Văn nghệ trong nước
Mối tơ duyên giữa điện ảnh và văn chương
15:27 | 08/02/2012

Một thời gian khá dài, khoảng vài chục năm, nhiều người “bỏ ngoài tai” những tác phẩm văn chương đã được công chúng đón nhận một cách hồ hởi. Tuy nhiên, họ thích tính nước đi ăn đong bằng cách vừa bấm máy sản xuất vừa viết kịch bản theo kiểu chạy sô, nên nhiều bộ phim ra mắt công chúng như món “mì ăn liền” thiếu hấp dẫn.

Mối tơ duyên giữa điện ảnh và văn chương
Cảnh trong phim Long Thành cầm giả ca

Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt đã ghi nhận một thực tế đáng quan tâm với một mùa phim đa dạng các tác phẩm được chuyển thể từ những tác phẩm văn chương đã được khẳng định. Chẳng hạn như “Long thành cầm giả ca”, phóng tác từ tác phẩm thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du và “Cánh đồng bất tận”, kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhiều người am hiểu môn “nghệ thuật thứ bảy” đã ghi nhận rằng hiệu ứng từ những bộ phim có nguồn gốc kịch bản từ tác phẩm văn học đã chứng tỏ rằng sự liên minh, liên kết giữa hai lĩnh vực này đã tạo nên một sức lan tỏa rộng lớn trong lòng công chúng. Lý giải cho vấn đề này có người cho rằng sự tương tác giữa điện ảnh và văn chương, nhiều khi tăng sức mạnh không chỉ gấp đôi, mà có khi còn tăng gấp hàng chục lần, tính từ số người xem đến rạp và số lượng sách phát hành trên thị trường.

Đạo diễn - Biên kịch Nguyễn Quốc Hưng nói đại ý rằng: Phim ảnh và văn chương là hai thực thể khác nhau, có hai đời sống khác nhau. Chúng ta phải chấp nhận phim ảnh và văn học là hai dòng chảy riêng. phim nổi tiếng cũng sẽ tạo sức sống cho tác phẩm văn chương. Nếu bộ phim thất bại thì tác phẩm văn học vẫn được yêu thích và ngược lại. Có những tác phẩm văn học không đến được với công chúng trước đó nhưng có khi phim lại làm cho tác phẩm được công chúng biết đến nhiều hơn.

Chúng ta thường nghe nói nhiều về mối quan hệ giữa văn chương và điện ảnh. Dường như giữa hai lĩnh vực này có mối liên hệ bí ẩn nào đó mà những người làm điện ảnh phải khám phá cho mình nếu muốn làm tốt công việc chuyển thể một tác phẩm văn học lên màn ảnh. Kho tàng vô cùng phong phú của văn chương Việt Nam từ Truyện Kiều của Nguyễn Du cho đến những sáng tác của các nhà văn hôm nay mãi mãi sẽ là mạch nguồn không bao giờ cạn cho điện ảnh Việt Nam.

Nhà văn viết kịch bản là làm ra một bộ phim trên giấy, còn đạo diễn là làm ra một bộ phim trên màn ảnh.  Sự khác biệt của hai quá trình sáng tạo này nằm ở chỗ: một bên là trên giấy và một bên là trên màn ảnh, rồi xuất phát từ đó, nhờ các phương tiện diễn đạt của chúng: một bên là ngôn từ và một bên là hình ảnh, nhưng cả hai việc làm này là một quá trình sáng tạo thống nhất, liên tục và vì một mục đích chung, đó là một tác phẩm nghệ thuật, mang tính thẩm mỹ cao.

Cần nhớ rằng phần lớn các tác phẩm điện ảnh thế giới nổi tiếng và có sức sống bền lâu đều xuất phát từ việc chuyển thể các tác phẩm văn chương được coi là “kinh điển”. Nền điện ảnh Việt Nam còn non trẻ, hà cớ gì chúng ta không học tập kinh nghiệm các nền điện ảnh lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc,...

Nhìn lại 45 năm tồn tại của phim truyện Việt Nam, có không ít phim được chuyển thể thành công từ các tác phẩm văn chương, truyện ngắn cũng như tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam. Riêng mảng phim về đề tài lịch sử và giả sử, điện ảnh Việt Nam đã không có một sự chuẩn bị nào đối với mảng đề tài này cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn nữa làm phim lịch sử đòi hỏi kinh phí hết sức tốn kém, một điều mà khả năng của điện ảnh Việt Nam chưa cho phép .

Hẳn chúng ta còn nhớ dòng phim truyện thời gian gần đây đã ghi những dấu ấn rất khó quên trong lòng người hâm mộ như: “Chuyện của Pao”, chuyển thể từ truyện “Tiếng đàn môi bên bờ rào đá” của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy, “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, “Mùa len trâu” dựa trên tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam, “Đừng đốt” chuyển thể từ Nhật ký của nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, “Trăng nơi đáy giếng” chuyển thể từ truyện ngắn của Trần Thùy Mai ,... Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng đã chọn tác phẩm “Tâm hồn mẹ” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể thành kịch bản cho bộ phim điện ảnh “Hồn mẹ” đang trên trường quay. Theo ông, tác phẩm văn chương là một kho nguyên liệu quí báu để các nhà biên kịch, đạo diễn khai thác cho tác phẩm điện ảnh của mình. Mảng phim truyền hình đa dạng hơn ở các thể loại như phim “Tại tôi”, “Khóc thầm” từ tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh, phim “Lều chõng” chuyển từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố,... Sự sôi động này cho thấy một xu hướng bền vững hơn cho sự hợp tác giữa điện ảnh và văn chương.

