Kết quả ba vở đoạt huy chương Vàng là Đất làng của Nhà hát chèo Thái Bình, Giếng thơi trong lòng phố (Nhà hát chèo Việt Nam) và Quan lớn về làng của Nhà hát chèo Hà Nội. Huy chương Bạc cho vở diễn của Nhà hát chèo Quân đội, Đoàn chèo Thanh Hóa, Đoàn chèo Vĩnh Phúc. 27 HCV, 50 HCB cá nhân, ngoài ra còn giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Cục NTBD tặng cho cá nhân, tập thể, các đạo diễn trẻ, dàn nhạc…
Thương từ kịch bản đến trò diễn “Có tích mới dịch nên trò”. Vậy mà một số vở chèo đề tài hiện đại đã quên mất “tích”, hoặc không có “tích”, đưa người xem hết lớp nọ màn kia mà chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện, không hiểu tác giả định nói gì. Bỏ qua tính trò diễn trong mỗi lớp kịch, bỏ qua ngôn ngữ thơ trong đối thoại. Lối văn biền ngẫu rơi đâu mất. Một số tác giả làm cho kịch bản chèo giống như “kịch nói cắm hát”. Nghĩa là: Dựng kịch nói, dựng trò diễn như kiểu hài kịch rồi diễn viên tự đi tìm bài hát phù hợp để gọi là chèo. Bí quá, diễn viên của nhà hát bèn lấy luôn vài khúc ca chèo trên đài để hát lồng vào vở diễn. Ngay khâu đầu tiên- kịch bản đã không phải chèo thì còn gì là chèo nữa. Hầu hết những mảnh trò vui trong Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc về đề tài hiện đại đều là trò hài của kịch nói (tiêu biểu là các vở Giếng thơi trong lòng phố, Đất làng). Những mảnh trò không mang lối diễn và sự thông minh dí dỏm của chèo, chính vì vậy cái mầu chèo mất đi, cái hài kịch lấn tới. Điều này cũng dễ hiểu bởi nhiều đạo diễn không thật sự hiểu về chèo, mấy ai đắm mình, sống chết với chèo. Chuyện bên lề Bên hành lang sân khấu nghe chuyện đời diễn viên, chuyện dựng vở của các đoàn mới thấy xa xót làm sao. Các đoàn đều muốn có kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên tài năng nhưng đều gặp khó bởi một chữ “tiền”. Các đoàn tỉnh lẻ chắt chiu (nếu không muốn nói là đi xin) từng đồng để tìm đạo diễn, diễn viên cho hợp với lưng vốn của mình. Tiền nào của nấy. Do không có tiền nên trưởng đoàn đành mạnh dạn “của nhà trồng được”, tự đạo diễn. Anh em trong đoàn không phục, diễn viên chính và kép nền vốn có khả năng diễn xuất tốt thì xin nghỉ không diễn. Kép nền mới được thay. Ra liên hoan, diễn không trôi, giá trị vở diễn giảm hẳn. Đoàn trưởng gạt nước mắt: Biết làm sao được! Trong buổi biểu diễn cuối cùng, các nghệ sĩ, diễn viên ào lên tặng hoa đồng nghiệp. Ở hàng ghế cuối cùng, tác giả kịch bản NCT ngồi lặng lẽ khóc: “Thương lắm. Họ không được tỉnh ủng hộ, nhưng nhớ chèo quá mà cố đi. Tiền chẳng có để bồi dưỡng phần âm thanh nên các vở diễn khác âm thanh đều sạch sẽ, mà vở này liên tục lạc xen, gầm rít. Lúc duyệt vở thì tốt nhưng hàng tháng trời không tập lại, anh em oải. Không được giải gì lần này về tỉnh họ bị giải tán”. Nhiều huy chương cá nhân, tập thể nhưng tan cuộc, nhiều người bần thần hỏi nhau: “Vở ấy mà huy chương Vàng à?” “Trưởng ban giám khảo hãy phân tích giúp tôi nó hay ở chỗ nào, nó chèo ở điểm gì?”. Đạo diễn Trương Hải Thọ, Trưởng Đoàn chèo Thanh Hóa, phát biểu: “Ban giám khảo 5 người thì hai diễn viên, một là họa sĩ, một nhạc sĩ, một là nhà lý luận phê bình. Không có tác giả, chẳng có đạo diễn. Chấm vở mà không có cái nhìn của tác giả, đạo diễn thì thế là phải thôi”. Xót phận chèo Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc về đề tài hiện đại kết thúc. Các nghệ sĩ lặng lẽ ra về mang theo nỗi niềm riêng. Họ yêu chèo, say chèo quá quên cả gia đình, quên cả bản thân. Mỗi tháng lĩnh lương chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, ngày ngày quần quật tập luyện trên sân khấu đến sức tàn lực kiệt, “thổ tận can tràng” mà hát, mà diễn. Có nghệ sĩ tài, sắc bỏ cả thời thanh xuân ở phía sau, mà chèo đã cho họ cái gì. Không danh phận, chẳng bổng lộc, đến một niềm vui nho nhỏ là sự công bằng cũng chẳng có. Đau lắm chèo ơi! Theo Mai Văn Lạng - Tiền Phong |