Văn nghệ trong nước
Đỗ Phương Nhi: Không cần tới “Khúc chiến ca của hổ mẹ”
08:57 | 08/07/2011
Trong lịch sử 13 năm của Hòa nhạc Toyota và mùa thứ 5 của Hòa nhạc Toyota xuyên Việt, lần đầu tiên, một tài năng trẻ sẽ solo trong toàn bộ chương trình. 20h tối qua (7/7), tài năng trẻ violinist Đỗ Phương Nhi sẽ có mặt trong buổi diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội với tác phẩm Introduction And Rondo Capriccioso Op.28 (Saint Saens).
Đỗ Phương Nhi: Không cần tới “Khúc chiến ca của hổ mẹ”
Đỗ Phương Nhi biểu diễn cùng dàn nhạc
Trong hình dung của tôi, để có được thành quả như ngày hôm nay, chắc hẳn cô bé 13 tuổi này phải chịu một áp lực cực lớn. Câu chuyện trong Khúc chiến ca của hổ mẹ - cuốn hồi ký gây tranh cãi trên khắp thế giới của Amy Chua vừa được dịch ra tiếng Việt - với cách dạy con cực kỳ khắt khe, thậm chí cấm chúng ăn và không được đi vệ sinh, để chúng trở thành thần đồng violin đã khiến tôi nghĩ như vậy...

Nhưng khi tiếp xúc với Đỗ Phương Nhi, điều tôi tưởng tượng không phải là sự thật.
 

1.
 Sinh ra trong một gia đình âm nhạc, bố là giảng viên violin Ths. Đỗ Xuân Thắng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, mẹ là nghệ sĩ violin Lê Hoàng Lan của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, lại có cậu ruột là nhạc sĩ Lê Minh Sơn nên ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ, Nhi đã sớm tiếp xúc với âm nhạc một cách rất tự nhiên. Và việc học violin của Nhi cũng là một điều khá “đương nhiên”. 

Song thực tế, Nhi không chỉ học nhạc theo sự định hướng của gia đình. Năng khiếu của Nhi đã sớm bộc lộ. Lúc mới vài tháng tuổi, em đã tỏ ra “hóng hớt” khi nghe thấy tiếng nhạc. Khi lẫm chẫm đi, Nhi bắt đầu tò mò về cây đàn mỗi khi nhìn thấy bố mẹ luyện tập. Em thường chạy lại chỗ bố mẹ, vồ lấy đàn, đưa tay đập cho ra tiếng với sự hiếu kỳ. Lớn hơn một chút, Nhi còn được bố mẹ cho đi nghe hòa nhạc. Phải nói là hiếm có đứa trẻ nào ở độ tuổi ấy, mà vào nhà hát lại có thể giữ yên lặng được. Vậy mà Nhi đã khiến bố mẹ rất ngạc nhiên bởi em ngồi yên một chỗ và thưởng thức các bản nhạc một cách chăm chú đến cao độ. Nhi nói với mẹ rằng, đi nghe hòa nhạc cũng giống như là xem ti vi ấy.

Thấy con không chỉ có những biểu hiện của một trẻ có năng khiếu trong nghệ thuật, mà còn thấy được sự say mê của con với âm nhạc nên bố mẹ Nhi quyết định đi đặt một chiếc đàn và em chính thức đi học đàn từ lúc 4 tuổi - đúng độ tuổi học tập của những tài năng. Và thầy giáo của em, không ai khác, cũng chính là thầy giáo của bố mẹ Nhi, GSTS- NSƯT Ngô Văn Thành.
 

Thầy Thành quý Nhi như cháu gái trong nhà. Khi đó, mỗi lần học tốt, Nhi lại được “ông Thành” (cách gọi thân mật giữa Nhi và GS Ngô Thành - PV) thưởng kẹo chocolate. Mỗi khi đi công tác hay được ai tặng quà, ông cũng đều có phần dành cho Nhi. Cho đến giờ, món quà mà Nhi thích được ông tặng nhất cũng là đồ ăn vặt mà Nhi “nghiện” nhất vẫn là chocolate.
 

