Văn nghệ trong nước
Vĩnh biệt nhà thơ Chim Trắng
14:51 | 29/09/2011
Sau một thời gian lâm bệnh, nhà thơ Chim Trắng mất tại nhà riêng lúc 19g ngày 28-9. Lễ viếng bắt đầu từ ngày 29-9 tại nhà riêng (Biệt thự D 18/17 P. Thuận Giao, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Vĩnh biệt nhà thơ Chim Trắng
Nhà thơ Chim Trắng - Ảnh: tư liệu

Lễ động quan lúc 10 giờ ngày 1-10-2011, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương.

Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba (theo họ mẹ) sinh năm 1938, quê Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm 1955, bút danh Chim Trắng cũng ra đời trong giai đoạn này. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam giữ hai lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Đầu năm 1961ông trốn ra khỏi nhà tù ở Sài Gòn, vào chiến khu, làm công tác thanh niên, làm báo, viết báo, làm thơ…

Các tác phẩm thơ của Chim Trắng đã xuất bản: Có đâu như ở miền Nam (in chung với Lê Anh Xuân, Viễn Phương, NXB Thanh Niên, 1968); Tên em rực rỡ vô cùng (NXB Văn nghệ giải phóng Hà Nội, 1971); Đồng bằng tình yêu (Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, 1973); Một góc quê hương (NXB Văn nghệ giải phóng Hà Nội, 1974); Những ngả đường (NXB Văn nghệ, 1980); Dấu vết nhỏ nhoi (NXB Văn nghệ, 1984); Khi tình yêu lên tiếng (NXB Mũi Cà Mau, 1987); Có một mùa thu trong (NXB Văn nghệ, 1990); Thơ Chim Trắng - Cỏ gai (NXB Trẻ, 1998); Hát lời cỏ hát (NXB Hội Nhà Văn, 1999); Nhân có chim sẽ về (NXB Trẻ, 2006); Cỏ khóc dưới chân tôi (NXB Hội Nhà văn 2008)…

Nhà thơ Chim Trắng nguyên là Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ TP.HCM từ năm 1995- 2006. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 cho tập thơ Những ngã đường.


Nói về nhà thơ Chim Trắng, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương nhận xét "Quả đúng như vậy, dù là sáng tác trong giai đoạn nào, thơ Chim Trắng vẫn luôn luôn ấm áp một tình yêu đối với con người, đối với quê hương đất nước. Thơ anh chưa bao giờ cao giọng, càng không hề có chất ồn ào. Nhà thơ tự nhủ:: “Ngày nào còn làm thơ, chắc tôi cũng chỉ nói về tình yêu ấy với giọng điệu ấy” (báo SGGPsố 30-4-98).

Một số bài thơ của nhà thơ Chim Trắng

Nhân có chim sẻ về

Chim Sẻ ồn ào trước sân nhà
Luân vũ bày tỏ đói và khát
Vốc một nắm gạo...!
Trắng sân...

Chỗ tôi ngồi trắng ngần bạch hồ điệp
Dịu dàng hương đâu rồi?
Một đóa nở há miệng chờ đợi
Hoa đang khát tình!
Hãy nán đợi
Đêm sẽ về sương rót cho hoa!

Em chính là đóa bạch hồ điệp kia thôi
Bung nở hết mình - khát vọng!
Tôi chẳng là giọt sương, chỉ là hạt gạo
Nhân có chim sẻ về
Xin bày tỏ trước sân tôi.

*********

Gởi quê mình

Khi nghĩ về quê hương với cha mẹ sanh thành
Tôi như dòng sông bên bồi bên lỡ
Lúc đau đáu nhớ, khi không hề nhớ
Như một kẻ ra đi quên mất đường về.


