Văn nghệ trong nước
Tướng Giáp chính là “người anh cả của toàn quân”
10:11 | 29/07/2011
Từ cái nhìn mới về vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Hoàng Bình Trọng đã cho ra đời trường ca “Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân.” Tập sách này từng được Trung ương đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất trong đợt xét các tác phẩm văn học cho thiếu nhi năm 2010.
Tướng Giáp chính là “người anh cả của toàn quân”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguồn: Internet)
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hoàng Bình Trọng xung quanh trường ca này.

- Những người chưa có dịp đọc trường ca “Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân” của ông băn khoăn không hiểu tại sao một tác phẩm viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nhận giải thưởng tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Ông giải đáp thắc mắc ấy như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: Trường ca “Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân” của tôi không chỉ dành cho người lớn mà trẻ con đọc cũng dễ. Tôi không chỉ viết về vị tướng tài ba trong việc điều binh đem lại chiến thắng lừng lẫy ở Điện Biên Phủ năm nào mà còn viết cả về tuổi thơ của ông.

Trong trường ca về tướng Giáp có những đoạn sẽ khiến cho độc giả tìm về được với tuổi thơ của mình.

Bên cạnh đó, khi viết xong trường ca này, tôi có duyên gặp anh Nguyễn Thắng Vũ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng. Đọc thấy thích vậy là anh cho in luôn tại Nhà xuất bản  Kim Đồng. Cái duyên đó cũng đã góp phần đưa tác phẩm đến được với tuổi thơ.

- Điều gì đã thôi thúc ông viết lên tác phẩm này, thưa ông?

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: Tôi may mắn được cùng quê hương Quảng Bình với tướng Giáp, lại gần huyện nhau. Từ nhỏ, tôi đã được bà con trong làng tự hào và kể chuyện bác Giáp. Từ đó đã hình thành trong tôi tình yêu và sự kính trọng đối với vị tướng tài ba ấy.

Khi lớn lên, theo học Đại học Bách khoa, tôi lại có điều kiện được đọc cuốn “Chiến tranh giải phóng miền Nam” viết bằng tiếng Pháp của bác Giáp. Ban đầu tôi đọc sách chỉ với mục đích để học tiếng Pháp nhưng khi đọc, cuốn sách đã cuốn hút tôi.

Trong cuốn sách tướng Giáp đã đề cập đến những phương pháp chỉ huy quân đội riêng như: lấy yếu đánh mạnh, lấy ít đánh nhiều, bí mật bất ngờ, chủ động tấn công… Chỉ đọc cuốn sách đó cũng thấy được bác Giáp là vị tướng tài ba lỗi lạc. Thật đáng kính trọng và tự hào!

Rồi thời gian tôi đi bộ đội ở chiến trường Lào và chiến trường Tây Nguyên, các anh em trong đơn vị cũng hay kể chuyện về bác Giáp như việc bác vào tận chiến trường Quảng Trị trước bom đạn khốc liệt để thăm hỏi và động viên binh sĩ.

Khi tôi về làm việc ở tạp chí Nhật Lệ, lúc đó nhà bác Giáp như một điểm du lịch nên tôi và các anh em đồng nghiệp thường xuyên về thăm. Tôi thấy nhà bác Giáp thân thương như nhà mình vậy.

Những dồn nén cảm xúc yêu quý, ngưỡng mộ, trân trọng vị Đại tướng tài ba đã theo tôi suốt cuộc đời và thôi thúc tôi cầm bút viết.

Vậy là, trường ca “Tướng Giáp - Người anh cả của toàn quân” hoàn thành khi tôi đã nghỉ hưu. Ban đầu tôi định viết tiểu thuyết về tướng Giáp vì trước nay tôi vốn thành công với văn xuôi hơn nhưng rồi lại chuyển thành trường ca có cốt truyện.

- Là một người cả đời ấp ủ tình yêu dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy ông có kỷ niệm riêng nào với vị tướng huyền thoại này?

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: Tôi có hai kỷ niệm không bao giờ có thể quên được. Một là lúc tôi còn nhỏ, có lần bác Giáp về thăm quê, bà con làng xóm ai cũng muốn ra đón bác. Tôi cũng tấp tểnh chạy theo nhưng không theo kịp, về cứ tiếc mãi.

Lần thứ hai cũng là khi bác Giáp về thăm quê vào dịp Quốc khánh. Lúc đó, trên sông Kiến Giang, ngay trước nhà bác, có mở hội đua thuyền. Bác Giáp mang trên mình quân phục ra xem và đứng cổ động cho các tay chèo. Tôi đứng từ xa nhìn, thấy vô cùng nggưỡng mộ bác, một vị tướng với địa vị cao quý lại giản dị và gần gũi đến vậy!

- Tướng Giáp trong trường ca của ông quả là rất gần gũi, thân thiện và giản dị. Đọc những câu như “Anh vít cành na, anh vin cành khế/ Anh nhìn cái vạc, cái cò chao nắng ca dao...” rõ ràng ông đã không huyền thoại hóa vị tướng như nhiều nhà văn khác mà lại chiếu vào góc rất đời thường của tướng Giáp. Tại sao ông lại chọn lối đi riêng này?

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: Nếu bạn đến thăm nhà bác Giáp sẽ thấy những cây khế, cây ổi… ở vườn như tôi viết trong thơ. Bác Giáp cũng từng có một tuổi thơ trèo cây hái quả và đùa chơi như những đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Đó là một phần “đời” của con người tài ba không thể không nhắc tới. Hơn thế, tôi còn dành cho bác tình cảm của một người đồng hương nữa.

- Có phải vì vậy mà ông cũng đã chọn văn phong mộc mạc để khắc họa chân dung của một thiên tài, thưa ông?

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: Đúng vậy, tôi viết trường ca này trong hoàn cảnh thơ ca nước nhà đang có nhiều cách tân. Mình cách tân không khéo người đọc khó hiểu lại buồn cười. Vậy nên tôi phải chọn thứ ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi khiến người đọc dễ tiếp nhận và đồng cảm.

- Ông có thể cho biết khó khăn nhất của ông khi viết trường ca về một con người tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: Khó khăn nhất là làm sao cho trường ca vừa phải có tư liệu vừa phải có chất thơ, nói về chiến tranh tàn khốc nhưng không khô khan. Ngôn ngữ giản dị dễ hiểu mà vẫn khắc họa được tầm vóc của vị tướng tài ba lỗi lạc.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thiên Linh (Vietnam+)







Các bài mới
Các bài đã đăng