Văn nghệ trong nước
Gian nan làm phim sử Việt: Trường quay hoang tàn
08:14 | 07/07/2011
Trở lại trường quay ngoại cảnh Cổ Loa, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước khung cảnh hoang tàn ở cái nơi mà chỉ độ nửa năm trước vẫn còn là thành Đại La với thành quách, nhà cửa, phố xá... nhộn nhịp.
Gian nan làm phim sử Việt: Trường quay hoang tàn



Phim Huyền sử thiên đô vẫn còn 30 tập chưa quay, nhưng bối cảnh đã rệu rã (ảnh chụp cuối tháng 6.2011) - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Thành bãi lầy sau vài trận mưa

Trường quay Cổ Loa (Hà Nội) trước kia có tên là Khu điện ảnh Cổ Loa, bắt đầu được xây dựng từ năm 1959 với sự hợp tác của Đức, Liên Xô... Nhiều bộ phim đã được quay tại đây như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chuyến xe bão táp, Nghêu sò ốc hến... Trong suốt một thời gian dài không được chú ý, trường quay Cổ Loa đã bị xuống cấp, gần như không hoạt động. Đến năm 2008, để phục vụ cho việc thực hiện các bộ phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH- TT-DL) quyết định triển khai dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa giai đoạn 1 với tổng số vốn đầu tư hơn 106 tỉ đồng. Theo đó, một trường quay rộng 450m2 được phục hồi, tu sửa, trang bị thêm dàn đèn chiếu sáng hiện đại, điều khiển tự động bằng máy tính trị giá gần 2 triệu USD. Cùng với đó là tiến hành sửa chữa, tu bổ lại hai nhà công vụ phục vụ đoàn làm phim với các phòng ăn, ở, hóa trang, phục vụ sản xuất phim...

Từ lúc trường quay Cổ Loa được tu sửa đến giờ, mới chỉ có hai đoàn làm phim là Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử thiên đô (đang phát sóng trên kênh VTV3) thực hiện cảnh quay tại đây. Trường quay ngoại cảnh với bối cảnh là những bức tường thành, cổng thành lớn, nhiều căn nhà cổ lớn, nhỏ khác nhau... được dựng lên. Sắp tới, đoàn làm phim Huyền sử thiên đô sẽ quay 30 tập phim tiếp theo ở trường quay này. Vậy mà, khi trở lại trường quay Cổ Loa vào những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đã không thể nhận ra nơi từng là phim trường, thực hiện nhiều cảnh quay đẹp trong Huyền sử thiên đô.

Qua vài trận mưa, trường quay đã trở thành một bãi lầy. Chúng tôi phải xắn cao quần, gạt đám cây, cỏ dại rậm rạp, bì bõm vượt qua bãi bùn lầy vào để tận mắt quan sát trường quay đã từng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng.

Một cảnh hoang tàn hiện ra. Những cánh cổng thành mủn nát, đứng chỏng chơ. Những ngôi nhà xiêu vẹo, mọi chi tiết đã hỏng hết, chỉ còn trơ lại cái khung. Nếu không biết, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là bãi đất bỏ hoang.

Ông Phan Văn Hòa - Phó giám đốc trường quay Cổ Loa, cho biết: “Trường quay Cổ Loa chỉ cho thuê mặt bằng, việc dựng phim trường do phía đoàn làm phim - Hãng phim truyện 1 thực hiện”. Theo đạo diễn Tất Bình - Giám đốc Hãng phim truyện 1, vì ít tiền nên ở cả hai phim chả phim nào dám dựng bối cảnh mang tính chất kiên cố bền vững, vì thế “việc bối cảnh bị hư hỏng theo thời gian là điều dễ hiểu”. Nhưng chỉ ít lâu nữa, người ta sẽ phải bỏ ra không ít tiền để dựng lại bối cảnh. Nhiều người chỉ biết ngán ngẩm khi thấy sự lãng phí không nhỏ này.

Từ lâu nay, các nhà làm phim vẫn kêu thiếu trường quay, song nhìn lại thì thấy chúng ta đã rất lãng phí, chẳng hạn việc phá bỏ trường quay Xuân Mai (Hà Nội). Năm 1992, đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoerffer thực hiện bộ phim Điện Biên Phủ tại đây. Bộ phim tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ lên tới 30 triệu USD. Số tiền bỏ ra dựng bối cảnh tại Xuân Mai là rất lớn. Những căn hầm, đường hào, trận địa... được dựng lên vô cùng hoành tráng, kỹ càng. Vậy nhưng chẳng lâu sau, chúng ta đã không thể quản lý, để trường quay bị phá hỏng. Những bộ phim về Điện Biên Phủ do Việt Nam thực hiện sau này đã không tận dụng được bối cảnh ở Xuân Mai.

