Văn nghệ trong nước
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Người viết trẻ cần sự khiêm nhường
09:00 | 17/10/2011
Kể từ sau "Chỗ ấy sóng…" (NXB Hội Nhà văn 2007), đến đầu tháng 9 vừa qua, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương đã cho ra mắt tập thơ mới "Chân trời sau chân trời" (NXB Văn học 2011). Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông về tác phẩm mới này cũng như chuyện làng thơ hôm nay.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Người viết trẻ cần sự khiêm nhường
Nhà thơ Vũ Quần Phương.

- Thưa nhà thơ, tên tập thơ mới "Chân trời sau chân trời" hẳn cũng gửi gắm những nỗi niềm tâm sự của riêng ông?

- Đây là một câu trích trong bài "Ghi nhanh ở New York". Thành phố New York nhiều nhà cao tầng, không thể nhìn thấy chân trời đâu, chân trời chỉ tồn tại trong ý nghĩ của mình thôi. Mà thấy bằng ý nghĩ thì không chỉ thấy một chân trời "Sau chân trời/Lại chân trời nữa/Nghĩ chân trời/Lại nghĩ chân ta". Đời nhiều chân trời nhưng chân ta thì... viêm cơ, viêm khớp đủ thứ. Liệu đi được đến đâu. Một chút xíu chơi chữ chân trời chân ta, cùng là chân mà là hai khái niệm khác nhau lắm.

- Trong 50 bài thơ của "Chân trời sau chân trời", đa phần là những tác phẩm mới viết trong những năm gần đây, nhưng cũng lại có "Chiếc vòng" viết từ năm 1966?

- Hầu hết là những bài tôi mới viết vài năm gần đây. Bài "Chiếc vòng" viết từ những năm chống Mỹ, mới in báo, đây là lần đầu tiên in trong sách. Lý do: lối viết của "Chiếc vòng" có hơi lạ với giọng thơ tôi lúc đó. Tập thơ này, nhân có nhiều thay đổi, thay đổi cả về suy nghĩ lẫn bút pháp: ngắn hơn, rõ hơn, cả thái độ lẫn vấn đề, thì in một thể.

- Có lẽ không chỉ có riêng ông, thơ ca Việt Nam hôm nay nói chung cũng có những chuyển động mới. Là một nhà phê bình, ông nghĩ gì về điều này?

Tập thơ mới “Chân trời sau chân trời”.

- Có lẽ trong tiến trình văn học Việt Nam chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều thơ như hôm nay. Có nguyên nhân tâm lý, nguyên nhân xã hội, đời sống… Tuy nhiên, đông mà chất lượng không đồng đều. Nhiều tập chưa thể gọi là thơ. Tôi coi đó như là một thú chơi của các bậc cao niên ở các câu lạc bộ. Còn thơ của các bạn trẻ muốn thử sức, muốn thể nghiệm. Rất nhiều màu sắc nhưng sự sâu sắc, sức xúc động không dễ gặp. Theo cái nhìn của tôi, số thơ gọi là đọc được, có khi chưa đến 1% số thơ xuất bản. Đông người làm thơ, vui, mừng nhưng cũng đáng lo vì độc giả phải chọn, phải tìm kiếm trong cả đống bạt ngàn ấy. Chưa chắc họ có đủ kiên nhẫn. Vì vậy mới có hiện tượng "chán thơ".

- Vậy trách nhiệm đặt lên vai các nhà phê bình văn học?

- Đúng là đội ngũ phê bình văn học phải được chấn chỉnh để tránh sự lẫn lộn giữa bài phê bình với lời quảng cáo sách. Khi sách nhiều mà phê bình thiếu vắng, người đọc đương nhiên rất khó khăn khi chọn lựa. Những tờ báo văn nghệ phải là chủ lực cho việc này. Cũng cần một số NXB chuyên xuất bản sách văn học có chất lượng và các nhà xuất bản phổ thông cho phong trào.
 
- Trở lại với sự phong phú của thơ ca hôm nay. Có nhận định cho rằng chất "triết lý" ngày càng nhiều hơn trong các tác phẩm của nhà thơ trẻ. Một sự phản ánh những vấn đề mới trong đời sống đương đại, song đôi khi cũng lại là sự "làm dáng"?

- Chuyện này phải nói cụ thể vào từng tác giả. Còn nói chung thì có điều này: Trong một số trường hợp, tôi hơi ngờ ngợ với một số lời khen của báo chí trong nước hoặc của kiều bào ngoài nước về các nhà thơ trẻ của ta. Không phải lời khen lúc nào cũng có ích với những người làm thơ trẻ. Chả biết khen thật hay xui dại. Tôi nhận thấy, sau những thử nghiệm làm thơ… không ai hiểu được, có nhiều cây bút đã tìm về với sự giản dị và sâu sắc của thơ. Thơ luôn luôn cần xúc cảm. Ngày nay, với sự hiểu biết rộng rãi, người làm thơ trẻ có thể dễ dàng đưa tư tưởng, triết lý vào thơ. Nhưng để chuyển được những triết luận đó vào cảm xúc thơ không dễ. Thơ bao giờ cũng tìm đến với tư tưởng, nhưng đó là tư tưởng chảy trong kênh cảm xúc.

- Đó là người làm thơ, còn với người đọc, ông có lạc quan rằng chúng ta vẫn có một lượng độc giả nhất định thực sự yêu và trân trọng thơ ca?

- Tôi vẫn thấy chúng ta có một lượng độc giả không nhiều nhưng rất đáng phục vụ. Đó là những trí thức, cả trẻ lẫn không còn trẻ. Họ đọc và coi thơ như một nhu cầu nhận thức, cân bằng cuộc sống. Họ đòi hỏi ở thơ sự sâu sắc, độ chín cả về cảm xúc lẫn trí tuệ. Đây là độc giả mà thơ cần vươn tới.

- Là đại biểu Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ II (năm 1971), vừa qua theo dõi Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII (2011), ông có so sánh gì về sự quan tâm của xã hội đối với nhà văn trẻ trước và nay?

- Sự quan tâm trước và nay không thua gì nhau, vẫn là sự ấm áp của thế hệ trước dành cho thế hệ sau, nhưng hồi trước có sự nghiêm khắc hơn. Mỗi thời có những thuận và không thuận khác nhau. Ngày xưa in một tập thơ ra có người quan tâm giới thiệu. Nay, giữa hàng ngàn tập thơ, phải cạnh tranh dù là cạnh tranh lành mạnh. Trước dễ thống nhất tiêu chí. Nay phong phú nhưng cũng phức tạp hơn. Hội nghị văn trẻ kỳ vừa rồi tôi thấy hơi... lành, có thể là do hạn chế về tuổi, rồi quy chế tham dự… Thiết nghĩ, người viết trẻ cần sự khiêm nhường nhưng cũng lại phải dám phản biện.

                                                                                    Theo Thi Thi - HNM













Các bài mới
Các bài đã đăng