Thiếu nữ vui xuân (65cmx78cm, sơn và sáp) - một trong số những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mua lại năm 2010, hiện đang trưng bày tại bảo tàng
|
Như một lẽ tự nhiên, rõ ràng công việc mua được những bức tranh quý không phải là chuyện quá dễ dàng hay một sớm một chiều mà xong. Thành quả gần đây nhất của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là vào cuối năm 2010 đã mua lại được 72 phác thảo, tư liệu... của họa sĩ tài hoa Nguyễn Gia Trí.
Thật ra số tranh này đã được bảo tàng đề nghị mua lại từ hơn 10 năm trước, nhưng lúc đó phía gia đình họa sĩ vẫn còn ngần ngại chưa muốn bán. Việc mua tranh quý luôn cần sự kiên nhẫn, vì vậy bảo tàng vẫn đeo bám và chờ đợi, với lời đề nghị gia đình họa sĩ khi nào bán thì ưu tiên cho bảo tàng trước. Cuối cùng, những bức tranh quý giá đó đã được mua lại và trưng bày tại một trong những nơi trang trọng nhất của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Có thể thấy nhiều khi cái khó trong việc mua tranh của các họa sĩ nổi tiếng đã quá cố là do phía gia đình họa sĩ vì muốn lưu giữ kỷ niệm người thân hoặc vì những lý do khác... mà không muốn bán. Như trường hợp tranh của họa sĩ Tạ Tỵ, bà Mã Thanh Cao - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - cho biết bảo tàng đã “theo đuổi” tranh của họa sĩ này hơn 10 năm rồi mà vẫn chưa thành công.
Các thành viên gia đình vẫn chưa thống nhất được việc bán tranh, mặc dù nguyện vọng rất tha thiết của bảo tàng. Hay khi họa sĩ Lưu Công Nhân mất vào năm 2007, bà Mã Thanh Cao cùng hội đồng nghệ thuật của bảo tàng đã lên Đà Lạt thương lượng với gia đình mua tranh nhưng bị từ chối.
Ngay cả khi gia đình các họa sĩ chấp nhận bán tranh, chuyện giá cả cũng là một vấn đề. Thường thì giá tranh bao giờ cũng được đẩy lên cao. Khi được hỏi 72 phác thảo, tư liệu... của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có giá bao nhiêu, bà Mã Thanh Cao chỉ cho biết đó là những bức tranh quý và là tài sản của đất nước. Ví như bức Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí mà bảo tàng mua năm 1990 với giá 600 triệu đồng (tương đương 100.000 USD lúc bấy giờ) khiến nhiều người phản ứng vì cho rằng giá tranh như vậy cao quá (!). Thế nhưng, bà Cao cho biết gần đây có người khách nước ngoài đến đặt vấn đề sẵn sàng mua lại bức tranh này với giá 2 triệu USD.
Ngoài ra, việc đàm phán với chủ nhân tác phẩm nhiều khi gặp khó khăn vì họ không cho chụp ảnh, sợ ảnh hưởng đến bản quyền, sợ bị làm tranh giả... trong khi bảo tàng cần hình ảnh tranh mới có thể làm hồ sơ. Quả thật, trước vấn đề tranh nhái, tranh giả... nhức nhối như ở ta thì họa sĩ tên tuổi càng lớn hẳn càng phải dè chừng. Có những gia đình giữ lại tranh quý, chỉ bán đi những bức không tiêu biểu. Hoặc họ không chịu bán lẻ từng bức mà đề nghị bán luôn cả bộ tranh, nhưng trong số tranh đó không loại trừ “thóc gạo” lẫn lộn. Với trường hợp này, bà Mã Thanh Cao khẳng định bảo tàng chỉ mua tranh quý, có giá trị... còn tranh thường hoặc đã có chút nghi ngờ thì tuyệt đối không mua.
Trở lại vụ mua tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng lần này, lấy lý do là đang trong vòng thương lượng nên cả hai phía bảo tàng và gia đình họa sĩ Nguyễn Sáng chỉ xác nhận mà không hé lộ thông tin gì thêm. Chỉ biết rằng người phía gia đình họa sĩ “bắn tiếng” cho bảo tàng trước, số tranh được đề nghị bán gồm hơn 50 tác phẩm phác thảo, ký họa... của họa sĩ. Phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vẫn đang nỗ lực để việc đàm phán có thể đi đến kết quả tốt đẹp.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Tập trung mua tranh của các họa sĩ đương đại nổi tiếng
Ngày 14-12, ông Phan Văn Tiến (giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho biết bảo tàng vừa tổ chức cuộc họp thảo luận về việc mua tranh của các họa sĩ đương đại nổi tiếng của Việt Nam hiện nay. Theo đó, bảo tàng sẽ duyệt mua tiếp 10 bức tranh đương đại nữa, nâng tổng số tranh của các họa sĩ đương đại trong năm nay lên tới gần 40 bức. “Có 20 bức được mua từ triển lãm mỹ thuật toàn quốc gồm những tác phẩm đoạt giải và những tác phẩm hội tụ đủ tiêu chí của bảo tàng”, ông Phan Văn Tiến nói. Tuy nhiên, ông Tiến không tiết lộ giá và tên tuổi của họa sĩ được bảo tàng mua tranh.
Về việc sưu tầm tranh của các họa sĩ nổi tiếng trước đây, ông Tiến cho biết: “đó là việc làm hằng năm của bảo tàng. Tuy nhiên, sưu tập tranh quý không dễ vì giá đắt kinh khủng. Khó khăn lớn nhất đối với những người làm công tác sưu tầm là số tranh này không còn nhiều hoặc rơi vào các bộ sưu tập tư nhân. Họ không muốn bán lại cho bảo tàng vì nhiều người dự định mở các bảo tàng tư nhân theo quyết định của Luật di sản”.
Theo giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vừa rồi bảo tàng vào TP.HCM để tiếp cận và mua lại một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Bức tranh tuy đã có vài chỗ hỏng, bong tróc nhưng giá đưa ra không hề thấp: cỡ 1 triệu USD. “Đó là mức giá cao đến nỗi chúng tôi không đủ sức mua. Trong trường hợp quyết tâm mua thì phải có phê duyệt của Chính phủ. Hơn nữa, hiện nay trong bộ sưu tập của bảo tàng thì tranh của các họa sĩ lớn như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... đều đã có khá nhiều. Còn các bức tranh đã được bán ra nước ngoài thì bảo tàng đành chịu”, ông Tiến khẳng định.
|
Theo Hà Phương & Quang Thi - TT
|