Lao động miệt mài thì có thể thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào nhưng lựa chọn đúng sở trường cũng là một điều kiện không thể thiếu. Chính khả năng bẩm sinh và sự say mê đã khiến Nhi vượt qua được những khó khăn trong học tập. Thực tế là em làm rất tốt vai trò của mình. Thông thường, bài tập là do thầy giao và hoàn thành để trả bài tốt cho thầy đã là một việc cần nhiều sự luyện tập. Nhưng với Nhi, đôi khi bài thầy chưa giao thì em đã tập “lén” từ trước. Hoặc có những tác phẩm nghe mà em thấy thích là em xin thầy cho được học bài đó luôn. Cũng vì thế mà em tiến bộ rất nhanh.
 

Về nhà, việc học của Nhi cũng khá chủ động và tự nguyện nên bố mẹ cũng không phải vất vả kèm thêm cho em nhiều. Đôi khi, mẹ giúp em về tư thế trình diễn, còn bố thì giúp em phân tích bài vở, cách thể hiện sắc thái tình cảm của bài. Năm ngoái, khi theo học lớp masterclass với giáo sư Stephan Barratt-Due, tiếng đàn của Nhi đã gây ấn tượng tốt với ông và sau đó, em đã được mời tham gia biểu diễn cùng các tài năng trẻ châu Âu tại Valdres Summer Festival và Hardanger Festival (Na Uy). Do đó, em đã dành được học bổng từ MIC-Transposition để theo học tại trường Barratt-Due institute of Music ở Oslo (Na Uy).

2. Hiện nay, phần lớn thời gian của em vẫn dành cho việc học. Sáng em học văn hóa, chiều luyện tập và trả bài cho thầy rồi đi học tiếng Anh. Thời gian còn lại ở nhà, em vừa tranh thủ trau dồi thêm kiến thức bằng việc chịu khó nghe băng đĩa để xem và học hỏi từ những người đi trước, vừa giúp mẹ việc nhà. Việc nhà mà em thích nhất là rửa bát và vào bếp phụ mẹ cuốn nem.
 

Thời gian dành cho giải trí của em cũng rất đơn giản, sau mỗi buổi luyện tập, Nhi thường lấy xe đạp dạo quanh một vòng hồ Thành Công để thư giãn hoặc nghe nhạc, vẽ tranh, chơi với em trai và hàng xóm.
 

Nhi học nhạc hàn lâm nhưng em cũng nghe tất cả các thể loại âm nhạc khác, cũng thích cả Michael Jackson mặc dù thần tượng Sarah Chang. Nhi thích cả nhạc của cậu Sơn (nhạc sĩ Lê Minh Sơn - PV) nhưng đôi khi em còn cải biên bài hát của cậu theo lời mới do mình sáng tác và hát theo.
 

Mẹ Nhi, chị Lê Hoàng Lan tâm sự: “Nhi là một đứa trẻ khá nghịch ngợm, từ bé lúc nào con cũng hoạt động. Khi cho con học đàn, một phần là gia đình muốn giảm bớt sự hiếu động của con, muốn con học được tính kiên nhẫn, sự chịu khó, cần cù cũng như trở nên mềm mại và nữ tính hơn. May là càng học thì con càng thể hiện sự say mê của mình đối với nghề. Và thật may mắn vì con được các bậc thầy trong nghề như GS Ngô Thành, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân để ý đến và nhìn ra khả năng của con nên con không chỉ có điều kiện được học tập tốt mà còn có cơ hội đứng trên sân khấu cùng dàn nhạc. Tuy nhiên, con vẫn còn nhỏ và sự nghiệp vẫn đang còn ở phía trước nên con cần tập trung vào việc học nhiều hơn”.
 

Theo Ngọc Minh - VHTT
























            
Các bài mới
Các bài đã đăng