Văn nghệ trong nước
“Hội nghị Diên Hồng” về điện ảnh
14:55 | 30/09/2011
Không ít tờ báo đã dùng từ "thảm họa” để nói về điện ảnh Việt Nam sau mấy bộ phim truyền hình kém chất lượng, cũng như sự việc thất thoát mấy chục tỷ đồng ở Cục Điện ảnh gần đây.
“Hội nghị Diên Hồng” về điện ảnh
Hình ảnh tại hội nghị về điện ảnh
Thực chất hai sự việc này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại đến "sinh mệnh” điện ảnh nước nhà mà có lẽ chỉ là những giọt nước làm tràn ly. Phải làm gì để điện ảnh Việt Nam sống? Nhằm tìm lời giải, Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh Việt Nam đã mời một số nghệ sĩ, nguyên lãnh đạo ngành điện ảnh đến dự một hội nghị tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô ngày 25-9.

Có mặt tại hội nghị ngày 25-9, có ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, TS Ngô Phương Lan - Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh vừa được bổ nhiệm, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng nhiều NSND, cán bộ lãnh đạo cũ của ngành điện ảnh...Trong hầu hết các ý kiến chủ yếu là phê bình và lên án. Hết lên án cơ chế, lại quay sang lên án nghệ sĩ bất tài, thậm chí có phần dung tục như ý kiến phát biểu của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Đây có lẽ là sự kìm nén của nhà biên kịch với "cơ chế” điện ảnh đã khá lâu, từ ngày bà còn chưa xin về hưu non, đang giữ cương vị Xưởng trưởng Xưởng sản xuất 2 của Hãng phim truyện Việt Nam. Bà Nhã cho biết: Làm dự toán kinh phí để xin Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim Quốc gia làm phim thì bao giờ cũng chỉ được duyệt 70% kinh phí trên dự toán. Thế đã "khổ” cho những người làm phim nhưng chưa hết, còn phải trích lại 30% kinh phí để Hãng có tiền trả lương cho cán bộ khác. Vậy thì với số tiền quá eo hẹp như thế, chất lượng phim cũng chỉ đạt gần 40% theo tiêu chí nghệ thuật ban đầu đặt ra mà thôi. Cùng chung ý kiến kêu gọi Nhà nước tiếp tục đầu tư lớn cho ngành điện ảnh là ý kiến của NSƯT, đạo diễn Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho rằng cần tiếp tục cơ chế bao cấp của nhà nước với điện ảnh và ông cũng mạnh dạn đề xuất nâng mức đầu tư cho ngành điện ảnh từ 25 tỷ đồng hiện nay lên 50 tỷ.

Sự thật trớ trêu về đầu tư nhỏ giọt vào ngành điện ảnh nhiều người biết, nhưng tại sao nó vẫn tồn tại dai dẳng như vậy?, Đạo diễn Phạm Lộc nói: "Thực trạng của điện ảnh Việt Nam không phải bây giờ mới xảy ra như vậy, mà nó diễn ra âm thầm hàng chục năm nay. Sở dĩ điện ảnh lâu nay vẫn êm đềm bởi tính dĩ hòa vi quý ăn sâu vào nếp sống của từng nghệ sĩ. Ai cũng ngại va chạm, ai cũng sợ mất quyền lợi được làm phim, được khẳng định một chức danh hay một giải thưởng nào đó”. Phải chăng việc không được đầu tư kinh phí, ngại va chạm của nghệ sĩ đã khiến điện ảnh "xuống dốc”? NSND Lê Phương không cho là như vậy khi ông khẳng định: "Bệnh của chúng ta là bệnh bất tài. Có cho 1 tỷ USD cũng không thể làm được phim hay. Vì làm gì có ai có tài mà đòi làm phim?”...

Một số NSND lão làng khác như NSND Nguyễn Khắc Lợi (đạo diễn phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông) phản ứng với các vị lãnh đạo ngành điện ảnh, Bộ VHTTDL khi coi họ như những "phế phẩm” không hỏi han ý kiến, hay như ý kiến của NSND Bùi Đình Hạc (đạo diễn phim Hồ Chí Minh chân dung một con người) – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh: Bộ VHTTDL nên thành lập Hội đồng tư vấn cho lãnh đạo để chấn hưng ngành điện ảnh...

Trước các ý kiến góp ý thẳng thắn và sôi nổi, các vị chủ tọa hội nghị đã lắng nghe và hứa sẽ truyền đạt thông tin tới các vị lãnh đạo cấp trên có trách nhiệm. TS. Ngô Phương Lan hứa sẽ cố gắng thực hiện tốt công việc để cải thiện tình hình của ngành. Còn vấn đề Điện ảnh Việt Nam hiện tại đang thiếu Tiền, thiếu Tài, thiếu Tâm hay thiếu Tầm? cũng như các giải pháp trả lời câu hỏi: Làm gì để điện ảnh Việt Nam sống? Chúng tôi sẽ trở lại ở những bài khác.

Theo Mạnh Thắng – ĐĐK












Các bài mới
Các bài đã đăng