[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Bộ sách 3 tập, gồm 2.500 trang này là kết quả của một quá trình biên tập, dịch thuật, hiệu đính công phu, chắt lọc từ 7.000 trang ghi chép của tác giả trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Mặc dù đã cho ra mắt nhiều tác phẩm, trong đó lớn nhất có thể kể tới bộ sách đồ sộ gói gọn toàn bộ văn nghiệp là Phan Tứ toàn tập (gồm 5 tập) được NXB Văn học ấn hành năm 2002, thế nhưng phải tới khi nhà văn Phan Tứ qua đời, người ta mới biết ông vẫn còn một khối di bút vô cùng đồ sộ chưa từng được công bố, đó là bộ nhật ký và ghi chép với hàng chục cuốn sổ tay lên tới 7.000 trang. Người đầu tiên phát hiện và gìn giữ số tư liệu này trong suốt những năm qua chính là vợ ông - bà Đinh Thị Phương Thảo.
Đã nhiều lần những người thân trong gia đình nhà văn Phan Tứ muốn công bố rộng rãi, nhưng rồi lại ngần ngại bởi ở ngoài mỗi cuốn sổ ghi chép ông đều ghi: “Mật - ghi chép riêng của Phan Bốn (tên gọi khác của ông thường dùng trong chiến tranh) không ai được xem”. Mãi về sau này, người chị ruột của nhà văn Phan Tứ là bà Lê Thị Kinh sau khi đọc các ghi chép của em trai mình, nhận thấy được giá trị to lớn của khối di bút này, đã thuyết phục những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp quyết tâm giải mã, dịch thuật khối tư liệu đồ sộ này.
Từ những “trang đời” viết bằng 5 thứ tiếng…
Sở dĩ nói rằng những người thực hiện bộ sách này phải giải mã, dịch thuật là bởi bộ nhật ký của nhà văn Phan Tứ được ghi chép bằng 5 thứ tiếng: Lào, Pháp, Nga, Anh và tiếng Việt. Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng - 1 trong 4 người trực tiếp tham gia biên tập cuốn sách này chia sẻ: “Mặc dù có trong tay đầy đủ khối di bút. Thế nhưng những người thực hiện đã vô cùng vất vả trong việc khôi phục bản thảo, phóng to các trang sổ ra khổ giấy lớn để có thể đọc được, rồi hiệu đính lại những chỗ bị mất câu, mất chữ. Đặc biệt chỉ riêng việc biên dịch lại những ghi chép của ông ấy từ 4 thứ tiếng nước ngoài đã có tới 10 người tham gia và kéo dài liên tục trong 5 năm (từ 2005 đến 2010). Đó cũng là lý do vì sao bộ nhật ký này lại ra mắt bạn đọc muộn đến vậy”.
Bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) chị ruột của nhà văn Phan Tứ, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn tình nguyện tham gia công việc dịch, hiệu đính phần ghi chép bằng tiếng Pháp của nhà văn Phan Tứ. Ông Lê Anh Dũng cho biết: “Bà Minh vốn rất giỏi tiếng Pháp và từng là Đại sứ VN ở Italia. Vậy mà khi đọc những trang viết bằng tiếng Pháp của em trai mình, chính bà ấy cũng ngạc nhiên vì không ngờ Phan Tứ lại có thể viết tiếng Pháp hay như thế”.
Sau khi quá trình dịch về cơ bản được hoàn thành, mọi người trong ban biên tập mới hiểu ra lý do vì sao trong các ghi chép của mình, nhà văn Phan Tứ sử dụng xen kẽ nhiều thứ tiếng khác nhau. “Hoàn cảnh chiến tranh và đặc thù của công việc khiến nhà văn Phan Tứ phải thường xuyên di chuyển khắp nơi. Vì vậy ông ấy ghi chép bằng nhiều thứ tiếng để lỡ hy sinh hoặc bị bắt, quân địch sẽ không thể khai thác được nhiều từ những ghi chép của mình ngay lập tức”, đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng giải thích.
Bên cạnh đó, chính đặc điểm đa ngôn ngữ của khối di bút này cũng khiến cho những người biên tập gặp một khó khăn lớn khác. Đó là làm sao để việc dịch thuật không làm cho bộ sách này bị mất đi chất văn học vốn có, và hơn thế là giúp người đọc nhận ra được giọng văn của Phan Tứ. Nói về trở ngại này, đại tá Lê Anh Dũng chia sẻ: “Những chỗ ông ấy viết tắt bằng tiếng nước ngoài, những người dịch cũng chỉ có thể dịch nghĩa theo từ điển thôi bởi họ chưa từng sống ở chiến trường và cũng không hiểu về con người và ngòi bút của nhà văn Phan Tứ.
