Văn nghệ trong nước
“Wilfred Burchett và Việt Nam”: Triển lãm thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam – Australia
08:35 | 20/09/2011
Với một không gian đẹp, sang trọng, 100 tác phẩm nhiếp ảnh sinh động, cùng hai bộ phim tư liệu do Wilfred Burchett quay có tiêu đề "Bắc Việt Nam - Cuộc sống dưới bom đạn” và "Trong bưng biền Việt Cộng” đã được giới thiệu và trình chiếu trong triển lãm ảnh "Wilfred Burchett và Việt Nam” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ 14-9 đến 4-10, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo lừng danh thế giới Wilfred Buzchett.
“Wilfred Burchett và Việt Nam”: Triển lãm thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam – Australia
Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1964
Những tác phẩm nhiếp ảnh, hai bộ phim vô giá này của nhà báo chiến trường Wilfred Burchett đã thể hiện thái độ cũng như tình cảm của ông về cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và Mỹ của Việt Nam.

100 bức ảnh trưng bày tại triển lãm được bố cục thành ba phần: Phần 1: "Phía Bắc Vĩ tuyến 17” tập hợp những bức ảnh về chiến khu Việt Bắc, về Điện Biên Phủ, về cuộc sống thường nhật và hoạt động lao động sản xuất của người dân miền Bắc giai đoạn 1954-1956; Phần 2: "Chiến tranh du kích” là câu chuyện từ trong lòng chiến khu bao gồm những bức ảnh được chụp trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam những năm 1963-1964, đặc tả quá trình sống và chiến đấu của quân và dân miền Nam Việt Nam. Phần 3: "Bắc Việt Nam” tổng hợp những bức ảnh diễn tả toàn cảnh miền Bắc Việt Nam năm 1966.

Tác phẩm "Tập văn nghệ” của Wilfred Burchett


Gắn bó với Việt Nam, Wilfred Burchett và vợ đã đến và ở Hà Nội nhiều năm. Ngày 17-5-1955, tại Hà Nội, vợ nhà báo George Burchett đã sinh ra một cậu con trai. Đó chính là họa sĩ George Burchett. Đã từng vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì Hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”, lại chuẩn bị chu đáo cho các tác phẩm nhiếp ảnh của cha mình, họa sĩ George Burchett tâm sự: "Tôi rất vui mừng và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh – người bạn thân thiết của cha tôi. Hôm nay, tại Bảo tàng mang tên Người, gia đình chúng tôi hân hạnh được triển lãm những di sản cha tôi để lại về con người, đất nước Việt Nam”. Kể về xúc cảm chuẩn bị những bức ảnh trước khi đem in cho triển lãm, họa sĩ George Burchett nói: "Trong lúc lựa chọn và quét kĩ thuật số những bức ảnh cho cuộc triển lãm này, tôi đã xúc động sâu sắc trước những gương mặt, thường là rất trẻ, hầu như lúc nào cũng tươi cười, cứ thay nhau hiện lên trên màn hình máy tính, tôi mong các bạn ngắm kĩ những con người ấy, bởi họ mang trong mình những giá trị nhân bản chung nhất gắn kết tất cả chúng ta, họ nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử vẫn sống và chúng ta không thể quên quá khứ”.

Các bức ảnh trưng bày tại triển lãm là những nét tả thực hết sức sinh động về đất nước và con người Việt Nam trong những khoảnh khắc yên bình và khói lửa. Các bức ảnh cũng ghi lại tình bằng hữu lớn giữa cố nhà báo Wilfred Burchett với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ... Họa sĩ George Burchett tin tưởng rằng những bức ảnh này đã và sẽ có sức lan tỏa đối với tâm thức của nhân dân trên toàn thế giới.

Wilfred Burchett là nhà báo nổi tiếng thế giới trong thế kỷ 20. Ông là phóng viên của nhật báo London Express. Ông từng kinh qua nhiều chiến trường khắp châu Âu, châu Á. Những điểm nóng của thế giới như chiến tranh thế giới lần thứ hai ở nước Đức; ông có mặt ở Hirsoshima một tháng sau trận bom nguyên tử; Sự ra đời của nước Trung Hoa năm 1949, và các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh Triều Tiên những năm 1951-1953... Tháng 3-1954, trên đường đến Geneve để đưa tin về hội nghị kết thúc chiến tranh Triều Tiên, ông quyết định đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc ở tỉnh Thái Nguyên để lấy tin về tình hình Đông Dương. Burchett mô tả sự bất ngờ khi chỉ vài giờ sau khi ông có mặt ở Thái Nguyên là đã được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước cuộc gặp gỡ với Bác Hồ trên chiến khu, có lẽ với Burchett, Việt Nam chỉ như tất cả những điểm nóng khác trên thế giới mà ông cần đặt chân đến theo tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của một phóng viên chiến trường. Nhưng sau cuộc gặp gỡ ấy, Việt Nam còn là điểm đến của trái tim ông, nơi ông tự nguyện gắn bó như một người đồng chí. Sau này, ông còn đề nghị Hồ Chủ tịch tạo điều kiện vào miền Nam và được chấp thuận. Và tất cả "cơ duyên” ấy đã đọng lại trong những tác phẩm "để đời” của một nhà báo lừng danh. Ngoài ra, ông còn là tác giả của 8 cuốn sách viết về Việt Nam. Những cuốn sách, bài báo, thước phim về Việt Nam của ông được phổ biến trên toàn cầu; góp phần quan trọng tập hợp dư luận thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Đến dự khai trương triển lãm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ: "Chúng tôi mãi mãi nhớ anh Wilfred Burchett, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, anh đã dành nhiều thời gian và công sức, góp một phần rất xứng đáng, để cho nhân dân thế giới hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam mãi biết ơn anh”.

Theo Minh Kha – ĐĐK











Các bài mới
Các bài đã đăng