Văn nghệ trong nước
Chữ quốc ngữ và người đồng hành không mỏi
09:37 | 21/02/2012

Hội thảo “Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) và Hành trình chữ quốc ngữ” do Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh và Nxb Tri thức tổ chức ngày 18- 2 tại Hà Nội, đã nêu ý tưởng lấy một Ngày kỷ niệm Chữ viết quốc gia (chữ quốc ngữ). Cùng với thời gian, đã đến lúc cần có những đánh giá sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, vai trò và những đóng góp của ông trong lịch sử văn hóa Việt Nam từ các cơ quan khoa học đủ thẩm quyền và uy tín.

Chữ quốc ngữ và người đồng hành không mỏi
Em bé vác địa cầu tượng trưng cho sức trẻ sẽ gánh vác thế giới - biểu tượng chung được in trên nhiều sach của Đông Kinh Nghĩa thục (chữ hán - Đông kinh nghĩa thục thi văn)

Chữ quốc ngữ là một trong những sản phẩm (trực tiếp) của sự tiếp xúc (và tiếp biến) giữa văn hoá Âu Tây và văn hoá Việt Nam. Lịch sử hình thành của nó bắt đầu từ thế kỷ XVI, gắn với công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam của các giáo sĩ từ các nước Tây Âu. Để truyền đạo, họ dùng các chữ cái la-tinh để ghi tiếng Việt, tạo ra hệ thống văn tự la-tinh cho tiếng Việt. Phương pháp này đã được các giáo sĩ áp dụng ở nhiều quốc gia khác nhưng Việt Nam là nước duy nhất có hệ thống văn tự kiểu này.

Cho đến đầu thế kỷ XX, sau khi nhận ra thất bại trong việc áp đặt tiếng Pháp ở Việt Nam, các nhà cầm quyền thực dân đã dùng chữ quốc ngữ song song với việc sử dụng tiếng Pháp và chữ Hán trong các văn bản mang tính hành chính, dân sự. Bên cạnh là một loạt nhân tố khác khiến chữ quốc ngữ ngày càng được phổ cập: báo chí và xuất bản, nghề in và máy in, điện thoại, điện báo… Trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục, nhà trường Pháp-Việt, trong những năm đầu thế kỷ XX, đã đào tạo cho xã hội Việt Nam những tác gia nhen nhóm một nền văn học kiểu mới: viết bằng tiếng mẹ đẻ, với những thể loại hiện đại (tiểu thuyết, kịch nói, thơ mới, phê bình) gần gũi với nền văn học hiện đại phương Tây...

Ban đầu, đứng trước chủ trương phổ cập chữ quốc ngữ của chính quyền thực dân, một bộ phận dân cư Việt Nam, trước hết là giới nho sĩ, chống đối, cự tuyệt. Sự cự tuyệt này kéo dài cho tới thập niên đầu của thế kỷ XX. Sau đó, họ dần thay đổi thái độ do nhận ra lợi ích của chữ quốc ngữ, trước hết trong việc tuyên truyền vận động nhân dân chống lại thế lực ngoại xâm. Nhiều nhà Nho cấp tiến thấy được những lợi ích của chữ quốc ngữ với sự phát triển của dân tộc nên đã ra sức hô hào đồng bào mình học chữ quốc ngữ. Các sĩ phu chủ trương dùng "giáo dục quần chúng để canh tân xứ sở". Muốn canh tân, trước hết phải phá vỡ sự trì trệ đang bao trùm xã hội. Một trong những sự trì trệ lớn nhất khi đó là dân trí thấp, đại đa số nhân dân mù chữ, trong khi số nho sĩ thời trước chỉ biết sử dụng Hán ngữ, số trí thức “tây học” lại chỉ sử dụng Pháp ngữ.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ là một trong những vấn đề văn hoá lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các bậc trí giả thời đó. Các phong trào Duy tân, Đông Kinh Nghĩa thục đều hỗ trợ, vận động mạnh mẽ cho chữ quốc ngữ, gây lòng yêu nước rộng rãi trong quốc dân và đều đã chịu sự đàn áp nặng nề. Trường Đông Kinh Nghĩa thục (1907) ở Hà Nội là một minh chứng tiêu biểu. Tuy cùng chủ trương phổ cập chữ quốc ngữ, nhưng thế lực ngoại xâm và những người yêu nước lại xung đột, đấu tranh trực diện với nhau do ý đồ xử dụng lợi khí này của mỗi phía trái ngược nhau.

