Văn nghệ trong nước
Thơ trong thời đại béo phì thông tin
08:41 | 04/11/2011
Càng ngày càng có nhiều lời kêu ca rằng thơ bây giờ tù mù, khó hiểu, thậm chí vô nghĩa. Thơ ngày nay thật khác xa thơ truyền thống, thường dựa trên cơ sở là một câu chuyện gì đó, thường "kể" về một cái gì đó, cái mà ta hay gọi là "tứ thơ". Nhưng "vô nghĩa" - nếu như ta có thể gọi những bài thơ không có "tứ" như vậy - dường như không phải chỉ là trò lòe bịp của những kẻ bất tài.
Thơ trong thời đại béo phì thông tin

Lê Đạt, tác giả của "Bóng chữ" từng tuyên bố rằng: "Chữ bầu nên nhà thơ". Ý của Lê Đạt cũng gần gũi với ý của Stéphane Mallarmé khi ông nói với Edgar Degas, rằng "anh không thể làm thơ bằng ý tưởng, anh làm thơ bằng từ" (trích theo X. J. Kennedy và Dana Gioia trong "Literature: An Introduction to Fiction, Poetry, and Drama" - Văn chương: Nhập môn truyện, thơ và kịch).

Không chỉ dừng lại ở đó. Một số loại thơ thể nghiệm lại hòa trộn các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Thơ âm thanh (Sound poetry) là một ví dụ. Thứ thơ này dựa trên âm thanh và các tổ hợp âm thanh. Ý tưởng chính của loại thơ này là từ bỏ hoàn toàn thứ ngôn ngữ mà các tác giả của trường phái cho là đã bị báo chí và cuộc sống hàng ngày lạm dụng và làm hỏng. Ở đây, nhà thơ sử dụng âm thanh như là thứ vật liệu duy nhất để tạo nên ký hiệu nhằm kích hoạt ở độc giả những ký ức tiềm ẩn liên hệ một cách nào đó với những âm thanh đó. Nhưng cũng chính vì thế mà loại thơ này bị một số người cho là "vô nghĩa". Đây là bài thơ "Oiseautal" của Raoul Hausman:

Pitsu puit puittituttsu uttititi ittitaan
piet piet pieteit tenteit tuu uit
ti ti tinax troi troi toi to
Iti iti loi loi loioutiouto!

Thơ thị giác (Tiếng Pháp: Calligramme), có lẽ là sản phẩm sáng tạo của Guillaume Apollinaire, là sự kết hợp của từ với việc trình bày mang tính đồ họa. Một trong những tác phẩm thơ thị giác tiêu biểu của loại thơ này là "La colombe poignardée et le jet d'eau" của Apollinaire (xem hình 1):

Thơ không lời thậm chí còn "cực đoan" hơn. Chẳng hạn, trong tập "Đàn", xuất phát từ sự gần gũi mơ hồ về hình họa của chữ "đàn", và nhất là chữ "đ" và một loại nhạc cụ, Dương Tường sáng tác ra khoảng ba chục bài thơ - biến tấu dưới cùng một đầu đề, mà độc giả đồng thời phải "đọc" và "nhìn" (và có khi cả "nghe" thầm nữa). Dưới đây là bốn bài thơ trong tập "Đàn" của ông. (Xem hình 2)

Tại sao thơ ngày càng trở nên "vô nghĩa" như vậy? Theo tôi, xu hướng "vô nghĩa hóa" thơ có liên quan đến tình trạng thừa thông tin, hay có thể nói là tình trạng "béo phì thông tin" trong xã hội hiện đại. Xu hướng này rất giống với những gì đang diễn ra với các món ăn khi phải đối mặt với bệnh béo phì dinh dưỡng trong y học. Trước đây, thức ăn quý phải là thức ăn bổ, có nhiều dinh dưỡng. Nhưng tình trạng thừa dinh dưỡng và sự lan tràn của bệnh béo phì làm cho cách nhìn của chúng ta về các món ăn phải thay đổi. Xã hội càng sung túc, các món ăn nhiều dinh dưỡng, nhất là chất béo, ngày càng ít được ưa chuộng. Ngày càng nhiều chất nhân tạo được sử dụng để thay thế cho các thực phẩm bổ dưỡng. Các công ty thực phẩm phải thông báo hàm lượng dinh dưỡng không phải để quảng cáo về hàm lượng dinh dưỡng cao mà ngược lại, để cảnh báo về nguy cơ béo phì hoặc hấp dẫn khách hàng về hàm lượng dinh dưỡng thấp. Trong thời đại lan tràn của bệnh béo phì, một món ăn quý là món ăn ngon mà nghèo dinh dưỡng.


Dinh dưỡng đối với thơ là "tứ" - những chuyện, những thông điệp, những suy tư. Nhưng tứ chưa phải là thơ. Kennedy và Gioia viết: "Các bài thơ thể hiện ý tưởng, chắn chắn là thế, và đôi khi ý tưởng rất có giá trị; thế nhưng ngay cả những ý tưởng gây ấn tượng mạnh nhất trên thế giới cũng không làm nên một bài thơ, trừ phi từ ngữ của nó được lựa chọn và sắp xếp vào với một nghệ thuật của tình yêu". Trong bài "Sứ mệnh của vần điệu", tôi đã viết về sự chuyển hóa của vần điệu từ một thuật nhớ thành một thử pháp thi ca. Trong giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, khi con người chưa có chữ viết, vần điệu là một sáng tạo tuyệt vời giúp lưu giữ và lan truyền kinh nghiệm, tri thức cũng như tình cảm từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các văn bản tôn giáo do yêu cầu phải giữ nguyên vẹn không chỉ nội dung mà cả hình thức ngôn ngữ. Việc lặp đi lặp lại số âm trong một câu thực chất là chia một văn bản dài thành những đơn vị thuận lợi cho việc tiếp nhận và ghi nhớ.

Nguồn gốc sâu xa của vần điệu nằm ở tính tuần hoàn của các quá trình trong vũ trụ và thân thể con người. Denys Thompson viết rằng cảm giác về nhịp điệu của con người nảy sinh từ nhu cầu hòa hợp với chu trình của mặt trời và sự luân chuyển của các mùa, cũng như các quá trình sinh lý của cơ thể, chẳng hạn sự co bóp của phổi. Chính đó là lý do khiến văn vần còn được sử dụng rộng rãi trong các bài hát lao động, nhất là trong lao động tập thể, như chèo thuyền, giã gạo, chặt cây, kéo lưới, kéo gỗ...

Nhưng khi nghe một bài văn vần, chúng ta không chỉ tiếp nhận nội dung, tức là thông tin, mà còn nhận biết vận luật nào được sử dụng, tức là tiếp nhận cả thông điệp nội dung lẫn thông điệp hình thức của văn bản. Sự nhịp nhàng, đều đặn của câu thơ hướng sự chú ý của người đọc từ nội dung sang hình thức. Ở đây có một hiệu ứng tâm lý mà tôi gọi là hiệu ứng "đưa nôi": tương tự như cách chuyển động nhịp nhàng của chiếc nôi khiến đứa trẻ lãng quên các sự vật cụ thể xung quanh và dễ dàng chìm vào giấc ngủ, hình thức tuần hoàn của văn bản lái người đọc ra khỏi nội dung cụ thể của nó, tạo nên một cảm giác phi thời gian, cái là bản chất của thi ca. Chuyển động của chiếc nôi càng đều đặn đứa trẻ càng dễ ngủ, vần điệu càng du dương, việc tiếp nhận nội dung thông tin cụ thể của bài thơ càng mờ nhạt. Vì lẽ đó, khi nghe ngâm thơ, người nghe thường rất khó phân biệt bài thơ nào hay, bài thơ nào dở.

Sự xuất hiện của hiệu ứng "đưa nôi", như tôi đã viết trong tiểu luận "Sứ mệnh của vần điệu", là một bước tiến nhảy vọt trong nhận thức của con người về ngôn ngữ. Từ đó, ngôn ngữ không còn đơn thuần là công cụ chuyển tải thông điệp nội dung, mà còn mang thông điệp trong hình thức của chính nó: đó chính là thời điểm thi ca xuất hiện.

J. Hillis Miller, trong "Deconstruction and a Poem" (Giải kiến tạo và một bài thơ), viết rằng ngày nay thơ có nghĩa là mọi khối kết hợp từ ngữ được đánh dấu bởi sự lặp đi lặp lại về nhịp điệu, ngữ nghĩa hoặc âm thanh (vần, trùng âm, điệp âm v.v...) và được in theo một kiểu kỳ lạ hoặc quy ước, liên tiếp xuống dòng, với những khoảng trống. Ông khẳng định rằng "Bạn có thể gọi là thơ nếu thấy một khối liên kết như vậy, trên giấy, thậm chí khi đó là một đoạn lấy từ báo chí hay từ một cuốn danh bạ điện thoại được dàn trang một cách "nên thơ" như một bài thơ "nhặt được". Để minh họa cho lập luận của mình, J. Hillis Miller giới thiệu một bài "thơ" lấy từ danh bạ điện thoại (đã bỏ các số điện thoại đi):

Blue Angels Youth Ski and Snowboard Program;
Blue Auto Glass;
Blue B;
Blue Beet Café The;
Blue Bell Pools;
Blue Betty PhD;
Blue Bird Motel & Café.

Như vậy, thông điệp hình thức, chứ không phải thông điệp nội dung, hay ý nghĩa, là cái biến một văn bản thành… thơ.

Tuy vậy, trong một xã hội nghèo thông tin, thông điệp nội dung, tức là phần "dinh dưỡng" của văn bản thi ca, có một vai trò quan trọng, đến mức đôi khi người ta đồng nghĩa nó với thơ. Vai trò đó giảm đi đáng kể cùng với sự phát triển của các công nghệ thông tin ngày càng hiệu quả như máy in, truyền hình, internet... Cùng với quá trình đó là sự tăng lên vai trò của thông điệp hình thức. Giống như món ăn quý bây giờ cần "ngon" hơn là "bổ", trong một xã hội "béo phì thông tin" như xã hội loài người đầu thế kỷ XXI, một bài thơ cần "hay" hơn là "sâu sắc", "nhiều ý nghĩa".

Thế nào là "ngon", là "hay"? Điều này phụ thuộc vào khẩu vị và thị hiếu của mỗi người, cái đến lượt nó, lại được hình thành qua trải nghiệm cá nhân trong những môi trường xã hội cụ thể.

------------------

Tài liệu tham khảo:
Denys Thompson. The Uses of Poetry, Cambridge: Cambridge UP, 1978.
Dương Tường. Đàn - Thơ Ngoài Lời. Hồ Chí Minh City: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003.
Lloyd, A.L. Folk song in England, Cambrige, Mass., 1964.
Miller, J. Hillis, "Deconstruction and a Poem" in Deconstruction - A Usser's Guide. Ed. Nicolas Royle. Houndmills: Palgrave, 2000. 171-186.
Kennedy X. J. và Dana Gioia, "Literature: An Introduction to Fiction, Poetry, and Drama", Pearson Longman, 2009

                                                                       Theo Ngô Tự Lập - CAND.com.vn















Các bài mới
Các bài đã đăng