Văn nghệ trong nước
Giọt nước mắt cứu rỗi
14:23 | 25/07/2011
Xuất hiện lại trên sân khấu Hoàng Thái Thanh lần này, vở kịch Hãy khóc đi em đã được làm mới hoàn toàn về đường dây hành động, cũng như gia giảm liều lượng trong việc bộc lộ tính cách của một số nhân vật, đem lại cho vở sự chặt chẽ, sắc nét hơn.
Giọt nước mắt cứu rỗi
Ảnh: Nguyễn Á
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Người phụ nữ ấy không hề khóc, kể cả khi biết mình bị vô sinh, không đem lại được cho nhà chồng đứa con nối dõi tông đường. Cất nước mắt vào trong, chị chủ động đi tìm người đẻ mướn và dịu dàng dỗ chồng vào phòng hợp cẩn như một phương cách “chuộc tội”. Chị xăng xái, tất tả, chăm lo cho đứa con thừa tự do người khác sinh ra với nụ cười mãn nguyện. Bởi chị gửi lòng tin sâu đậm vào người chồng mà chị hằng yêu kính như một đấng quân vương. Chị tin, rằng người chồng trước sau vẫn là chồng mình, rằng đứa con rồi cũng sẽ là con mình. Nhưng đến một ngày, tất cả bỗng như mây như khói, bay đi, tan đi… Trước mặt chị chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông… Có thể nào niềm tin lại sánh bước cùng sự dối trá; có thể nào hạnh phúc lại được vun đắp trên nỗi bất hạnh!

Người phụ nữ ấy chính là Hạnh trong truyện Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thuỳ Mai, vừa được sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) tái dựng, sẽ ra mắt vào tối thứ sáu 29.7. Hãy khóc đi em (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Ái Như) từng là vở “cháy vé” ở sân khấu IDECAF cách đây bảy năm với sự có mặt của nghệ sĩ Thành Lộc (vai Phương), Thanh Thuỷ (Hạnh), Thành Hội (Hướng), Cát Phượng (Thắm), Mai Hoa (Thu)… và đem lại giải Mai vàng cho đạo diễn Ái Như và nghệ sĩ Thành Hội.

Nếu như Phương trong vở dựng trước là một kẻ chủ mưu, lạnh lùng sắp đặt mọi thứ để lừa gạt người vợ cũ, thì Phương bây giờ “hiền” hơn, thoạt đầu chỉ là muốn “ăn vụng” để kiếm một đứa con, nhưng chính áp lực của dư luận đã vô tình bắc cầu cho anh ta nhẹ nhàng nắm được thứ hạnh phúc mà anh ta khao khát. Vì vậy, với dáng dấp thư sinh nho nhã, cộng với cách diễn còn hơi rụt rè, không quá nặng về kỹ thuật, Quang Thảo vào vai Phương lần này là khá phù hợp, gần với một Phương mà Trần Thuỳ Mai mô tả. Thay thế Mai Hoa trong vai bà Thu “nhiều chuyện” là nghệ sĩ Ái Như. Chính “nụ cười răng khểnh” đã giúp cho nhân vật của chị thành kẻ “hai mặt” nhiều thú vị, che giấu dã tâm bằng những lời lẽ cứ ngọt nhẹ như không. Đặc biệt, vai Thắm, cô vợ bé của ông Phương do Hồng Ánh thủ diễn. “Đặc biệt”, bởi hai năm trước đây, trong bộ phim truyện nhựa Trăng nơi đáy giếng chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), Hồng Ánh thành công rực rỡ với vai Hạnh (giải nữ diễn viên xuất sắc trong liên hoan phim quốc tế Dubai năm 2008, trong Cánh diều vàng 2009). Thắm của Hồng Ánh trong Hãy khóc đi em trên sân khấu Hoàng Thái Thanh toát ra vẻ chân quê, mộc mạc, không quá ngoa ngoắt, tạo cảm giác dễ chịu. Trong số các diễn viên, chỉ còn lại hai người cũ: Thành Hội và Thanh Thuỷ. Nhân vật Hướng của Thành Hội tuy ít nhiều giảm bớt chất “điên” song còn nguyên vẻ sần si của một kẻ yêu đơn phương “ngốc nghếch”. Vẫn là một cô Hạnh dịu dàng, một người vợ tin yêu chồng đến mê muội… Thanh Thuỷ bây giờ trông tội nghiệp và “quyến rũ” hơn nhờ vóc dáng thon gọn nhưng cách diễn chậm rãi, nhấn nhá đầy kinh nghiệm của chị như cứa vào tim người xem. Nỗi đau được dồn nén đến tận cùng ấy cuối cùng oà vỡ và được tẩy rửa bằng những giọt nước mắt cứu rỗi.

Cái cách kiếm tìm hạnh phúc bằng việc lạnh lùng dẫm đạp lên nỗi bất hạnh của người khác là điều ray rứt mà vở Hãy khóc đi em muốn được người xem chia sẻ.

Theo Cát Vũ - SGTT






Các bài mới
Các bài đã đăng
Học từ di tích (20/07/2011)