Văn nghệ trong nước
"Đối thoại" giữa nghệ thuật đương đại với văn hóa Mường
14:14 | 28/09/2011
Vào ngày 30/9/2011, trong khuôn khổ Festival văn hóa truyền thống của người Mường nhân kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, Bảo tàng không gian văn hóa Mường (tổ 12, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) sẽ khai mạc triển lãm Đất Mường.
Tác phẩm của Nguyễn Tuấn Khôi
Đây không chỉ là một cuộc “đối thoại” giữa các nghệ sĩ đương đại với truyền thống văn hóa Mường mà còn là “phát pháo đầu” cho việc hình thành Trung tâm Sáng tác nghệ thuật Mường Studio dành cho các hoạt động của các nghệ sĩ lưu trú trong tương lai tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình).

Tự nguyện “chọc sàn, ngủ thăm” làm nghệ thuật 

Cách đây hơn 10 ngày, chính xác là từ ngày 15 đến 25/9, 14 nhà điêu khắc, 12 họa sĩ và 1 nghệ sĩ âm thanh cùng 3 nghệ sĩ khách mời đã cùng nhau “chọc sàn” Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ người gốc Nam Định - Vũ Đức Hiếu - nhưng không phải chỉ để “ngủ thăm” mà là để cùng nhau “cọ xát, tái sinh và cộng hưởng” với văn hóa Mường bằng nghệ thuật đương đại. 

Lứa tuổi mon men tới cao niên có họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn, Lý Trực Sơn, Hà Trí Hiếu, nhà điêu khắc Đào Châu Hải, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng (điều hành, tổ chức, bình luận). Trẻ hơn có Trịnh Tuân, nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ, họa sĩ Vương Văn Thạo, họa sĩ Trần Việt Phú... những khách mời danh dự như họa sĩ Nguyễn Minh Thành gửi tranh từ Đà Lạt ra. Họa sĩ Vũ Thăng gửi tranh từ Sapa xuống....

Tất cả các nghệ sĩ kể trên đều tự nguyện, tự cung, tự cấp, tự túc và tự hỗ trợ nhau (nếu cần) về mọi mặt để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, góp phần làm cho “không khí văn hóa Mường truyền thống” thêm đậm đặc, phong phú. Cái được sau 10 ngày “trăng mật” trong không gian văn hóa Mường của các nghệ sĩ, ngoài những tác phẩm còn là những trải nghiệm hết sức thú vị qua những cuộc giao lưu, tiếp xúc và cộng hưởng với văn hóa Mường, với người dân địa phương nơi các nghệ sĩ đã đến lưu trú để sáng tác. 

Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Nói người Mường có một nền nghệ thuật truyền thống thì chưa đúng, nhưng đời sống văn hóa có tính nghệ thuật lại rất phong phú. Khi đến vùng núi rừng này, tiếp xúc với những tập tục văn hóa, tín ngưỡng, các nghệ sĩ cũng học hỏi được rất nhiều qua đời sống tinh thần nơi mà họ đến lưu trú. Ngược lại những nghệ sĩ như chúng tôi cũng rất muốn đem những sáng tác mới đến những vùng rừng núi, nơi mà chúng tôi xét thấy có không gian phù hợp để mỗi người dân nơi đó và du khách thập phương khi đến với không gian văn hóa Mường vừa thấy được phần hiện đại, vừa thấy được phần truyền thống...”. 

Ngôi nhà chung của hiện tại và quá khứ 

10 ngày không phải là nhiều, nhưng cũng không phải ngắn, có thể nó vừa đủ cho những ý tưởng của các nghệ sĩ thăng hoa. Không nhiều nhưng những tác phẩm của các nghệ sĩ đang được trưng bày tại đây đã thể hiện được suy nghĩ của họ về khoảng cách trong đời sống và văn hóa giữa hiện tại và quá khứ. Đó là “hóa thạch nhà sàn” của Vương Văn Thạo, người đã gây được tiếng vang trong đời sống mỹ thuật, điêu khắc bằng dự án dài hơi Hóa thạch sống. Anh quyết định mượn lại cách làm hóa thạch để đưa ra trăn trở của mình về một thực trạng là càng ngày càng có nhiều ngôi nhà sàn cổ của người Mường đang bị phá dỡ đi, thay vào đó là nhà bê tông, cốt thép, mái ngói, mái tôn mọc lên đâu đó đã đỏ cả một góc rừng.

Đó là một cọn nước của điêu khắc gia Đào Châu Hải mang tên Nước - thời gian trôi đi thể hiện một câu chuyện tương tác giữa con người với môi trường và văn hóa hiện tại đang ngày một thay đổi. Cọn nước này, khi có nước nó vẫn có thể quay, nhưng khi hết nước nó sẽ dừng lại. Câu hỏi mà ngôn ngữ nghệ thuật muốn đặt ra ở đây như gợi lên một câu hỏi: Sự dừng lại của cọn nước kia phải chăng khi không còn nước, phải chăng qua thời gian, con người đã ứng xử với môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt nhưng vẫn như không hay biết? Và còn nhiều tác phẩm nữa thể hiện sự mất đi nhiều sắc thái độc đáo của dân tộc vùng miền, cần phải có phương cách cụ thể và tích cực hơn trong việc giữ lại những giá trị truyền thống đó trong đời sống đương đại? 

Nhưng, giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống bằng việc “nhúng” nó, hay nói đúng hơn là đặt những tác phẩm đương đại bên cạnh văn hóa truyền thống liệu có tạo nên một “chất keo” gắn kết giữa hai loại hình văn hóa đó với nhau? 

Trong không gian của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, cuộc “hôn phối” giữa văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại có thể sẽ sinh ra được những xu hướng mới, những trải nghiệm mới. Bởi lẽ, các tác phẩm này không phải đặt giữa một bản làng mà được trưng bày trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Nó có thể giới hạn về diện tích nhưng hẳn chức năng và công năng của nó không chỉ lưu giữ hiện vật, mà còn cần chứa đựng những xu hướng, những yếu tố của văn hóa đương đại. Nó tạo cho mỗi người đến với bảo tàng này những cảm nghiệm về một không gian khác ngoài không gian nhà ở, không gian bản, làng, quê quán của họ, vừa thân quen với những gì thuộc về truyền thống, vừa có cảm giác lạ lẫm, thú vị với những cái hiện tại và tương lai qua ngôn ngữ nghệ thuật của mỗi tác giả thể hiện trong mỗi tác phẩm.

Theo Phạm Nguyễn - TT&VH





















Các bài mới
Các bài đã đăng
Chèo Khuốc (28/09/2011)