Văn nghệ trong nước
Nhớ người “đạt tới cõi Niết bàn của nghề báo”
09:29 | 16/09/2011
Triển lãm ảnh và tác phẩm về Việt Nam của một trong những nhà báo lớn nhất thế kỷ XX Wilfred Burchett nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến 4-10. Con trai ông, George Burchett có mặt góp phần làm nên triển lãm.
Nhớ người “đạt tới cõi Niết bàn của nghề báo”
Wilfred Burchett tại miền Nam Việt Nam khoảng 1963-1964. Nguồn ảnh: theage.com.au.

G.Burchett cũng cung cấp ảnh và nhiều tư liệu cho cuốn sách Việt Nam và Hồ Chí Minh qua cảm nhận của nhà báo Wilfred Burchett (NXB Thế Giới- 2011).

Wilfred Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tại chiến khu Việt Bắc, tháng 3-1954, trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn 1 năm sau cuộc gặp gỡ ấy, George Burchett chào đời tại Hà Nội. Cũng năm đó, Wilfred Burchett xuất bản Phía Bắc vĩ tuyến 17- cuốn sách đầu tiên của ông về Việt Nam và cũng là cuốn sách tiếng Anh đầu tiên về miền Bắc Việt Nam sau khi giành lại độc lập từ người Pháp.

“Những bức ảnh của phần đầu triển lãm này có liên hệ đến cuốn sách ấy, đều là ở thời kỳ 1954-1956,” George cho hay. “Mới năm ngoái tôi mới phát hiện ra những âm bản gốc của cha tôi ở thời kỳ đó, và đã xúc động vô cùng. Đột nhiên, hai năm đầu đời của chính tôi bỗng hiện về trên những gương mặt trong những bức ảnh ấy.

Với tôi, đó là một cuộc viễn du khám phá cả về thời gian và không gian. Một cuộc trở về với lịch sử Việt Nam, những năm độc lập đầu tiên của một dân tộc cùng lúc với những bước đi đầu tiên của tôi vào thế giới này...”.

Wilfred Burchett là người phương Tây đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong những năm 1963-64 và viết Câu chuyện từ trong lòng cuộc chiến tranh du kích- từng được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Những hình ảnh ở phần hai của triển lãm thuộc về thời kì này.

Cuốn sách tiếp theo của ông - Bắc Việt Nam xuất bản năm 1966 - cho thế giới biết nước Việt Nam DCCH đang chuẩn bị như thế nào cho kháng chiến chống Mỹ, trong khi bị đe dọa ném bom cho quay về thời kỳ đồ đá.

George Burchett, nay là một họa sĩ kể: “Trong lúc lựa chọn và quét những bức ảnh cho cuộc triển lãm này, tôi đã xúc động sâu sắc trước những gương mặt, thường là rất trẻ, hầu như lúc nào cũng tươi cười, cứ thay nhau hiện lên trên ảnh. Họ nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử vẫn sống, và chúng ta không thể tảng lờ quá khứ. Những hình ảnh ấy còn tiết lộ giá trị nhân bản sâu sắc của chính cha tôi, lòng tin của ông vào những con người bình dị”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chúc mừng George Burchett trong lễ khai mạc triển lãm ảnh của cha ông - nhà báo Wilfred Burchett.


Tại buổi khai mạc triển lãm sáng 14-9, George trích những dòng kết trong cuốn tự truyện Bên chiến lũy của cha mình: “Dần từng bước và hầu như hoàn toàn bất ngờ, tôi đã đạt tới một chốn Niết bàn của nghề báo, thoát khỏi mọi thứ trung thành khuôn sáo với mọi chính phủ, đảng phái, hoặc bất cứ một thứ tổ chức nào. Lòng trung thành của tôi là chính những xác tín của tôi, và độc giả của tôi.

Nhận về mình trách nhiệm lớn lao của nhà báo phương Tây duy nhất luôn đưa tin từ “phía bên kia”, Burchett tự coi mình là công dân thế giới.

Điều này đòi hỏi phải thoát khỏi mọi nguyên tắc, để chỉ kiên trì một nguyên tắc duy nhất là tìm ra sự thật về các vấn đề trọng đại và chuyển chúng cho những ai có khả năng hành động cao nhất khi họ có được những thông tin ấy, thường đồng nghĩa với những hy sinh lớn lao”.

“Quan sát và lắng nghe trong suốt 40 năm viết báo từ những điểm nóng bỏng nhất của thế giới, tôi đã ngày càng ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm của mình đối với độc giả. Tất cả phải bắt đầu từ một lòng tin lớn lao vào những con người bình thường và cách ứng xử nghiêm túc lành mạnh của họ khi họ có được những sự thật chân chính của thời cuộc...”.

Wilfred Burchett (1911-1983) sinh tại Melbourne, Úc, là con của một mục sư. Cuộc đại suy thoái những năm 1930 khiến ông phải bỏ học và lang bạt khắp nước Úc để kiếm sống. Ông bắt đầu sự nghiệp với những lá thư viết từ nước Đức báo động thảm cảnh dưới thời Quốc xã.

Là phóng viên của nhật báo London Express, ông đã có mặt ở Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ... để viết về Thế chiến II. Ông là phóng viên phương Tây đầu tiên đến Hiroshima, 3 tuần sau trận bom nguyên tử và có bài viết Thảm họa nguyên tử- lời báo động đến toàn thế giới ra ngày 6-9-1945.

Năm 1954, trên đường đến Geneve để đưa tin về hội nghị kết thúc chiến tranh Triều Tiên, ông quyết định đến thăm Hồ Chủ tịch để tìm hiểu tình hình Đông Dương. Từ đó, ông bắt đầu một thời kỳ dài sát cánh cùng Việt Nam- qua kháng chiến chống Mỹ đến chiến tranh biên giới phía Bắc.
Sau này, ông khẳng định, viết về Việt Nam là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình, còn người gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là Hồ Chí Minh.


Trích thư gửi các con đề ngày 3-1-1964 của Wilfred Burchett:

Cha phải đi bộ rất nhiều trong rừng núi- ở đây không có xe hơi. Đi đâu cha cũng đi bộ thôi, và rất lâu mới đến nơi. Lâu lắm cha mới đến được nơi cha đang ở hiện nay, và cũng sẽ rất lâu cha mới thăm thú được những nơi cha phải đến. Nhưng vì hồi nhỏ cha đi bộ nhiều, và hồi còn trẻ cha đã làm việc vất vả, nên hai chân cha rất khỏe. Cha có thể đi bộ nhiều tiếng mỗi ngày trong nhiều ngày liền mà không mệt. Các con thấy không, khi còn trẻ mà làm việc nhiều thì tốt như vậy đấy.

Cha rất tự hào là người bạn ngoại quốc đầu tiên đến thăm các bạn đang chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của họ, quê hương và gia đình của họ ở miền Nam Việt Nam. Đây là một công việc vinh quang. Khi lớn lên, các con cũng sẽ thấy tự hào về việc này. Nhưng để tự hào về cha, các con cũng phải dũng cảm và kiên nhẫn, đừng có lúc nào cũng nhắc cha phải nhanh về nhà nhé.

Tất nhiên cha vẫn rất vui khi biết các con đang vòi cha phải về. Vì như thế cha mới càng biết rằng các con rất yêu cha, cũng như cha vẫn yêu các con vậy…



                                                                                                   Theo N.M.Hà - TPO

















Các bài mới
Các bài đã đăng