Phải chấp nhận... lãng phí

Với bộ phim Về đất Thăng Long, dù phần lớn bối cảnh diễn ra ở nội cung và được quay ở phim trường có mái che tại 212 Lý Chính Thắng (của Hãng phim Giải Phóng), song số tiền đầu tư cho đạo cụ, phục trang, cho 4 cung điện... cũng tốn hàng tỉ đồng. Vậy nhưng, cũng như một số phim cổ trang, lịch sử trước đây, “xong phim thì cho tất cả vào kho làm kỷ niệm, đó là chuyện bình thường”, họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải cho biết. Bởi như anh nói, trường hợp may mắn lắm (chẳng hạn như M&T Pictures làm tiếp phim cổ trang cùng thời, thời gian của phim sau không quá xa phim trước...) thì mới tái sử dụng được.

Với việc bảo quản (hầu như) theo phương pháp... cất giữ tự nhiên ở các kho lưu trữ của các hãng phim, thì sớm muộn gì, nếu không được tái sử dụng kịp thời, vật lưu niệm cũng sẽ thành phế liệu. Ngay như Hãng TFS, từ sau phim Lục Vân Tiên (2004) đến nay cũng chưa làm thêm phim cổ trang nào, nên “số phận” của kho phục trang, đạo cụ của phim cũng chẳng biết sẽ đi về đâu.

Để làm phim Tây Sơn hào kiệt, NSƯT Lý Huỳnh cho biết tiền cho binh khí, phục trang, bối cảnh gần 2 tỉ đồng. Và may mắn là, đoàn phim của ông được người dân địa phương hỗ trợ nhiệt tình khi xây đồn Ngọc Hồi, “cũng phải vài trăm triệu đồng”, ông nói. Làm phim xong, đoàn phim đã tặng lại 4 khẩu súng thần công cho tỉnh Bình Định làm kỷ niệm. Theo ông, hãng phim giữ lại khoảng 50% đạo cụ, trang phục... để tái sử dụng cho bộ phim sắp tới của hãng.

Cũng đang thực hiện phim truyền hình lịch sử về anh hùng Nguyễn Trung Trực, là Hãng phim Cửu Long của đạo diễn Phan Hoàng. Và để chuẩn bị cho “đạo cụ thuộc hàng khủng” - phục chế tàu L'Esperance, phải tốn đến cả tỉ đồng. Nhưng “đoàn phim may mắn được tỉnh Kiên Giang giúp đỡ, hỗ trợ 100% tiền phục chế tàu cũng như tạo nhiều điều kiện khác trong quá trình đóng đô tại đây”, đạo diễn Phan Hoàng cho hay. Quay xong, đoàn phim sẽ gửi lại tỉnh con tàu này để đưa vào khu di tích lịch sử Nguyễn Trung Trực.

Tàu chiến, súng ống, binh khí, trang phục... có thể giữ lại, tái sử dụng hoặc gửi tặng những khu di tích địa phương, dù sao cũng bớt “xót”, còn thành lũy, đồn bốt, làng xóm, nhà cửa, chợ búa... sau khi hoàn thành cảnh quay, nếu trong phim chúng không bị đốt hoàn toàn thì sau đó, đoàn phim cũng phải... đốt đi hoặc cho bà con gần đó (nếu họ hứng thú nhận) để dọn dẹp phim trường. Vì theo các đạo diễn, do không có trường quay nên muốn phim không bị “dính” những trụ điện, ăng-ten vào thời hơn 100, 1.000 năm trước, đoàn phim phải tìm đến nơi hoang sơ, càng sâu càng xa càng tốt. Vậy nên, dù có nơi lưu trữ, nhưng nếu tháo dỡ, vận chuyển đống đạo cụ ấy về thì... thà bỏ đi còn hơn tốn thêm tiền mà chưa biết sẽ sử dụng ra sao ngày sau!


Theo kế hoạch, trường quay Cổ Loa sẽ được xây dựng thành trường quay hiện đại nhất Việt Nam. Ông Phan Văn Hòa - Phó giám đốc trường quay Cổ Loa, cho biết, theo dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa giai đoạn 2 vừa được thông qua, trường quay có tổng diện tích khoảng 15 ha, trong đó xây dựng 2 trường quay nội 2.000m, 3 trường quay nội 1.000m, 1 cụm rạp chiếu duyệt phim (đồng thời phục vụ luôn cho địa phương), 1 trường quay dưới nước...

Ngoài ra, hơn 5 ha được sử dụng xây bối cảnh ngoại, trong đó có nhiều bối cảnh dự kiến phục vụ cho các bộ phim lịch sử về Bác. So với giai đoạn 1, số tiền đầu tư ở giai đoạn 2 có thể nhiều hơn gấp 4 lần. Có được trường quay hiện đại là điều mong mỏi, chờ đợi của giới làm phim Việt Nam từ bấy lâu nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhắc về việc xây dựng trường quay thế nào cho hợp lý, đừng để bỏ ra một số tiền không nhỏ rồi lại thỉnh thoảng mới dùng đến, hay chỉ làm một phim rồi bỏ đi.



                                                                                 Theo Nguyên Vân - Minh Ngọc - TNO














Các bài mới
Các bài đã đăng