Văn nghệ trong nước
Nguyễn Khang - người nghệ sĩ, người thầy đáng kính
08:29 | 27/12/2011
Với những cống hiến xuất sắc cho nền mỹ thuật hiện đại nước nhà, năm 2000, họa sĩ Nguyễn Khang vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt hai) cùng nhận xét của Hội đồng Giải thưởng: "Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khang là những tranh sơn mài xuất sắc, có vẻ đẹp tinh tế và sâu sắc, biểu đạt những ý tưởng tốt đẹp của họa sĩ về đất nước và kháng chiến. Ông nghiên cứu sâu sắc về nghệ thuật trang trí, có công lớn trong việc đào tạo và xây dựng ngành mỹ thuật công nghiệp nước ta"...
Nguyễn Khang - người nghệ sĩ, người thầy đáng kính
Tác phẩm Hòa bình và hữu nghị của họa sĩ Nguyễn Khang.

Họa sĩ Nguyễn Khang sinh ngày 16-12-1911 tại Hà Nội. 19 tuổi, ông đỗ đầu Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khóa VI. Say mê học tập nghệ thuật tạo hình, phương pháp hội họa châu Âu, song ngay từ những năm học, ông đã từng bước tìm tòi, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống dân tộc, để từ đấy tạo nên một phong cách riêng độc đáo. Các tác phẩm của Nguyễn Khang phần lớn bằng chất liệu sơn mài. Ngay từ năm 1932, khi còn là sinh viên năm thứ hai, ông đã hướng đến nghiên cứu, học tập, tiếp thu và thể nghiệm chất liệu sơn ta cổ truyền từ các đình chùa truyền thống. Bước vào một lĩnh vực mới, ông đã diễn tả được nội tâm, tình cảm nhân vật, góp phần không nhỏ đưa sơn mài cổ truyền vào nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại một cách tự tin và sáng chói. Trong tự thuật, ông viết: "Tôi đã mầy mò nhiều ngày nghiên cứu, thử nghiệm bằng cách đem rây nhỏ vàng, bạc thành bụi bột, đem rắc chìm vào mầu sơn, lại phủ kín rồi lại mài... để cố tạo nên độ đậm nhạt, sáng tối, lộng lẫy và sâu thẳm... Cũng từ đó mở đường cho nghệ thuật sơn mài tiếp tục phát triển đến kết quả ngày nay". Những thể nghiệm độc đáo, đầy sáng tạo của Nguyễn Khang đã tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị, giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Một số tác phẩm sơn mài mà điển hình là Ðánh cá đêm trăng (1943) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến; tác phẩm Bác Hồ về thăm bản làng (1958) được Chính phủ Nhật Bản chọn lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương.

Tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội, Toàn quốc kháng chiến năm 1946, họa sĩ Nguyễn Khang cùng nhiều nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc tham gia đoàn Văn hóa kháng chiến. Ông tham gia vẽ mẫu huân, huy chương cho Nhà nước, trang trí các khu tiếp khách nước ngoài, giao tế của Ðảng và Chính phủ. Ông từng tham gia sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và đảm nhiệm một số trọng trách như Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật kháng chiến liên khu X (1949-1951); Hiệu trưởng Trường trung cấp Mỹ nghệ Việt Nam (1962), sau được nâng cấp lên thành Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp, tiền thân của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngày nay. Ðiều đáng trân trọng là ông đã tạm gác một phần năng lực sáng tác của mình để tập trung vào công tác xây dựng nền móng đào tạo mỹ thuật công nghiệp, là người lãnh đạo mở đường xây dựng giáo trình, giáo án từng khoa; trải bao gian khó đưa trường trở thành địa chỉ uy tín trong nước và quốc tế.

Từ năm 1967 đến 1970, họa sĩ Nguyễn Khang vinh dự được Ðảng và Nhà nước giao thiết kế hoàn chỉnh nghi thức tang lễ cấp Nhà nước và là Trưởng Ban trình bày quốc tang Hồ Chủ tịch năm 1969. Ông cũng đồng thời là tác giả bức chân dung Bác Hồ bằng sơn dầu khổ lớn 30m2 tại buổi lễ tang. Ðó là niềm vinh dự, tự hào lớn lao với thầy và trò Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Thiết kế của ông được đánh giá cao, sau này được sử dụng làm lễ tang cho nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tôn Ðức Thắng, Nguyễn Lương Bằng... Ông còn được giao và hoàn thành tốt nhiều công việc trang trí lớn khác cho Ðảng và Nhà nước.

Năm 1974 nghỉ công tác, họa sĩ Nguyễn Khang vẫn tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm mới, với đề tài phong phú. Ngày 15-11-1989, ông lâm bệnh và qua đời tại TP Hồ Chí Minh ở tuổi 79, khi chưa kịp hoàn tất các tác phẩm Những người săn hổ, Vinh quy bái tổ.

Cuộc đời Nguyễn Khang là cuộc đời hoạt động, sáng tạo sôi động và đa dạng ở các lĩnh vực: họa sĩ sáng tác, người lãnh đạo, người thầy đáng kính. Ông có công đóng góp cho nghệ thuật cách mạng và nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Tác phẩm sơn mài của Nguyễn Khang có giá trị nghệ thuật bác học. Trong đó ông khéo léo khai thác các chất liệu vàng để trần không phủ, bạc, son, sơn then... với nhiều thủ thuật độc đáo, bố cục chặt chẽ, uyển chuyển; các nhân vật được tạo hình chắc khỏe, sống động hồn nhiên. Ðề tài phần lớn mang tính triết lý, hướng đến niềm khát vọng của con người và thiên nhiên rất bình dị, mộc mạc, tràn đầy sức sống và tự tin tạo nên nội dung và hình thức hài hòa chứa đựng, phản ánh được ý niệm, tình cảm của họa sĩ trước cuộc sống. Với những cống hiến giá trị cho nền mỹ thuật nước nhà, ông từng được nhận nhiều phần thưởng, huân, huy chương cao quý do Ðảng và Nhà nước trao tặng.

                                                                         Theo Trần Khánh Chương - NDĐT















Các bài mới
Các bài đã đăng