Văn nghệ trong nước
Ghi chép - Văn hóa tập tục: Cái guồng nước
08:33 | 03/10/2011
Cối xay gió là một hình ảnh tiêu biểu của thời Trung cổ phương Tây. Dù thô sơ nhưng nó cũng là một bước phát triển về kỹ thuật của nhân loại tận dụng năng lượng gió. Người ta cho rằng cái cối xay gió có thể ra đời vào khoảng thế kỷ 11 - 12, hoặc sớm hơn và đi kèm theo chúng là những cải tiến về cối xay, bánh xe, ròng rọc và các kỹ thuật truyền chuyển động bằng lực quay tròn. 
Ghi chép - Văn hóa tập tục: Cái guồng nước
Hệ thống guồng nước ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa - Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Song thực ra bánh xe gió đầu tiên được phát minh bởi kỹ sư Hy Lạp cổ Heron ở Alexandria vào thế kỷ 1 trước CN. Từ thế kỷ 4 sau CN, người Trung Hoa và Tây Tạng đã dùng những bánh xe tự quay (bằng sức gió) gọi là "luân xa" để cầu kinh. Người Trung Hoa cũng có nhiều phát minh về tận dụng sức nước để quay bánh xe, đó là các loại cối xay nước, guồng nước, như: Ban xa - guồng quay tay, Thủy triển - cối xay nước, Thủy đối - cối giã gạo nước… những cái này được thấy trong các cuốn sách từ thời Minh, thế kỷ 15, như Thiên công khai vật và Tam tài đồ hội.

Từ cuối thế kỷ 12, cối xay gió phổ biến ở miền Bắc nước Pháp, miền Tây nước Anh và vùng Flanders (bao gồm Bỉ và Hà Lan). Người ta cho rằng cối xay gió cổ nhất châu Âu có niên đại 1185 ở Weeley vùng Yorkshire nước Anh. 

2. Rất có thể người Việt (Kinh) đã từng dùng các loại guồng nước, nhưng cho đến thế kỷ 19 -  20, guồng nước chỉ xuất hiện ở các vùng miền núi, trong đó chủ yếu người Thái và người Mường sử dụng. Ở đồng bằng không có những suối nguồn liên tục, việc dùng guồng nước không thích hợp, mặc dù phải tát nước bằng gầu dai và gầu sòng vất vả hơn nhiều. Còn cối xay gió thì dường như không xuất hiện ở Việt Nam. Mặc dù bánh xe bằng đất, bằng các loại hạt cây và chong chóng giấy quay bằng gió được trẻ con làm đồ chơi từ rất xa xưa, nhưng người lớn đã không nghiên cứu chúng và ứng dụng. 

Người Thái và người Mường khi ở đâu việc đầu tiên là chọn những địa thế có thung lũng rộng, xung quanh là núi tiện cho việc canh tác lớn, và dẫn nước từ núi về bản và từ suối vào ruộng. Những cánh đồng đó chính gọi là "mường". Ở vùng Hòa Bình có bốn mường lớn là Mường Bi (huyện Tân Lạc), Mường Vang (huyện Lạc Sơn), Mường Thàng (huyện Cao Phong) và Mường Động (huyện Kim Bôi) - (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động). Ở Tây Bắc cũng có bốn Mường lớn là Mường Thanh (Điện Biên Phủ), Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn), Mường Than (huyện Than Uyên, Nghĩa Lộ) và Mường Tắc (Phù Yên , Sơn La) - (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tắc). Hiện các huyện Tân Lạc, Kim Bôi thuộc Hòa Bình, Bá Thước thuộc Thanh Hóa vẫn còn vài bản làng dùng guồng dẫn nước.

3. Để làm guồng nước thoạt tiên người ta dựng cái trục quay trên một giá đỡ, ngày nay có thể dùng vòng bi lồng vào khớp trục, nhưng xưa kia chỉ có giá đỡ bằng chạc cây và đặt vào đó một nửa khoanh vầu tròn. Trục có thể quay lẹ làng trên đó. 

Người ta dùng tre và vầu kết hai vòng lớn làm đường kính bánh guồng, và những nan hoa nối chéo từ trục sang hai vòng bánh, tức là nan hoa từ điểm trục bên này vắt chéo qua vòng bên kia. Nơi tiếp giáp của các nan hoa bên trong guồng, người ta cài tiếp hai vòng hai bên điểm tiếp giáp để lực giữ guồng được khỏe. Đầu guồng sẽ cài những quạt đan để nước đập vào đó và kề luôn đó là những ống bương múc nước, rồi liên tục chuyền nước vào hệ thống máng. 

Một vài chi tiết khác được gia cố ở trục, điểm kết nan hoa. Tất cả guồng được buộc bằng một loại dây rừng rất bền và dẻo. 

Người Việt và Mường gọi cái này là Guồng nước, người Thái gọi là Cọn nước. Tùy theo dòng chảy và yêu cầu lấy nước, người ta sẽ đặt nhiều hay ít các guồng liên tục, có những bãi guồng có đến vài chục cái lớn nhỏ. Guồng nhỏ thì đường kính 2,5 thước, lớn thì đường kính tới 7 - 8 thước. Cứ ngày đêm không nghỉ, guồng nước là một hình ảnh rất nên thơ của núi rừng miền Tây và Tây Bắc, là biểu hiện của văn minh nông nghiệp của một thời.

Theo Phan Cẩm Thượng - TT&VH
















Các bài mới
Các bài đã đăng