“…Đọc báo, xem truyền hình, internet gần đây thấy có nhiều vụ học sinh đánh nhau, cả các em nữ sinh cũng đánh nhau, quay clip rồi tung lên mạng, tôi đau lòng lắm. Ra ngoài đường, xe cộ chạy không ai nhường ai... Tôi thấy văn hóa ứng xử của thanh niên ngày nay có lẽ xuống cấp so với thời của chúng tôi. Không phải nhà tâm lý học hay nghiên cứu về trẻ em, nhưng tôi thương trẻ em, tôi dạy học trẻ em, và nhìn thấy các em tiến bộ, tôi rất sung sướng. Tôi mong chương trình nói chuyện về ứng xử học đường có thể giúp ích cho các em, làm cho các em suy nghĩ, nghe chuyện xưa để nghĩ về chuyện hôm nay” - Gs Trần Văn Khê tâm sự.
Với kiến thức uyên thâm của một học giả, với những trải nghiệm của một người đã sống gần trọn thế kỷ (91 tuổi), tại nhiều quốc gia (67 nước), nhiều nền văn hóa, với kinh nghiệm thực tế của một người cha đã thành công trong việc dạy con từ sớm và với một tấm lòng luôn tràn đầy tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục..., cách nói chuyện của Gs, Ts Trần Văn Khê luôn thu hút và thuyết phục người nghe. Ông không coi các buổi nói chuyện là truyền bá văn hóa hay thuyết trình gì lớn lao, mà đơn giản “tôi muốn đưa thanh niên trở về với cội nguồn dân tộc, để các em có văn hóa trong ứng xử, ăn mặc, hành vi”. Ông rất thích cách tương tác, giao lưu và chia sẻ với học sinh, chứ không chỉ là diễn giả trên sân khấu. Có những buổi nói chuyện với 5.000 học sinh, nhưng tất cả đều im phăng phắc, lắng nghe. Tùy tình huống, đối tượng học sinh ở từng trường, ông có cách bắt nhịp để nói chuyện với các em. Như tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội, Gs Trần Văn Khê bắt đầu với câu chào bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, đến tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italy, tiếng Trung, tiếng Hàn... Từ ấn tượng và sự ngưỡng mộ ban đầu ấy, các em bị dẫn dụ vào những câu chuyện giản dị, gần gũi của một cậu bé bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 10 tuổi cho đến khi trở thành một chuyên gia nghiên cứu âm nhạc được cả thế giới biết tới. Ông cho rằng, nhờ học các kỹ năng sống tự lập từ bé, như tự nấu ăn, giặt quần áo, thêu thùa... đến khi sang Pháp, gặp khó khăn ông không cảm thấy sợ hãi mà tự tin vượt qua. Thủa nhỏ ông cũng học võ, nhưng không phải để... đánh nhau, mà để rèn luyện sức khỏe, để tự vệ và bênh vực những người yếu. Ông thậm chí còn dạy các em học sinh 4 thế võ đơn giản để tự vệ, gồm: khóa, chặt, vặn, xô. Nói về tình trạng bạo lực học đường, Gs Trần Văn Khê cho rằng, lỗi không phải của riêng học sinh mà mọi người đều phải nhìn lại mình. Các bậc phụ huynh hiện nay mải mê làm ăn, không dành thời gian quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ con cái cách ứng xử trong gia đình. Khi còn nhỏ, ông luôn được dạy: gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, kính trên nhường dưới; còn ngày nay, nhiều học sinh không biết lễ phép với ông bà, cha mẹ. Các thầy cô giáo cũng chưa làm tròn trách nhiệm, không biết cách ươm mầm nhân cách sống cho các em ngay từ nhỏ, không thương yêu, che chở và khuyên giải mỗi khi các em gặp vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống. Tình thương sẽ cảm hóa dễ dàng và sâu sắc hơn nhiều so với bạo lực. “Văn hóa ứng xử của học sinh hiện nay xuống cấp nguyên nhân chính là nền giáo dục thiếu căn bản, nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ, thậm chí bỏ quên việc dạy làm người, tôn sư trọng đạo... Các em như đang đi trên cầu, cha mẹ và nhà trường phải là lan can cầu cho các em vịn vào mà vững vàng bước tiếp, giúp cho các em không bị té ngã”. Từ tháng 5 đến nay, Gs Trần Văn Khê đã đi nói chuyện với hơn 100.000 học sinh, tại 7 tỉnh, thành phố. Lý giải việc mời vị khách đặc biệt - nhà nghiên cứu âm nhạc, Gs, Ts Trần Văn Khê nói chuyện về văn hóa ứng xử cho học sinh, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: mọi người biết đến Gs Trần Văn Khê ở góc độ là một cây đại thụ âm nhạc, nhưng thầy cũng có những trải nghiệm, vốn sống uyên thâm, có những nghiên cứu nhân văn về văn hóa. Một trong những điều thầy quan tâm là văn hóa ứng xử của giới trẻ, ứng xử nơi công cộng, trong gia đình, ở trường học. Thầy muốn đến gần các em và nuôi dưỡng tâm hồn những người trẻ sống đẹp. Thầy muốn chia sẻ kinh nghiệm để các em có cuộc sống thành công, từ hướng nghiệp cho đến cách vươn lên, trau dồi, rèn luyện, cách ứng xử với mọi người... Đó là những bài học lớn cho các em trên bước đường sau này. Theo Nguyên Anh – ĐĐK |