[if gte mso 9]> Nghe giọng nói nhỏ nhẹ, nhìn bước đi nhẹ tênh của anh hòa lẫn giữa những người bình thường nhất, có cảm giác anh không phải “phấn đấu” gì cả, không muốn nổi trội hơn người và tất nhiên là không đóng một vai trò gì quan trọng. Vậy mà đôi vai mảnh nhỏ ấy, con người nho nhã ấy lại từng “gánh” những công việc không hề nhẹ nhàng - nếu không muốn nói là những phần việc nặng nề, nhiều khi là “gai góc” - ở nhiều tổ chức quan trọng. Trong thời gian làm việc tại Ban Tuyên huấn trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng, anh đã đôi lần được gặp Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ; bài “Níchxơn chớ quên...” của anh đăng báo Cứu Quốc ngay sau khi ông ta nhậm chức tổng thống Mỹ đã được Bác Hồ ghi bên lề bằng mực đỏ “Điện sang Paris cho chú Xuân Thủy” và ngay sau khi Bác mất, anh đã dịch và cho công bố bài báo nổi tiếng “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của nhà báo Cuba Macsta Rôhát phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Bác mất chưa đầy hai tháng. Điều bất ngờ với nhiều người là nhà báo lão thành trẻ mãi ở tuổi 70 - nhất là khi anh mở trang blog Khốt, được một bạn đọc gọi là “bé Khốt” và đặc biệt hơn với chi tiết “40 năm cộng sản ngoài Đảng”! Thế đó! Nhà báo “cộng sản ngoài Đảng” lại đảm trách trang quốc tế thường rất nhạy cảm của hai tờ báo lớn suốt mấy chục năm. Dù vậy, nhắc đến anh, bạn đọc nhớ đến “bé Khốt” nhiều hơn - bản dịch tác phẩm Ông già Khốttabít của anh đã in nhiều lần với hàng chục vạn bản. Và đó chỉ là một trong gần 100 tác phẩm anh đã cho xuất bản! Lại còn cả trăm “Chuyện đời thường” nhỏ nhẹ như tính cách của anh mà lại “nặng” tình nghĩa, đậm tính nhân văn đã đăng báo Sài Gòn Giải Phóng từ tháng 4-1998 đến lúc anh về hưu... Có phải nhờ sống khiêm nhường nên một con người nhỏ nhẹ như Minh Đăng Khánh đã để lại cho đời những ấn tượng tốt đẹp với khối lượng tác phẩm không hề nhỏ bé...
Theo Nguyễn Khắc Phê - TTO |