Văn nghệ trong nước
Chất nhân văn sâu sắc trong tiểu thuyết “Vùng lõm"
09:42 | 25/10/2011
Gần 40 năm sau chiến tranh, người cầm bút đã có độ lùi để nhìn lại cuộc chiến một cách công bằng hơn. Có lẽ vì vậy nên các nhân vật trong “Vùng lõm” của nhà văn Nguyễn Quang Hà được nhìn với con mắt thông cảm hơn. Nói như cách nói của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Tiểu thuyết hôm nay đọc được vì vùng lõm ấy có ngay trong mỗi con người.”
Chất nhân văn sâu sắc trong tiểu thuyết “Vùng lõm
Một phần bìa thiểu thuyết "Vùng lõm." (Nguồn: Internet).

Tiểu thuyết “Vùng lõm” của nhà văn Nguyễn Quang Hà tái hiện cuộc sống chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên Huế ở vùng giáp ranh giữa cộng sản và quân địch trong sự tranh chấp ác liệt ở làng Hiền Mai, xã Mai Trung, cách không xa sân bay trực thăng I-ri-na của Mỹ, ngụy.

Sân bay này đã làm cho nhân dân và quân giải phóng Thừa Thiên Huế rất khó khăn không chỉ trong chiến đấu mà trong cả cuộc sống thường nhật. Nhiều chiến sĩ giải phóng và người dân bất thần bị trực thăng Mỹ “vồ” mất tích.

Thành đội Thừa Thiên Huế quyết định phải diệt tận gốc chiến thuật ấy là xóa sổ sân bay I-ri-na và tiêu hủy hoàn toàn máy bay hiện có ở sân bay này.

Dẫn dắt câu chuyện là mối tình giữa sĩ quan trinh sát Nguyễn Văn Dư, người con ưu tú miền Bắc đang học dở đại học ở Hà Nội tình nguyện vào Nam đánh Mỹ và cô gái giao liên tên Thu Hoài-nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) tự giác “xếp bút nghiên theo việc đao binh.”


Sáng ngày 24/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về tiểu thuyết “Vùng lõm” của nhà văn Nguyễn Quang Hà, tác phẩm từng đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuộc tọa đàm nhằm tiếp tục khẳng định các giá trị văn học, nghệ thuật của những tác phẩm đoạt giải sau cuộc thi tiểu thuyết này.


Họ là đôi trai tài gái sắc mới gặp nhau lần đầu mà như duyên xe trời định. Dù trong hoàn cảnh một trai, một gái trong rừng sâu hay dưới hầm bí mật họ vẫn giữ gìn và trân trọng mối tình trong trắng để hoàn thành nhiệm vụ…

Theo đánh giá của nhà văn Trần Hiệp, “Vùng lõm”, bằng lối kể chuyện tuần tự theo thời gian và diễn biến sự kiện không sa đà vào bắn giết mà khắc họa bằng các tình tiết làm rõ tính cách và tâm lý các nhân vật để dẫn dắt nhân vật từ chương trước sang chương sau, đã thực sự lôi cuốn người đọc.

“Nếu tác giả không là người có cả chục năm sống và chiến đấu cùng quân và dân ở đây thì không thể khắc họa được câu chuyện suốt 454 trang sách một cách sống động như vậy,” ông Hiệp nói.

Với bố cục chặt chẽ, “Vùng lõm” đã thể hiện được tầm vóc và tính nhân bản của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Bằng sự trải nghiệm của mình, Nguyễn Quang Hà đã đưa vào tiểu thuyết nhiều chất liệu của cuộc sống.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bấy lâu nay người ta ngại viết về chiến tranh vì thế hệ trẻ không biết gì về cuộc chiến. Bên cạnh đó, ông Thọ cũng khẳng định, nhà văn phải nhìn cuộc chiến dưới con mắt của nhân loại và nhà văn Nguyễn Quang Hà đã làm được điều này.

“Vùng lõm” không biện minh hay phê phán bất cứ lý tưởng chính trị nào mà mổ xẻ những nghi vấn của mỗi cá nhân trong chiến đấu, làm bật nên tư tưởng vì con người của tác giả.

Đặc biệt, tính nhân văn thể hiện rõ nét trong đoạn kết của tác phẩm. Với mục đích truy tìm người cộng sản tên Dư, địch đã bắn bất kể người dân nào chúng thẩm tra mà không khai về tung tích của anh. Dư đã phải đấu tranh gay gắt trong tư tưởng giữa một bên là sự trung thành giáo điều và một bên là tính mạng của đồng bào.

Kết thúc câu chuyện, người chiến sĩ cộng sản đã tình nguyện để giặc bắt nhằm cứu đồng bào trước cái chết thảm khốc do địch gây ra.

Theo nhà văn Tô Đức Chiêu, văn học Việt Nam về chiến tranh từ trước đến nay hiếm có nhân vật nào bình tĩnh đứng ra nhận cái chết để đổi lấy tính mạng người dân như nhân vật Dư trong “Vùng lõm.” Bởi vậy, theo nhà văn này, sự hy sinh của nhân vật Dư "đẹp như trong cổ tích."

Còn Giáo sư Phong Lê thì nhận xét, ông tìm thấy tâm sự giống nhau của những người viết về chiến tranh trong thế hệ của nhà văn Nguyễn Quang Hà. Những người trong chiến tranh viết với tư cách là người làm chứng chứ không phải gián tiếp nhìn lại. Tuy nhiên, theo Giáo sư, cái mới của Quang Hà là anh viết về số phận cá nhân, đi từ bi kịch chung của dân tộc vào bi kịch cá nhân con người./.

                                                                               Theo Thiên Linh - Vietnam+















Các bài mới
Các bài đã đăng