Văn nghệ trong nước
Hòa nhạc Toyota: Một lộ trình xuyên Việt
10:34 | 11/07/2011
Trong hai đêm 7 - 8.7 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra “Hoà nhạc Toyota xuyên Việt” lần thứ năm, nằm trong lộ trình xuyên Việt độc đáo thu hút sự quan tâm của nhiều người mến mộ âm nhạc trong nước và quốc tế. Các tác phẩm được chọn trình tấu trong đêm hoà nhạc lần này đều của những nhà soạn nhạc cuối lãng mạn hay cận đại.
Hòa nhạc Toyota: Một lộ trình xuyên Việt
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sau “Prelude from opera “Carmen” của nhà soạn nhạc Pháp G.Bizet là “Introduction and Rondo Capriccioso.op 28” của C.Saint Saens với sự trình tấu của dàn nhạc và tài năng trẻ vĩ cầm Đỗ Phương Nhi (sinh 16.11.1998 tại Hà Nội).

Bố là nghệ sĩ Đỗ Xuân Thắng - giảng viên vĩ cầm Học viện Âm nhạc Quốc gia VN và mẹ là nghệ sĩ Lê Hoàng Lan – concertmistress của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN. Từ năm 4 tuổi, Đỗ Phương Nhi đã theo học GS Ngô Văn Thành. Đỗ Phương Nhi đã trưởng thành nhanh chóng. Năm 11 tuổi, em đã trình tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN bản “Concerto cung mi thứ” của F.Mendelssohn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Honna Tetsuji tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Từ năm 2010, em nhận được học bổng từ Mic – Transposition để theo học tại Trường Barratt – Due institute of Music (Oslo) và được mời tham gia biểu diễn tại Na Uy hằng năm. Chọn xuất hiện lần này với “Introduction and Rondo Caprccioso op.28” của C.Sant Saens là Nhi đã thực sự muốn vượt qua thách thức mà tác phẩm đẳng cấp này đặt ra. Nghe mã vĩ trên tay Nhi luồn lách từ cung cao của dây ngoài cùng đến ngay dây trầm đầu tiên hết sức điêu luyện, mới thấy một thế hệ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc của VN ở thế kỷ mới đang hình thành một cách ngoạn mục, đầy hy vọng.

“Tập làm nhạc trưởng” của chương trình Toyota xuyên Việt là một chuyên mục mang ý tưởng mà các nhà soạn nhạc cận đại đã nghĩ tới. 6 khán giả, trong đó có 2 khán giả Nhật, đã nhập vào cuộc chơi của chuyên mục này. Sự xuất hiện của họ cho thấy chỉ huy dễ đến thế nào và cũng khó đến nhường nào. Chính lời nhắn nhủ của chuyên mục này khiến ta nghe rõ lời thỉnh cầu: “Bạn thấy không! Âm nhạc giao hưởng thật dễ gần. Nhưng để hít thở và chung sống với nó cũng thật vất vả. Hãy là những khán giả nồng nhiệt của thể loại này”.

Một phía khác của chương trình cũng xuất phát từ ý tưởng trên là việc chọn trình tấu tác phẩm của nhà soạn nhạc Mỹ L.Anderson - tác giả của nhiều nhạc phẩm ngắn gọn, nhẹ nhàng. Người ta thấy trong âm nhạc của L.Anderson có cả tiếng máy chữ, tiếng mèo kêu thật sự bằng việc xuất hiện trên sàn diễn người đánh máy chữ thật và các nghệ sĩ dàn nhạc bắt chước tiếng kêu meo meo của loài mèo ở cuối tác phẩm. Không chỉ thế, ngay trong lúc trình tấu các tác phẩm của J.Strauss, người thưởng thức vẫn thấy một công nhân miệt mài ngồi gõ búa vào những thanh sắt, thanh ray. Âm nhạc kinh viện thật mới mẻ và gần gũi cuộc sống biết nhường nào.

"Hoà nhạc Toyota xuyên Việt” được tiếp tục ở Nhà hát TP.Hải Phòng vào đêm 10.7 (đêm kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao), tại Huế vào đêm 13.7 và Nhà hát TP.Hồ Chí Minh vào đêm 16.7.

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng