Văn nghệ trong nước
Nhớ Trần Dần
14:24 | 06/09/2011
Mình vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần, thật sự vô cùng khâm phục ông. Cuốn sách viết cách đây hơn nửa thế kỷ mà văn phong cực mới mẻ, cấu trúc cực hiện đại làm mình choáng ngợp. Bây giờ mới thấy một số nhà thơ nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Trần Dần hóa ra đã từng viết văn xuôi, lại viết rất hay, thậm chí còn hay hơn cả thơ họ. Mình đọc truyện trinh thám, truyện đường rừng của Thế Lữ đã rất ngạc nhiên trước bút lực và văn phong cực hiện đại của ông, bây giờ đọc văn Trần Dần lại càng choáng. Nói thật văn chương như Trần Dần thì mình phải tu chín kiếp nữa may ra mới có thể theo kịp.
Nhớ Trần Dần
Ảnh: Nam Phương

Mình chưa hề gặp Thế Lữ, Lưu Trọng Lư lần nào. Nhưng Trần Dần thì gặp nhiều lần. Nói chung các nhà văn danh tiếng lớp trước mình gặp được, nhiều người trở thành thân quen, phần nhiều là nhờ Phùng Quán “môi giới”. Riêng Trần Dần, nếu không có Phùng Quán thì mình chẳng bao giờ dám bén mảng đến nhà ông. Chả hiểu sao mình rất sợ Trần Dần, gặp anh lần nào cũng khép nép đi nhẹ nói khẽ. Chưa bao giờ dám đến nhà anh một mình, lần nào cũng anh Phùng Quán đưa đến.

Lần đầu đến, thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào: anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén: uống đi.

Lần sau đến lại thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào: anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén: uống đi.

Lần thứ 6, thứ 7 vẫn thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào: anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén: uống đi.

Nếu đến lần thứ 100 chắc vẫn y xì như vậy.

Anh Phùng Quán nói Trần Dần đã ngồi chỗ đó ba chục năm thế rồi, giật mình nhìn lên bức tường in bóng anh, bốn xung quanh tường úa vàng, riêng có hình anh ngồi dựa tường trắng nhỡn. Bây giờ đất nước đổi mới, không biết thằng Vũ (Họa sĩ Trần Vũ) có nhớ giữ lại cái hình ấy không, hay mải làm sắp đặt, quên, để thợ quét vôi đi rồi, uổng lắm.

Chưa khi nào anh hỏi mình viết gì, viết văn hay làm thơ, lần nào mình cũng ngồi im ngắm anh uống rượu, nghe anh nói chuyện. Anh Quán giới thiệu mình với anh, nói thằng này viết văn giỏi lắm anh. Anh chẳng à ồ gì, chỉ hơi gật đầu, thủng thẳng nói văn chương bây giờ thêm được một cái dấu phẩy cho thiên hạ là tốt rồi.

Chẳng biết mình có thêm được dấu phẩy không, nhưng nghe anh nói mà sợ.

Anh viết văn nắn nót còn hơn người ta viết chữ bằng khen, nét sổ thì đậm, nét đá thì mảnh, trăm chữ như một. Một ngày ròng rã, cật lực mới viết được một trang giấy học trò. Đó là may không viết hỏng chữ nào, chỉ cần hỏng một chữ, anh chép lại cả trang, lại một ngày trời ròng rã, cật lực. Thất kinh. Mình nói anh viết thế này thì đến bao giờ mới xong một cái truyện? Anh thủng thẳng nói: Viết văn chứ có phải đi ăn cướp đâu. Làm cho nhanh làm gì.

Anh Quán nói Trần Dần hiền lắm, vui tính lắm, mày đừng sợ. Mình biết anh hiền nhưng bảo anh vui tính thì khó tin quá. Không mấy khi thấy anh cười, cười to càng không. Thường thì lắm anh chỉ cười bằng mắt.

Từ ngày anh Quán mất mình cũng không đến nhà anh nữa. Chỉ gặp anh đúng hai lần. Một lần ở phố Nguyễn Du. Mình đang đi bộ về Hội Nhà văn thì thấy anh chống gậy đứng ở phố Nguyễn Du lom lom nhìn ra đường, mấy sợi râu rung rung như sợ hãi, như giận dữ. Mình chào anh, anh không ngoảnh lại cũng không trả lời. Tưởng anh không nghe, mình chào lần nữa, anh vẫn không động cựa. Thốt nhiên anh ôm ngực ho, vừa ho vừa chỉ ngón trỏ lên trời, nói tôi muốn nuốt Hà Nội vào lòng, trớ ra đô thành dởm. Té ra anh đang làm thơ, đó là câu thơ cuối cùng mình nghe Trần Dần đọc, về sau không thấy anh đưa vào bài thơ nào. Trần Dần có rất nhiều bài thơ một câu, anh gọi là những bài thơ buột miệng, chẳng hiểu sao trong tuyển tập

Trần Dần không có phần thơ buột miệng này.

Lần thứ hai một buổi chiều cuối năm 1996. Khi đó mình rượu đã say, đang chân nam đá chân chiêu vượt qua đường tàu đi vào hồ Ba Mẫu, bỗng gặp Trần Dần. Anh ngồi bệt trên vệ cỏ bờ hồ không biết từ lúc nào. Giống như nhiều hồ khác ở Hà Nội, hồ Ba Mẫu cũng bị lấn chiếm, đang teo dần na ná một cái ao. Anh ngồi im như một pho tượng gỗ xù xì, mốc meo. Có lẽ anh đau xót trước cái chết được báo trước hồ Ba Mẫu, nơi có quá nhiều kỷ niệm thời trai trẻ của anh.

Mình tới chào, anh đứng vụt dậy, chống gậy đứng lặng lắc phắc nhìn như xé xuống đáy hồ, nói Lập có biết tạo hóa là gì không. Mình không nói, anh cũng không nói, toàn thân anh rung rung cơ chừng như sắp bay đi mất. Rất lâu sau anh mới cất tiếng rung rung, nói tạo hóa là trời cho, phàm trời cho cái gì không lo gìn giữ, bỉ của trời thì có ngày rước lấy họa đó em.

Đó là lần cuối cùng mình gặp anh, năm sau anh lẳng lặng bỏ về trời.

                                                                           Theo Nguyễn Quang Lập - TNTS














Các bài mới
Các bài đã đăng