Văn nghệ trong nước
Ngắm bảo vật của 4.000 năm lịch sử
14:29 | 02/08/2011
Từ những tượng ngọc, khuyên ngọc thời văn hóa Phùng Nguyên cách đây 4.000 năm cho tới hàng loạt đồ ngự dụng bằng ngọc quý như nghiên mực, quân cờ, ấn... của vương triều Nguyễn, tất cả hơn 140 cổ vật được trưng bày tại cuộc triển lãm Cổ ngọc Việt Nam đều cho thấy kĩ thuật chế tác tinh xảo, tuyệt mỹ của những nghệ nhân vô danh trong lịch sử.
Ngắm bảo vật của 4.000 năm lịch sử
Ấn vạn thọ vô cương thời Lê Trung Hưng
Khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) sáng nay (2/8), đây là cuộc triển lãm về cổ ngọc quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với toàn bộ hiện vật được lấy từ kho lưu trữ của đơn vị này. Theo thời điểm chế tác, các cổ vật được chia thành 3 nhóm trưng bày chính bao gồm giai đoạn tiền sử- sơ sử, giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và giai đoạn thời Lê- Nguyễn. Một phần nhỏ trong số cổ vật này được lấy từ những cuộc khai quật các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Đông Sơn, Sa Huỳnh... của ngành khảo cổ. Phần lớn cổ vật còn được Chính phủ tiếp quản từ kho tàng của triều Nguyễn tại Huế và bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội trong năm 1945, sau đó giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cất giữ.

Người Việt “chơi” ngọc từ thời tiền sử
 

Theo các chuyên gia khảo cổ, các cổ ngọc thời tiền sử như vòng tay, khuyên tai, chuỗi hạt, tượng, rìu... đã xuất hiện rất sớm tại khu vực phía Bắc. Đặc biệt, nhiều “công xưởng” chế tạo ngọc đã được tìm thấy tại Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng. Điều đó chứng tỏ Việt Nam là nơi có nguồn ngọc quý và lịch sử chế tác đồ ngọc từ lâu đời.
 

Tuy nhiên, sang giai đoạn sau Công nguyên, những đồ ngọc tìm thấy trong các ngôi mộ táng mới cho thấy sự phát triển mạnh của kỹ thuật tạo hình với phong cách thể hiện sự giao thoa văn hóa cùng phương Bắc, bao gồm nghiên mực, tượng rồng, tượng thú, tượng ve sầu, tượng cá... Khoảng 30 hiện vật tại triển lãm thuộc 2 giai đoạn này, trong đó đáng chú ý nhất là pho tượng ngọc thời văn hóa Phùng Nguyên (2.000 năm trước Công nguyên) và miếng ngọc đeo lưng thuộc thế kỷ 1- 3 có hoa văn chạm hình chữ X phỏng theo đồ đồng cổ thời Ân - Thương của Trung Quốc. 

Nhưng, đạt tới độ tinh xảo và đa dạng về chủng loại, màu sắc nhất tại triển lãm vẫn là các bảo vật thuộc triều Lê - Nguyễn. Trong số này, đáng chú ý nhất là 18 chiếc ngọc tỷ (ấn ngọc) có niên đại từ thế kỷ 18 - 20, bao gồm 2 chiếc thuộc thời Lê Trung Hưng, 3 chiếc thời Minh Mạng, 3 chiếc đời Tự Đức, 2 chiếc đời Khải Định và 6 chiếc được xếp vào loại
 Đồ thư văn bảo ( không có giá trị bằng các ấn ngọc tỷ truyền quốc). Ngoài ra, nhiều đồ ngự dụng bằng ngọc của triều Nguyễn cũng cho thấy sự kết hợp khéo léo giữa kĩ thuật tạo tác ngọc và việc sử dụng các phụ liệu như vàng, bạc, đồi mồi, chẳng hạn như các chậu ngọc bằng ngọc, bộ Văn phòng Tứ bảo của Thiệu Trị với các loại nghiên ngọc, gác bút, quản bút... chạm rồng, phương, tùng, liễu; bộ cờ tướng bằng ngọc xanh- ngọc trắng có thếp chữ vàng trên mặt... 

Và kho cổ ngọc “hoành tráng” chưa được trưng bày
 

Đáng thú vị, rất nhiều cổ ngọc tại triển lãm ẩn chứa những thông tin khá quan trọng về lịch sử và nghệ thuật Việt Nam. Chẳng hạn, đa phần các ấn ngọc đều có khắc rõ ngày tháng tạo tác và thời điểm xuất hiện của những ấn ngọc này cũng từng được chép lại trong cổ sử.

Điển hình, chiếc ấn làm năm 1846 thời Thiệu Trị vốn là viên ngọc cực lớn thuộc huyện Hòa Điền vùng Quảng Nam được người dân tìm thấy và dâng lên cho vua, sau đó được quan Hữu tư dũa mài thành ngọc tỷ với dòng chữ
 Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời). Hoặc, 4 chiếc nghiên ngọc của vua Thiệu Trị có khắc 4 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của ông và ghi rõ thời điểm sáng tác vào các năm 1841, 1846 và 1847. Đặc biệt, các nghệ nhân thời Nguyễn đều có những sáng tạo độc đáo trong cách thể hiện, chẳng hạn việc không vẽ tán tròn ở cây tùng, con chim hạch trên các bức tranh ngọc hay những điểm riêng về chỏm tóc, khuôn mặt, nếp áo... trong bộ tượng Bát tiên quá hải của Đạo Lão. 

Được biết, hơn 140 cổ ngọc trưng bày chỉ là một phần rất nhỏ trong kho sưu tập cổ ngọc của bảo tàng. Dự kiến, các chuyên viên của đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân loại và đánh giá những cổ ngọc khác trong kho lưu trữ để mang ra trưng bày ở quy mô lớn hơn khi Bảo tàng Quốc gia Việt Nam được khánh thành.


Theo Minh Châu - TT&VH



























Các bài mới
Các bài đã đăng