“Công trường đá” nói trên được tìm thấy trong đợt khảo sát vào tháng 7 vừa qua, do các chuyên viên của Trung tâm Bảo tồn Di sản (TT BTDS) Thành nhà Hồ thực hiện. Việc chọn núi An Tôn làm địa điểm khảo sát xuất phát từ những thông tin trong sử liệu cũ như Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.Theo đó, năm 1397, Hồ Quý Ly đã cho người tiến hành đo đạc địa thế quanh động An Tôn để chuẩn bị “đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, mở đường phố, dựng đàn Xã Tắc” trước khi có ý dời đô về đó. Hiện, theo truyền thuyết dân gian, tại núi An Tôn vẫn còn nhiều địa danh liên quan trực tiếp đến vương triều nhà Hồ.
Tại 3 ngọn của dãy núi An Tôn, đoàn khảo sát phát hiện tổng cộng 21 phiến đá rất lớn, trong đó viên lớn nhất ước tính nặng tới hàng chục tấn. Đặc biệt, các viên đá này đều được ghè đẽo hết sức công phu và tồn tại ở dạng gần với hình hộp (có ít nhất từ 3- 4 mặt phẳng). Căn cứ vào việc phân tích đối sánh với mẫu tường Thành nhà Hồ, nhóm khảo sát khẳng định những phiến đá tìm thấy tại An Tôn chính là phần đá được nhà Hồ khai thác với mục đích xây dựng kinh đô. Việc đa phần các phiến đá này đều mắc “lỗi kĩ thuật” (vỡ cạnh, vỡ góc) được coi là lí do khiến chúng bị vứt bỏ rải rác trong “công xưởng đá”. Đặc biệt, tại thung lũng có tên Thung Án Ngựa (nơi tìm thấy 10/21 phiến đá), đoàn khảo sát tìm thấy rất nhiều dấu vết cũ của việc khai thác đá trong lịch sử và rất nhiều mảnh dăm đá ken dày đặc và chìm sâu vào lòng đất.
Việc phát hiện xưởng đá tại núi An Tôn đã góp phần khẳng định thêm một giả thiết được giới khảo cổ nhắc tới: các phiến đá xây Thành nhà Hồ được “xử lý thô” tại nơi khai thác và sau đó vận chuyển về nơi xây dựng (chứ không chế tác ngay gần nơi xây tường thành). Rộng hơn, việc tìm thấy mỏ đá An Tôn cung cấp thêm một số giả thiết thú vị về con đường và phương thức vận chuyển đá xây Thành nhà Hồ.
Cụ thể, nhóm khảo sát đã đưa ra giải thiết cho rằng đá được vận chuyển từ núi An Tôn xuống sông Mã, sau đó được tập hợp lại rồi để trên các bè và chở xuôi dòng xuống khu vực bến Đá của làng Thọ Đồn (cách đó khoảng 1,5 km), được tập hợp tại bến Đá và sẽ được vận chuyển theo con đường Cống Đá mà dân gian nhắc tới để xây thành.
Để phục vụ việc khảo cứu, TT BTDS Thành nhà Hồ đề nghị được bảo tồn hiện trạng và khai quật thêm tại công trường đá An Tôn này.
Theo Cúc Đường - TT&VH
|