Bước chân vào một số tiệm tranh ở đường Trần Phú hay Nguyễn Văn Trỗi, thậm chí ở cả khu vực trung tâm như Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão chuyên bán tranh cho khách Tây, bạn khó có thể phân biệt đâu là tranh thật, đâu là tranh giả.
Không biết có phải “học hỏi” từ “Thị trấn tranh” của Trung Quốc hay không, nhưng để cạnh tranh, người Việt chúng ta đã phát huy tính “sáng tạo” bằng cách sử dụng một “công nghệ” mới: in hoặc photo bản mẫu lên vải, sau đó đổ màu, quét màu lên.
Những thiết bị photo hoặc máy in bản mẫu tranh giờ đây tối tân đến mức có khi chỉ cần hoàn thành công đoạn in là bản thô đã có thể trở thành một hình khối nào đó đáng kể trong con mắt khách hàng, thậm chí với những khách hàng theo trường phái “ngây thơ” thì có khi cứ để nguyên bức tranh thô đó mà bán cũng đã được coi là một tác phẩm nghệ thuật có tính “nguyên thủy”. Thế là bước vào phòng tranh, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều bức tranh như thế, được trưng bày ở mọi xó xỉnh của phòng tranh.
Với cái giá đó, thật xứng đáng cho những người ít tiền hoặc muốn tiết kiệm tiền mua về để trang trí nhà cửa của mình hoặc làm quà tặng tân gia, trong khi họ có thể đoan chắc là trình độ thẩm mỹ của người được tặng cũng chẳng hơn gì mình.
Chỉ có điều, sau một thời gian ngắn, có khi chỉ 3-4 tháng sau khi mua, bức tranh đó trở nên lợt lạt màu sắc đến mức có thể xảy ra một tình huống rất tức cười: bức tranh in với trường phái Hiện thực vụt trở thành tác phẩm theo khuynh hướng Ấn tượng hoặc thậm chí Trừu tượng, tức không còn nhìn rõ ra một chi tiết nào trong tranh nữa.
Cũng không ít lần, tác giả viết bài này phải ngây người ra trước những họa phẩm danh tiếng của Monet bị chép một cách suồng sã tới khó tin. Sau khi tôi phải năn nỉ để được biết sự thật, chủ gallery mới nói nhỏ với tôi: “Chỗ thân quen nên em nói thực là những bức Monet ở đây chỉ là hàng chợ thôi. Còn nếu anh có tranh đàng hoàng thì phải đặt chép, bọn em cỡ nào cũng chép được. Nhưng giá thì anh thông cảm cho, tiền nào của đó…”.
Thế là rõ! Cái mà bạn thường nhìn thấy, trông thấy và cảm nhận thấy ở đa số các phòng tranh hiện nay, nếu là tác phẩm danh tiếng nước ngoài, đa phần chỉ là một thứ “ngoại y”. Còn như muốn “nội y” thì bạn không còn cách nào khác là phải tốn công sức để theo chân thợ chép đến tận xưởng vẽ. Và ngay cả khi đó, chỉ cần bạn sơ sẩy kiến thức hay thiếu tập trung thì bức tranh chép của bạn sẽ không còn ra hồn vía gì.
Với thợ chép loại này, khách mua tranh có thể tự do “phóng tác” bằng yêu cầu thợ thêm bớt các chi tiết trong tranh so với bản mẫu, chẳng hạn thay vì hàng cây của Constable thì cần thay ngay bằng một cái hàng rào sắt để bức tranh có vẻ mang tính “đô thị hóa” hơn…
Còn nói về nghệ thuật thay đổi màu sắc thì có lẽ khách hàng Việt Nam thuộc loại vô địch. Đơn giản là thế này: người Việt ta, nhất là những người có nhu cầu mua tranh về trang trí nhà cửa và cũng để thỏa mãn yêu cầu phong thủy nào đó, thường thích những bức tranh sáng láng, tươi tắn, thay cho cái màu gụ u tối thiếu may mắn của dòng tranh cổ điển. Vậy là với những bức tranh mờ mịt của Renoir hay tranh đầy sắc màu của Thomas, khách ta cứ điềm nhiên yêu cầu thợ thêm thắt vào tranh bất cứ màu sắc nào mà khách thích, hoặc thay đổi cơ bản khung màu của tranh.
Đó thật là một khả năng “sáng tạo” mà ngay cả những họa sĩ có máu nổi loạn thuộc trường phái Dã thú vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng phải ganh tị. Và nếu cái tên “Dã thú” ra đời từ lời bình phẩm bất cẩn “Ơ kìa, những con dã thú!” của một nhà phê bình mỹ thuật, thì đến lượt họ, những họa sĩ Dã thú có lẽ sẽ phải thốt lên kinh ngạc khi nhìn thấy những bức tranh dã thú của họ đã bị gallery Việt làm cho thay đổi cả “da” lẫn “lông”.
Theo Viết Lê Quân - VietNamNet
|