Chúng tôi phải từ những bản dịch thuật sơ lược ấy biên tập lại thành những chương, đoạn và cả một tác phẩm lớn thống nhất về giọng điệu và tư tưởng. Phải nói rằng đó là công việc cực kỳ khó. Rất may chúng tôi đã có đọc và nghiền ngẫm các tác phẩm của Phan Tứ nên cuối cùng bộ sách này theo đánh giá của một số người cũng đã phần nào giúp người đọc cảm nhận được văn phong của Phan Tứ”.
|
[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Bộ sách được xây dựng từ 7.000 trang nhật ký |
Mặc dù đã qua quá trình biên tập kỹ lưỡng, nhưng những người làm sách vẫn cố gắng tôn trọng tối đa di bút của nhà văn từ hình thức tới nội dung. Ông Nguyễn Văn Cừ - GĐ NXB Văn học cho biết: “Bất cứ ai khi đọc bộ sách này, cho dù không được tận mắt nhìn thấy những cuốn sổ của Phan Tứ, vẫn sẽ thấy được ông ấy cẩn thận, tỉ mỉ và nghiêm túc như thế nào với từng trang ghi chép của mình. Ví dụ như không chỉ ghi chép theo ngày tháng, ông ấy còn đặt đầu đề cho từng nội dung nhỏ như: Họp thiếu nhi, Cán bộ địa phương và các đảng viên, Cảnh sau trận càn, Công tác cán bộ xã thôn, Đấu tranh chính trị ở Kỳ Khương, Về chống càn ở Kỳ Thạnh... Phải nói đó là những thao tác rất khoa học và chuyên nghiệp. Từ đó chúng ta mới có thể hiểu vì sao Phan Tứ có những bộ tiểu thuyết lớn và hay, hấp dẫn nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên Việt Nam như vậy”.
Đến bộ nhật ký giá trị về lịch sử
Qua những ghi chép tỉ mỉ của tác giả, hiện thực về những năm tháng chiến tranh khốc liệt của dân tộc hiện lên một cách sâu sắc và sống động.
Có lẽ cũng giống như bao cuốn nhật ký chiến tranh khác, điều trước tiên làm nên giá trị hiện thực của tác phẩm này và khiến chúng ta cảm phục chính là sự trải nghiệm, sự dấn thân của người viết trước bom đạn ác liệt của chiến tranh, trước sức làm việc và nghị lực phi thường của tác giả khi ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn để có được những trang tư liệu giá trị về cuộc đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Nhà văn Phan Tứ đã ghi lại những “trang đời” ấy với đôi mắt cận thị nặng, bàn tay và cột sống bị sưng khớp, trong những ngày dài đói cơm lạt muối, trong sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng, dưới mưa bom bão đạn và những cuộc càn quét, phục kích của địch.
Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng chia sẻ: “Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với những trang viết của tác giả về những người dân Tứ Mỹ kiên cường, “Nhà tan cửa nát cũng ư/Đánh xong giặc Mỹ cực chừ sướng sau”, cũng như những dòng tác giả tự vấn lương tâm mình. Mặc dù hồi đó, Phan Tứ sống vô cùng gian khổ, thiếu thốn, vậy mà ông ấy vẫn luôn nghĩ mình sống như vậy là chưa xứng đáng và phải phấn đấu sống tốt hơn nữa... Những suy nghĩ ấy thực sự làm tôi cảm phục và xúc động”.
“Cùng với Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi Mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Từ chiến trường khu 5 của Phan Tứ sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của “văn liệu” - thể loại văn học xung kích, mới mẻ và đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước” - GĐ NXB Văn học Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh.
Thêm một tiếng nói tố cáo tội ác chiến tranh
Hôm nay là ngày 27/7, còn gì ý nghĩa hơn khi bộ sách Từ chiến trường khu V được ra mắt đúng vào dịp nhân dân cả nước ghi ơn, tưởng nhớ công lao của các gia đình, anh hùng thương binh liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Năm 2011 này, Hội Nạn nhân chất độc da cam VN cũng sẽ tiến hành kỷ niệm 40 năm thành lập. Chiến trường Khu V và Nam Trung Lào là một trong những nơi trong chiến tranh, đế quốc Mỹ rải nhiều chất độc da cam nhằm triệt phá rừng, tàn phá mùa màng và con người. Nhà văn Phan Tứ là một người bị ảnh hưởng bởi chất độc chết người này. Ông đã phải chống chọi với hàng loạt những căn bệnh nan y trong suốt 15 năm cuối đời, để rồi bao hy vọng về một bộ tiểu thuyết đồ sộ về chiến tranh, về đất nước, xuất phát từ khối tư liệu phong phú ông đã dày công ghi chép trong nhiều năm phải dang dở và gác lại.
May mắn thay, những “trang đời” trải nghiệm bằng cả máu và nước mắt ấy giờ đây đã được gia đình, bạn bè ông tập hợp lại và xuất bản rộng rãi đến bạn đọc. Tác phẩm này sẽ góp thêm một tiếng nói đanh thép lên án tội ác chiến tranh, cũng như kêu gọi những tấm lòng nhân đạo của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng về những nạn nhân cho tới giờ phút này vẫn phải chịu đựng dư âm khốc liệt của cuộc chiến.
Theo Đỗ Hùng - TT&VH