Văn nghệ trong nước
Truyền thông: những chuyện không tử tế - Kỳ cuối:
09:49 | 28/06/2011
Vi phạm nặng, sẽ đóng cửa tờ báoTrước tình trạng “lá cải hóa” thông tin trên các trang mạng và cả báo điện tử chính thống mà công luận lên tiếng lâu nay, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ - phó Ban Tuyên giáo T.Ư.
Truyền thông: những chuyện không tử tế - Kỳ cuối:
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ảnh: T.Phùng

* Thưa ông, từ góc độ của một người định hướng, chỉ đạo báo chí về mặt tư tưởng, ông đánh giá thực trạng này như thế nào?

- Đúng là đã và đang thịnh hành một kiểu làm báo mạng “câu view”, thu hút, kích thích sự tò mò của người đọc bằng mọi giá. Về thực chất, nó chẳng khác kiểu bán báo dạo với cái loa, giật lên những tít bài rùng rợn, nhảm nhí nhất. Nhưng nó nguy hại hơn ở chỗ báo giấy, báo loa chỉ phát tán trong không gian hẹp, còn trên mạng, với kiểu dẫn đường link, tin chồng lên tin, hình ảnh chồng lên hình ảnh, cảm giác người xem ngập trong dòng lũ thông tin nhảm nhí, rẻ tiền và lan tỏa với tốc độ không ngừng, dù thật ra số lượng đầu tin, bài, ảnh không quá lớn.


Tăng mức chế tài


* Thưa ông, hiện tại khung hình phạt nặng nhất cho báo chí về hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục mới chỉ là... 20 triệu đồng. Có phải vì chế tài chưa đủ mạnh nên các báo dung túng cho những trang, mục lá cải chưa thấy sợ?

- Đúng là chế tài còn quá nhẹ, xử phạt hành chính 20 triệu đồng mới là mức cao nhất. Mà xưa nay, theo tôi biết, cũng chưa có vụ nào phạt đến 20 triệu đồng mà chỉ toàn xử phạt 5-10 triệu đồng. Phạt như vậy so với lợi nhuận thu được từ hút quảng cáo do tăng lượng truy cập thì đúng là không có tác dụng răn đe. Chắc chắn trong tương lai mức chế tài phải được tăng lên mới có tác dụng tích cực.


Tôi thấy kiểu làm báo này chính xác đáng bị gọi là “lá cải”, dù có làm tăng lượng truy cập lên nhiều hay ít thì nó cũng không làm tờ báo lớn lên về vị trí, sức ảnh hưởng trong công chúng mà chỉ làm tờ báo và người làm báo thấp xuống trong con mắt người đọc.

Rất nhiều lần, trong các cuộc giao ban báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin - truyền thông và Hội Nhà báo VN đã lên tiếng nhắc nhở về chuyện này nhưng mới dừng ở mức độ bàn bạc, kêu gọi nâng cao chất lượng của tờ báo, lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nhất là các tổng biên tập.

Với mức độ gia tăng các tin bài nhảm nhí, câu khách rẻ tiền trên các báo mạng như hiện nay, Ban Tuyên giáo T.Ư đã trao đổi với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin - truyền thông để rà soát, cảnh cáo, thậm chí cần xử lý hành chính nếu cơ quan quản lý nhà nước thấy đủ yếu tố xử phạt.

* Thưa ông, Luật báo chí đã có quy định rõ về các hành vi tuyên truyền dâm ô, đồi trụy, trái thuần phong mỹ tục... sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng như thế nào là đồi trụy, trái thuần phong... vẫn còn đang tranh cãi và nhiều khi cố tình bị hiểu theo hướng có lợi cho các tin bài lá cải. Vậy phải chăng pháp luật chưa đủ cụ thể, chưa nghiêm, chưa tiên liệu được các tình huống cụ thể của cuộc sống? Hay đạo đức xã hội đã xuống cấp?

- Mọi khái niệm đều là tương đối. Không luật nào tiên liệu hết mọi tình huống. Báo chí chịu sự điều chỉnh của Luật báo chí, nhưng báo chí cũng là người định hướng dư luận. Một tổng biên tập hay một biên tập viên có thể ngụy biện về cái “ngưỡng” của cái đẹp, sự hấp dẫn với sự khiêu dâm, giữa “tâm sự đời tư” với bới móc, soi mói.

Nhưng chỉ cần hỏi anh ta có dám đưa bài báo hay hình ảnh đó cho vợ mình, con mình đọc một cách bình thản, hãnh diện hay không thì sẽ có ngay câu trả lời chính xác về bản chất của tin, bài, hình ảnh đó. Không dám đưa cho người thân của mình đọc, sao lại đưa ra xã hội? Lúc đó, cũng sẽ có câu trả lời về đạo đức của người làm báo.

Trong tình hình hiện tại của báo mạng, có cả những khía cạnh của pháp luật và đạo đức, nhưng để giải quyết vấn đề tận cốt lõi, về lâu dài, vấn đề vẫn là đạo đức xã hội và đạo đức người làm báo.

Để giải quyết vấn đề “lá cải hóa” báo chí, về lâu dài, đó vẫn là đạo đức xã hội và đạo đức người làm báo - Ảnh: T.T.D.


* Còn trước mắt, thưa ông, với “thảm họa lá cải” này, cơ quan quản lý và công chúng có thể có động thái nào tích cực và mạnh mẽ để giảm thiểu tác hại của nó trên các trang báo mạng hằng ngày, hằng giờ không?

- Không một bộ thông tin - truyền thông hay ban tuyên giáo nào có thể đọc từng tin, từng bài để nhắc nhở hay xử lý. Trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về các tổng biên tập và cơ quan chủ quản. Không thể bào chữa bằng việc chịu áp lực tăng lượng truy cập hay đội ngũ non yếu để dung túng cho những tin bài rẻ tiền như vậy.

Trong bất kỳ hồ sơ xin cấp phép nào cũng có yêu cầu bắt buộc phải chứng minh năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ làm báo. Không hội đủ các yêu cầu đó thì đừng mở tờ báo. Đó là trách nhiệm trực tiếp của tổng biên tập.

Còn về phía cơ quan chủ quản, lập một tờ báo thì phải đảm bảo nó theo đúng tôn chỉ mục đích ban đầu, đẻ con ra mà không “nuôi”, không “dạy”, cứ bỏ mặc muốn làm gì thì làm, để hậu quả cho xã hội gánh là vô trách nhiệm. Trước mắt, các địa phương, ngành, tổ chức xã hội nghề nghiệp nào có tờ báo của mình mà bị công luận phê phán, cần rà soát lại nội dung tờ báo và đội ngũ làm báo, chấn chỉnh và sửa chữa ngay.

Nếu vi phạm nặng, tái diễn nhiều lần, Bộ Thông tin - truyền thông có quyền yêu cầu cơ quan chủ quản tạm đình chỉ hoạt động một thời gian hoặc đóng cửa hẳn tờ báo, trang tin điện tử đó.

                                                                                                       Theo Thu Hà - TT













Các bài mới
Các bài đã đăng