Lịch sử điện ảnh Việt cũng đã ghi nhận những “cuộc tình” rất vang dội khi điện ảnh và nghệ thuật cộng sinh lẫn nhau, nhưng trước hết là dựa trên cái nền rất vững chắc của tác phẩm văn chương. Từ đó những bộ phim có sức sống vượt thời gian đã được ra đời, như sự tôn vinh một lần nữa đối với tác phẩm văn chương. 

Giám đốc Công ty sản xuất phim Sóng Vàng, bà Vũ Thị Bích Liên, đã không giấu giếm những dự định tương lai của đơn vị mình: Chúng tôi chủ trương không mua kịch bản phim nước ngoài khi vẫn có rất nhiều đề tài trong nước chưa khai thác hết. Sóng Vàng sẽ làm phim bằng kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn chương. Bộ phim “Chuyện tình mùa thu” có thể được xem là một phim chuyển thể khá thành công của công ty chúng tôi. Những bộ phim như: “Vó ngựa trời Nam” chuyển thể từ “Thi tướng rừng xanh” của nhà văn Nguyên Hùng. Các tác phẩm văn chương đương đại cũng đã có cơ hội thành phim, như: “Phía cuối cầu vồng” từ truyện “Mắt bão” của nhà văn Phan Hồn Nhiên, “Cocktail cho tình yêu” của Trần Thu Trang, “Vịt kêu đồng” từ ký “Những mảnh đời trôi dạt” của nhà văn Trần Thôi, “Chuyện tình mùa thu” từ tiểu thuyết “Mùa thu hoa tím” của nhà văn Hoàng Thu Dung.

Trong số các nhà văn đó Nguyễn Huy Thiệp là người có nhiều  truyện ngắn được làm thành phim hơn cả “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê”, “Những người thợ xẻ”, “Con gái thủy thần”,... Đơn giản là truyện ngắn của ông có sức gợi hình ảnh rất lớn, mặc dù sức mạnh của nhà văn này nằm ở trong ngôn từ và các lời thoại của nhân vật. Các truyện ngắn của ông không có một cấu trúc hoàn chỉnh được bầy sẵn cho người làm phim, họ phải tự tổ chức lấy. Phải chăng đấy là điều hấp dẫn đối với các đạo diễn thích phiêu lưu, mặc dầu trên con đường phiêu lưu ấy không phải ai cũng thành công. Những nhà văn Việt Nam khác đã được đưa lên màn ảnh như Ngô Tất Tố với “Chị Dậu”, Nam Cao với “Chí phèo”, “Sống mòn”, Chu Văn với “Bão biển”, Nguyên Ngọc với “Đất nước đứng lên”, Dương Hướng với “Bến không chồng”, và gần đây nhất là Nguyễn Tuân với “Chùa Đàn”. Tất cả những phim trên trong chừng mực nào đó đều thành công bởi bản thân giá trị đã có của các tác phẩm văn học, bởi cấu trúc của chúng khá hoàn chỉnh. Riêng đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng có tới ba truyện ngắn được chuyển thành phim là “Thị xã trong tầm tay”, “Trở về”, “Mùa ổi”.


Không thể nói phim được chuyển thể từ tác phẩm văn chương chỉ có lợi cho nhà văn hay cho nhà làm phim, mà bao giờ cũng là cho cả hai.

Tuy nhiên để có được cái lợi ấy, mỗi bên đều phải chịu áp lực trong lợi thế so sánh giữa khán giả và độc giả. Văn chương đi trước, một khi đã gây được tiếng vang thì độc giả có quyền kỳ vọng là sẽ được thưởng thức một món ăn mới xứng tầm bằng ngôn ngữ riêng của điện ảnh. Nếu điện ảnh không thể hiện hết được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học, thì không chỉ nhà làm phim bị mất công chúng, mà nhà văn cũng tự dưng bị “mất mặt” với công chúng của màn ảnh.

Đã có những cuộc “đầu gối tay ấp nhau” rất thành công, từ cái nền vững chắc của tác phẩm văn chương đã cho ra những bộ phim có sức sống vượt thời gian và ngôn ngữ điện ảnh cũng đã góp phần tôn vinh văn học. Điển hình cho hiệu quả tương tác này là bộ phim “Cánh đồng bất tận” đã có lúc bị sốt vé ở rạp, thì tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư cũng tạo nên một cơn sốt với hơn 5.000 bản sách đã được bán ra và hiện các nhà sách cũng không còn quyển nào để phục vụ nhu cầu của độc giả. NXB Trẻ cho biết sẽ sớm tái bản tác phẩm này với một hình thức mới, đẹp và trang trọng hơn. Tính từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 2005 đến nay, “Cánh đồng bất tận” đã in thêm đến 24 lần, với số sách tiêu thụ trên 108.000 bản sách, trở thành tác phẩm bán chạy nhất Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.

Dù có sự “so le” nhất định giữa hai thực thể riêng biệt, nhưng nhà phim cũng không thể nào tạo ra một đứa con “lạ hoắc” mà nhà văn đã mang nặng đẻ đau ra nó. Những cuộc tranh luận nảy lửa về tính tương đồng và dị biệt của hai lĩnh vực điện ảnh và văn chương đã cho thấy dù cái lợi luôn chiếm được ưu thế, nhưng không phải không có những vấn đề nảy sinh khi đứa con đã được một ông bố nhà văn sinh ra, rồi lại được tái sinh bởi một ông bố điện ảnh. Tuy nhiên dù sao đây cũng là một xu thế tất yếu, nếu các nhà làm phim muốn hướng đến một sự phát triển bền vững, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần hấp dẫn./. 

Theo Đỗ Ngọc Yên – VNQĐ

 






 

Các bài mới
Các bài đã đăng