77 tác phẩm (trong đó có 56 bức ảnh đơn và 3 bộ ảnh) tại cuộc trưng bày này đều lấy từ cuộc thi Đối thoại với di sản địa chất do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phát động vào tháng 3/2011. Hầu hết các tác giả dự thi đều lựa chọn cảnh sơn thủy thiên nhiên làm góc tiếp cận của mình trong cuộc thi này. Đó là các địa điểm biển Bình Thuận, thác Bản Giốc, đỉnh Mã Pì Lèng, hoặc là góc nhìn đặc tả những sự vật khá giản dị trong cuộc sống như phù sa sông Hồng, hàng rào đá Hà Giang - những loại hình di sản luôn hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người nhưng vốn dĩ ít khi được gọi bằng cái tên “di sản địa chất”.
“Điểm nổi bật ở cuộc triển lãm này là việc các tay máy đã “hình tượng hóa” và giúp người xem hiểu rõ về khái niệm “di sản địa chất” vốn có phần khô cứng” - ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhận xét. Ngoài ra, dưới góc nhìn của người chụp, nhiều cảnh vật được tái hiện với vẻ đẹp làm người xem phải ngỡ ngàng. Ông Khánh cũng cho rằng các tác giả dự thi lần này có kĩ thuật chuyên môn rất vững, kèm theo đó là những sáng tạo khá cá tính về màu sắc và xử lý ánh sáng. “Tôi đặc biệt ấn tượng với những bức vách đá lớn chạy hun hút ven biển trong bộ ảnh của Hoàng Chung Thủy. Đặc biệt, tác giả này lấy nét rất chuẩn ở những đoạn vách cắt, khiến người xem phải dừng lại để suy ngẫm về sự kỳ vĩ và độc đáo của thiên nhiên Việt Nam”. Tại triển lãm, Ban tổ chức đã trao giải Nhất (trị giá 20 triệu đồng) cho bộ ảnh Đá - biển Việt Nam (tác giả Hoàng Chung Thủy) và 2 giải Nhì (10 triệu đồng) cho các tác phẩm Đàn đá (Võ Ngọc Lân) và Lý Sơn đảo Thần Tiên(Nguyễn Xuân Vinh)... Theo Minh Châu - TT&VH |