Văn nghệ trong nước
Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam: Một cách làm để bảo vệ văn hóa
14:58 | 30/09/2011
Trang phục là một trong những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa trang phục, việc Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), thuộc Bộ VHTTDL lần đầu tiên phối hợp với Uỷ ban Dân tộc tổ chức cuộc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ ngày 28 đến 30-11-2011 - một hoạt động hết sức ý nghĩa.
Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam: Một cách làm để bảo vệ văn hóa
Trang phục là một trong những nét văn hóa tiêu biểu

Để chuẩn bị cho hoạt động ý nghĩa này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã phê duyệt đề án "Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất”. Đề án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tôn vinh, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của trang phục cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện tại, từ tháng 8 đến hết tháng 9-2011, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức trình diễn trang phục dân tộc để chọn ra những thí sinh xuất sắc tham gia dự thi trình diễn vào tháng 11 tới. Theo dự kiến sẽ có 250 đến 300 thí sinh của 54 dân tộc sẽ tham gia trình diễn trang phục.

Trang phục trình diễn phải là của dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày, đám cưới, lễ hội truyền thống, đi kèm đồ trang sức (như vòng cổ, vòng chân, tay, hoa tai...) theo đúng truyền thống, không được cách tân, lai tạp. Ngoài khả năng trình diễn, các thí sinh phải thể hiện được khả năng ứng xử cũng như sự hiểu biết về văn hóa dân tộc mình. Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cho biết: Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhằm khơi dậy sức sống nội tại và chiều sâu văn hóa của mỗi dân tộc, vốn đang có nguy cơ mai một. Bởi lẽ, trang phục truyền thống chính là dấu hiệu đầu tiên và nhanh nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, giữ được trang phục truyền thống chính giữ được hồn cốt, bản sắc của cả một tộc người.

Cũng theo ông Chu Tuấn Thanh: Việc trình diễn trang phục lần đầu tiên này có thể nhiều người cho là hình thức và chưa giải quyết được hết nguy cơ mai một văn hóa trang phục dân tộc nhưng là hành động tuyên truyền rất cần thiết. Hiện nay, trang phục của một số dân tộc đã bị mai một nhiều do điều kiện sống khó khăn, dân số còn quá ít (trên, dưới 1.000 người) như người Mạ, Rục, Cống, Pà Thẻn, Sila... Do vậy, trang phục của họ rất dễ bị "đồng hoá” với các dân tộc mà họ đang chung sống. Vì thế, yêu cầu của cuộc trình diễn này là người dân tộc nào phải mặc đúng trang phục truyền thống của dân tộc đó. Nếu không còn trang phục truyền thống thì họ phải tham khảo, tìm hiểu ở các bảo tàng tỉnh hoặc Bảo tàng Việt Bắc, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để may bộ mới theo đúng hoa văn và kiểu cách của dân tộc mình. Cuộc trình diễn này mang tính chất tổng kiểm kê về trang phục truyền thống. Phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục đều là bản sắc văn hoá.

Ban tổ chức cho biết: Với cơ sở vật chất sẵn có tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, dự kiến 2-3 năm sẽ tổ chức một lần trình diễn trang phục dân tộc. Tất nhiên là yêu cầu của các lần sau sẽ ngày một cao hơn, ví như: Các bộ trang phục mang ra trình diễn phải được chính những người dân tộc ấy tự làm từ khâu đầu cho tới khâu cuối theo đúng cách làm thủ công truyền thống...

Trong lần trình diễn lần thứ nhất vào tháng 11 này, Ban tổ chức sẽ lập hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Dân tộc học và một số cơ quan liên quan để kiểm tra toàn bộ các trang phục gốc trước khi trình diễn ở cấp quốc gia.

Theo Nguyễn Long – ĐĐK











Các bài mới
Các bài đã đăng