Bông so đũa và gió chướng
Mẹ khóc một đời rau răm
Đó là lúc tôi biết mình không lạc lối
Lòng bồi thêm nỗi nhớ âm thầm


Giấy đã vàng khô, tím đã phai màu tím lợt
Tôi vẫn tôi đây của thuở nào
Ai bỏ ai đi ai còn giữ lại
Biển rồi, tận đáy biển nông sâu


Gió chướng cho lòng bịn rịn
Không chỉ riêng em không chỉ mẹ cha mình
Máu cứ đỏ như chưa bao giờ đỏ vậy
Chưa bao giờ tôi sạt lỡ một tình yêu


Gió chướng là gì ghê gớm vậy
Cho tôi khóc cười thương nhớ một bờ kinh.

***************

Hương cau quê ngoại

Mẹ lấy chồng xa
Lâu lâu mới dẫn con về quê ngoại
Trưa bước vào nhà
Đã thấy đầy sân hoa trắng rụng
Hương cau thoang thoảng
Thơm như là tuổi thơ.


Cau già, ngoại sấy
Cau dầy ngoại ăn
Hỏi cau trồng được bao năm
Ngoại bảo cau có từ lâu lắm
Từ thời có giặc Lang - sa
Từ ngày ngoại mới về nhà này, làm dâu
Thương ngoại nên thương luôn hàng cau
Thương cả dây trầu ngoại tưới. Ngoại vun
Thương con nước lớn đầy sông
Trở hoa cau trắng xuôi dòng. Về đâu?
Thương sao câu hát ngọt ngào
Giữa mưa bỏm bẻm nhai trầu ngoại ru.


Bây giờ ngoại không còn nữa
Nhưng hãy còn đây hàng cau trước cửa
Dẫu những đêm pháo chiếc pháo bầy
Làm gãy đi vài cây cau ngoại trồng ngày đó,
Dẫu những ngày chất độc bom cay
Đã ngắt đi những buồng cau còn non trái
Những đứa con trai con gái
(Cũng là con cháu ngoại thôi)
Đã tưới máu tươi cho cau đứng mãi trên đời.
Để ngày ngày
Có những trái cau tầm vung cho cháu con ngoại bửa.
Có những mo cau rơi
Cho chúng con nhồi cơm ra trận
Có nơi cho con chim làm tổ để
Và câu hò thơm hương cau bay.

*************

Ở đất Phương Nam

Tặng Mỹ Hà, Nguyễn Trọng Nghĩa

Rượu sủi tăm
Ở Đất Phương Nam tôi bắt đầu buồn
Bắt đầu nối sợi dây buồn không nơi chôn cất
vào một chốn không góc rễ không nguồn cội nào.
Mộng du từ Trịnh Hoài Đức đến Lê Lợi vào ngồi một góc cũ Mai Hương (*)
Em đối diện tôi, cười tím áo.
Khoanh khói thuốc thành một vòng trắng
số không trước cái vòng trắng của
Duật (**) từ lâu lắm.
Nhẹ nắm bàn tay năm ngón thon dài
nắm phải đóa hồng nhung mọc từ chiếc lọ thuỷ tinh
Tôi chảy máu!


Bây giờ con đường Lê Lợi không còn Kem-Cà phê nào mang tên Mai Hương.
Bạch Đằng kem bây giờ không có ai tên Nhài ngồi đợi.
Năm mươi năm khô khóc nói cho mềm là nửa thế kỷ.
Bom và mìn lửa và khói – máu và nước mắt trung thành và phản trắc nói cho cùng là những vết thương. Đợi sao nổi!
Nhưng có một chàng trai –già chợt nhìn rượu sủi tăm bắt đầu mộng du, mơ màng chút hương nếp Bắc, đến Mai Hương gọi một ly đen-nóng.
Ông hâm lại mối tình đầu không nơi nương tựa của mình.
Mỉm cười với mình.

(*) Mai Hương: Thập niên 50-60 đây là quán kem, cafe ở đường Lê Lợi - bây giờ lấy tên là Kem-Cafe Bạch Đằng.

(**) Bài thơ Vòng trắng của Phạm Tấn Duật trong kháng chiến chống Mỹ
.

(Nguồn thivien.net)


                                                                                                            Theo T.N.T - TTO










 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chèo Khuốc (28/09/2011)