩa với việc khó kiểm soát nội dung các xuất bản phẩm. Thực tế, nhiều NXB đã không thực hiện đúng quy trình của người làm nghề này. Nhiều cuốn sách khi kiểm tra đã không có hồ sơ biên tập, không có bản thảo gốc, bản thảo đã biên tập qua các lần và bản thảo cuối cùng để đưa đi in. Việc lập hồ sơ biên tập dù trong luật không quy định nhưng với người làm nghề đó là một trong những quy trình cần thiết mà hiện nay nhiều NXB đã bỏ qua. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới trường hợp khi cuốn sách phát hiện ra lỗi, các NXB đã không có chứng cứ để quy trách nhiệm “liên đới” của các đơn vị đối tác liên kết.

- Theo số liệu thống kê thì 71% NXB chỉ có vốn khoảng 2 tỷ đồng. Vậy có nên tổ chức rà soát, sáp nhập các NXB?

Đây là một vấn đề khó vì mỗi NXB có cơ quan chủ quản, thêm vào đó chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị này cũng khác nhau. Hơn nữa việc giải thể hay sáp nhập cũng là một điều không mong muốn. Tại sao thị trường nhỏ như Hồng Công, Trung Quốc có tới hàng ngàn NXB và họ vẫn phát triển tốt? Thời điểm này, “bài thuốc” hữu hiệu nhất đối với các NXB là cần phải xây dựng được phong cách, gương mặt và định hướng riêng. Thay vì việc chỉ trông chờ vào các đơn vị đối tác liên kết thì cần chủ động săn tìm đề tài với các đơn đặt hàng. Quan niệm làm sách cũng cần thay đổi. Thay vì việc kiếm tìm những cuốn sách có lượng xuất bản lớn thì cũng cần tập trung phục vụ các nhóm độc giả, các nhu cầu đọc cá biệt, tới từng khách hàng. Các phản ứng nhanh với thị trường là một trong những bí quyết thành công và đây cũng là xu hướng của nhiều nền xuất bản lớn mạnh trên thế giới. Chỉ khi nào nắm được nhu cầu của thị trường thì các NXB mới làm chủ được thị trường sách lành mạnh.

                                                                                             Theo Vĩnh Xuân - SGGPO













Các bài mới
Các bài đã đăng