Cho đến đầu năm 1938, việc phổ cập chữ quốc ngữ đã mang màu sắc cách mạng và do Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo. Xứ ủy Bắc kỳ giao cho Trần Huy Liệu (chủ bút báo Tin tức) cùng các ông Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tập hợp một số tri thức tiêu biểu thời đó như Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn,Quản Xuân Nam, Phan Thanh... bàn bạc và thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ (ngày 25- 5- 1938), nhất trí cử cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, trụ sở Hội đặt tại Hội quán Trí Tri (nay là số nhà 47, phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi thành lập ở Hà Nội, Hội Truyền bá quốc ngữ lần lượt được thành lập ở cả Bắc, Trung, Nam. Mặc dù chính quyền thực dân Pháp công nhận việc thành lập nhưng ra sức cản trở Hội hoat động. Đại tướng Võ nguyên Giáp nhớ về thời kỳ đó: "Đi học lúc bấy giờ là đi làm cách mạng”. Hội Truyền bá quốc ngữ hoạt động đến những ngày sôi sục Cách mạng tháng Tám 1945 và đã giải mù chữ cho gần 7 vạn người.

Trong dòng chảy phát triển của chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) là người tiên phong trong việc cổ vũ nhân dân học chữ quốc ngữ và rất nhiệt tình với sự nghiệp phát triển chữ quốc ngữ, thông qua bao chí và dịch thuật. Tranh luận về Nguyễn Văn Vĩnh, cho đến nay vẫn có nhiều nhận định khác nhau. Nhưng một quan điểm đồng thuận là: Nguyễn Văn Vĩnh đã có công lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại - trong đó phải kể đến việc ông là người tiên phong quảng bá và hoàn thiện chữ quốc ngữ, góp phần mở ra một nền học thuật, văn chương mới cho nước nhà.

Với suy nghĩ rằng chữ quốc ngữ là thứ chữ “Học dễ biết là bao nhiêu! Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông”, Nguyễn Văn Vĩnh mong muốn đưa chữ quốc ngữ nhanh chóng trở thành chữ viết phổ thông. Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh tham gia Đông Kinh Nghĩa thục. Ông không chỉ là một trong những người vận động sáng lập mà còn trực tiếp tham gia giảng dạy. Ông dạy Việt văn, bằng chữ quốc ngữ.

Với Nguyễn Văn Vĩnh, khai thông dân trí, không gì cấp thiết hơn là phổ biến chữ quốc ngữ. Mà để phổ biến chữ quốc ngữ thì không gì hiệu quả hơn là làm báo và dịch thuật. Đó là con đường thuận tiện nhất để vừa phát triển quốc ngữ, phát triển quốc văn vừa thúc đẩy tư tưởng canh tân đất nước. Năm 1907, ông là người đầu tiên (cùng với Phan Kế Bính) chuyển Kim Vân Kiều Truyện từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, trước khi trở thành người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt sang tiếng Pháp (1908). Năm 1909, Nguyễn Văn Vĩnh hợp tác cùng Phan Kế Bính dịch tác phẩm “Tam quốc chí diễn nghĩa” từ tiếng Hán ra tiếng Việt. Cũng trong những năm này, Nguyễn Văn Vĩnh lại là người đầu tiên dịch toàn bộ tập Truyện ngụ ngôn của La Phông-ten sang tiếng Việt. Ông còn biên soạn một quyển sách tự học chữ quốc ngữ để phát cho những người mua báo... Những việc lớn này ông đều tiến hành khi chưa đầy 30 tuổi.

Trên ý nghĩa một phương tiện, chữ quốc ngữ đã chứng tỏ sự thuận tiện và phù hợp với người Việt. Qua chữ quốc ngữ, cả những người không biết chữ Hán và chữ Pháp đều dễ dàng tiếp nhận được những tri thức mới, những tư tưởng mới của văn minh, văn hóa Đông, Tây thông qua các bản dịch. Hãy nhớ lại phong trào Bình dân học vụ, diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, một phần do dễ học, dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết (chữ quốc ngữ) mà chỉ sau ba tháng, chúng ta đã xóa được nạn mù chữ cho hàng triệu nhân dân.

Để tôn vinh sự học, tôn vinh chữ viết, rộng hơn là tôn vinh văn hoá nước nhà, một Ngày kỷ niệm chữ quốc ngữ được nhiều người nghĩ đến.

                                                                                              Theo Ngô Vương Anh - NDĐT

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng