1. Cuộc cách mạng giải phóng tính dục và quyền của nữ giới trong thời hậu hiện đại, có thể xem bắt đầu từ những nhà nữ quyền đầu tiên như Luce Irigaray (sinh 1932 tại Bỉ), mang bản chất của một cuộc giải phóng những xung năng tính dục cho 1/2 dân số nhân loại. Cuộc cách mạng này mang tính triệt để cao, bởi vì, nó giải quyết tận gốc khâu bất bình quyền nhất trong tương quan giới tính: khâu tính dục. Từ nay, người phụ nữ đã có thể ngủ ngon sau khi ân ái mà không sợ mang thai ngoài ý muốn. Theo Sách trắng về tình hình sức khoẻ tính dục cư dân mạng Trung Quốc, 90% phụ nữ Trung Quốc cho rằng họ sẵn sàng chủ động quan hệ tình dục, nếu muốn. Từ đó, có thể thấy bình đẳng và giải phóng tính dục là yếu tố cốt lõi trong viễn trình đi tìm lại văn minh và dân chủ cho gần bốn tỷ người (giới nữ). Để chính từ cuộc cách mạng ấy, một nền mỹ học tính dục mang thiên tính nữ được phục hưng một cách rực rỡ.
2. Trước khi có sự giải phóng thiên tính nữ trong mỹ học tính dục, có thể nói, nền mỹ học loài người chỉ có thể đặt đứng trên một chân, và chỉ nhằm phục vụ cho một giới (nam). Với quan điểm “phụ nữ là cái giới tính vốn không phải là giới tính” (women are the sex which isn’t one), nền mỹ học tính dục nam quyền theo Irigagay luôn quan niệm, hoặc là không có tính dục nữ, hoặc tính dục nữ chỉ là một thế lưỡng nguyên (dualism) điên loạn. Thật ra, đó chỉ là một “đại tự sự” (meta narrative) của những giấc mơ có tính chất “thủ dâm” (masturbation) của mỹ học tính dục nam quyền. Thực chất, mỹ học tính dục nữ quyền, xét theo một trình tự khách quan nào đó, với sự có mặt trước của chế độ mẫu hệ và Mẹ đất vũ trụ (Gaia – theo cách nói của tiến sĩ vật lý Stephen Hawking trong cuốn Lược sử thời gian (1987), luôn là cái man khai của mỹ học tính dục, cũng như tồn tại một cách sâu thẳm trong “vô thức tập thể” (phạm trù của Jung) loài người.
Xét lại một số tác phẩm văn học dân gian và tín ngưỡng có tính chất huyền thoại, luận điểm trên sẽ càng được xác tín. Trong thần thoại Hy Lạp, nếu vị thần khởi nguyên là Khaos (Hỗn mang) vốn không xác định giới tính, thì vị thần đầu tiên được tạo ra, với tư cách là bà mẹ của muôn loài, đó chính là thần đất Gaia. Trong kinh Véda, hình ảnh con bò cái được tôn thờ với ý niệm là vật tổ của loài người. Trường ca L’epopée de Gilgemes của người
Babylon
cách đây 35 thế kỉ cũng miêu tả mối quan hệ giữa phụ nữ và tính dục. Zeus và Hera trong thần thoại Hy Lạp cũng từng chất vấn Tiresias (một kẻ lưỡng tính - androgyme) rằng, nam hay nữ khoái cảm hơn trong tính dục. Tiresias trả lời rằng, nếu khoái cảm chia làm mười phần, thì người phụ nữ có đến chín, nam giới chỉ có một.
Ngay cả ở hai tôn giáo lớn là Cơ đốc giáo và Phật giáo, chúng ta vẫn tìm thấy sự bao trùm của hai biểu tượng vĩnh hằng của mỹ học thiên tính nữ. Với Cơ đốc giáo, đó là hình tượng Đức mẹ đồng trinh Maria. Thực chất, đạo Kito - vốn là một “siêu truyện” về tính dục nam quyền (qua các phát biểu của thánh Paul, thánh Augustin, giám mục G.Limerich), đã ra sức diệt bỏ dục tính nữ với phương thức đồng nhất với thiên chức người mẹ và giá trị đồng trinh. Tuy nhiên, niềm tin đó kì thực lại hạ thấp tính dục nam, vì hoá ra chúa Jesu hoàn toàn được sinh ra trong thiên tính nữ thuần khiết. Một hệ quả khác, đó là sự ra đời của đạo Tin Lành với tư cách một sự phản kháng với các hệ thống thiết chế giáo lý cũ. Tin Lành đã loại bỏ ý niệm đồng trinh của Đức mẹ Maria, đó không phải là sự báng bổ một niềm tin đã trở thành thánh hóa, mà là sự trả lại cho người phụ nữ quyền được giao phối khi sinh sản - quyền được thừa nhận tính dục nữ của mình.
Với đạo Phật, ngay trong tác phẩm cổ điển liên quan trực tiếp đến tôn giáo này là Tây Du Kí (Ngô Thừa Ân), chúng ta có thể thấy người duy nhất chế ngự được Bật Mã Ôn (Tôn Ngộ Không) là một người phụ nữ (Quan Thế Âm bồ tát). Không phải lò luyện đan hay bảo tháp ở thiên đình có thể kìm hãm được 72 phép thần thông của Ngộ Không, mà là một chiếc vòng kim cô của Phật Bà. Đọc lại Tây Du Ký, ta còn tìm thấy một Tây Lương mẫu quốc theo mẫu quyền tuyệt đối, nơi nữ tính và tính dục nữ một chiều được lên ngôi. Đọc lại thần thoại Hy Lạp, ta tìm thấy truyền thuyết về những chiến binh nữ Amazon với tục lệ triệt từ tính dục nam, bằng cách chỉ giữ lại con gái mà cho đi con trai của mình. Đọc lại Mahabharata ta thấy năm anh em Pandava cùng lấy và yêu tha thiết nàng Dropadi. Đọc lại Ramayana ta thấy vị thần ngọc hoàng Indra phải mang trên mình hàng ngàn cái dấu yoni (âm vật). Đọc lại lịch sử thời Phục hưng, ta thấy do ám ảnh từ cuốn sách Đức cha của nhà thơ, Leonardo Da Vinci đã bị ám kỷ huyền thoại chim kền kền mái đẻ con không cần chim trống. Sau này, L. da Vinci thường huyễn tưởng ông là con trai của một con chim kền kền mái không có cha. “Kết hợp với kí ức đó, theo cách duy nhất cho phép ông có những ấn tượng sớm như cách tái hiện, một âm vang lạc thú cảm thấy khi chiếm hữu vú mẹ” [5, tr.g 29]. Như vậy, trong giấc mơ sơ khai về dục tính của loài người, thiên tính nữ đã bao trùm và có sức sống mãnh liệt qua nhiều thế kỷ.
3. Thông qua sự thừa nhận mỹ học tính dục có khởi nguyên từ thiên tính nữ, chúng ta có thể tạm hình dung qua thế giới của văn học nghệ thuật, cuộc phiêu lưu của nền mỹ học này theo một diễn trình như sau: - Đầu tiên, đó là sự áp chế của mỹ học tính dục nữ nguyên sơ, gắn liền với chế độ mẫu quyền. Do đó, thần thoại Hy Lạp mới có truyền thuyết về nàng Mêđê sẵn sàng giết con khi người đàn ông phản bội. Và cho đến nay, thuộc tính sở hữu của người mẹ bắt nguồn từ tính dục vẫn là bất khả. Trong Đùa của tạo hoá, nhà văn Phạm Hoa đã cho thấy người mẹ (bà Thuận) ghen tị với con dâu (Loan) bởi một lí do sâu xa: người con dâu được phép quan hệ tính dục với con trai bà. Người mẹ do kìm nén mặc cảm Oedipe (loạn luân) và cả ức chế tính dục để thủ tiết, đã nảy sinh xung đột ác nghiệt đến không thể dung hoà trong gia đình. Đó có thể xem là hiện tượng của tâm lý “nữ quyền làm mẹ” (motherhood feminism). - Tiếp theo là giai đoạn trỗi lên và xác lập vị trí thống trị của mỹ học tính dục nam, đi liền với thiết chế phụ quyền trong gia đình và xã hội. Từ đó, Rama buộc Xita phải bước qua biển lửa (giàn thiêu) để chứng minh cho sự trong trắng tính dục của mình (Ramayana); Kinh thánh Do Thái viết về đàn ông “sinh ra” phụ nữ từ một cái xương sườn, Upanishad cũng kể rằng người đàn ông (Purusa) có trước và tạo ra đàn bà. Trong văn học Việt , các tác phẩm như Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), thơ Hồ Xuân Hương hay Truyện Kiều (Nguyễn Du) đều là những tiếng thở dài cho sự chà đạp thân phận và tính dục nữ dưới xã hội nam quyền toàn trị. Trong điện ảnh, những tác phẩm như Đèn lồng đỏ treo cao (đạo diễn Trương Nghệ Mưu), được chuyển thể từ tiểu thuyết Thê thiếp Thành Quần của nhà văn Tô Đồng, đã khắc hoạ một cách sâu sắc thân phận và vấn đề tính dục nữ trong gia đình phong kiến đa thê.
Bước qua giai đoạn thứ ba, có thể xem từ những năm 60 của thế kỉ XX đến nay, ở phạm vi toàn cầu mà đặc biệt là ở Pháp, đã diễn ra “sự thức tỉnh và phục hưng của mỹ học tính dục nữ”. Trong văn chương, Simone de Beauvoir đã có một tuyên ngôn nổi tiếng trong tác phẩm Le deuxième sexe (1949): “On ne nait pas femme, on le devient” (Người ta không hiển nhiên là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ). Lúc này, thay vì những nhà văn nam viết về tính dục nữ như trước đó, thì ngược lại, “văn chương dục tính hay có dâm tính lại do người nữ viết hình như hấp dẫn hơn cũng vì hình như có tính tự thuật nhiều hơn” [8]. Người khẳng định về mặt triết học lớn nhất cho thiên tính nữ là Julia Kristeva (sinh 1941 tại Bulgari). Kisteva thậm chí phản đối niềm tin phụ nữ là một “bản thể luận”, một giới tính xác định, mà là “phụ nữ chính là không gian và khả tính của biểu đạt nghĩa” [1, tr.g 98]. Như vậy, không phải chỉ có những ai mang nhiễm sắc thể XX mới có biểu hiện thiên tính nữ. Cũng giống như, không phải chỉ có hành vi sinh dục (génital) mới biểu đạt cho hành vi tính dục (sexuel). Diễn trình giải phóng dục tính nữ trong lịch sử là một quá trình mà ở đó, giới nữ đi từ khách thể dục tính đến chủ thể dục tính. Tính dục của giới nữ đi từ quan niệm “như là nghĩa vụ và thiên chức” (làm mẹ) chuyển sang “như là đam mê và quyền lực” (cái đẹp). Vai trò người đàn ông cũng chuyển hoá từ kẻ thống trị và chiếm đoạt, trở thành một đối tác, thậm chí, là một công cụ. Tính dục đi từ một sự khổ hạnh (ascèse) có tính chất cấm kị, bước ra trở thành một ân sủng (prasada) của tạo hoá, và giờ đây, bỏ qua sự e thẹn (pudeur), để trở thành một khoa học – khoa học về tính dục (sexologie). Sự kiện trao giải Nobel Văn học 2007 cho nhà văn nữ người Anh Doris Lessing chính là một sự ghi nhận về nữ quyền của thế giới, ít ra, là của 1/2 thế giới (nam giới). Bởi vì, Lessing là người được vinh danh nhờ “những trang viết mang tính thiên sử thi về trải nghiệm nhân sinh quan của người phụ nữ”.
- Vậy còn về tương lai? Giai đoạn thứ tư sau thời kì phục hưng của mỹ học tính dục nữ, đó phải chăng là sự hoà quyện và xích lại gần nhau của mỹ học dục tính nam - nữ bình quyền? Hoặc trong trường hợp khác, nó sẽ chuyển dịch sang mỹ học tính dục đồng tính (homosexualité)? Phương án hai cho dù có phần cấm kị, nhưng theo chúng tôi, có lẽ nó mang tính dự cảm sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Khi mà, những tác phẩm điện ảnh về đồng tính nam (Broken Moutain - đạo diễn Lý An), đồng tính nữ (Monster - đạo diễn Patty Jenkins) đã làm mưa làm gió trên thảm đỏ của lễ trao giải Oscar. Về phần văn học đương đại, Haruki Murakami sau những thành công vang dội với vấn đề mỹ học tính dục khác giới, giờ đây, tình yêu đồng giới nữ đang là chủ đề mà nhà văn Nhật Bản này đề cập đến trong Người Tình Sputnik (NXB Hội Nhà văn), một tác phẩm mới được ấn hành ở nước ta. Và như thế, mỹ học tính dục nữ sẽ chính thức mở ra những đường biên mới. Một người đàn ông hoàn toàn có thể mang thiên hướng tính dục nữ, ngược lại, một người phụ nữ lại mang thiên hướng tính dục nam. Khải thị những vấn đề mỹ học tính dục như trên không phải là quan điểm về sự cáo chung của nền văn minh tính dục loài người, mà theo chúng tôi, là một cuộc phiêu lưu hồi tưởng lại những kí ức đồng tính đã từng bao trùm lên nền văn minh của chúng ta, từ thời Platon hoặc Leonardo da Vinci còn hiện hữu.
4. Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) từng có một câu nói thú vị: “Người đàn bà có hơn người đàn ông một bản năng” [3, tr.g 66]. Mặc dù vậy, họ là những người “như nhất” trong tính dục, một sự “như nhất” dễ “lầm lạc”, nói như cách của Schopenhauer. Một người đàn ông trong một năm có thể đẻ hàng trăm đứa con với những người đàn bà khác nhau. Nhưng một người đàn bà chỉ có thể đẻ một đứa con trong một năm dù có thể quan hệ với nhiều người đàn ông đi nữa. Mỹ học tính dục nữ đặc biệt thú vị và phức tạp ở chỗ đó. Đó chính là những cánh hoa hồng và những chiếc gai sắc nhọn trong mỹ học tính dục nữ. Trong văn học - nghệ thuật, sự ám ảnh của những biểu tượng tính dục nữ là một nét đặc biệt thú vị. Nó gần như là một biểu hiện sinh động của tín ngưỡng bái vật giáo (fétichesme) trong ẩn ức sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Sự thay đổi những biểu tượng có tính chất bái vật giáo trong mỹ học tính dục nữ không chỉ biến thiên theo chiều dài của thời gian, mà còn theo chiều ngang của văn hóa. Nếu như người phương Tây đặc biệt đề cao vai trò của bộ ngực cùng cái thắt eo nhỏ của người phụ nữ như là biểu tượng của sex, thì người Trung Hoa lại mê đắm những bàn chân của giới nữ. Trong khi đó, với người Ấn Độ, văn hoá Khơme và Champa, âm vật (yoni) mới là cổ mẫu của dục tính nữ. Với người phương Tây, “đôi vú nở nang đầy đặn của người đàn bà thu hút nam giới một cách kì lạ, vì nó liên quan trực tiếp đến cơ năng sinh sản của người đàn bà” (Métaphysique de l’amour, métaphysique de la mort - Schopenhauer). Với người Trung Hoa, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Mông Cổ, bàn chân giới nữ lại là một tín ngưỡng về tính dục, tín ngưỡng về tục sùng bái chân (footfetish). Trong những bức tranh Cung Xuân Đồ (vẽ cảnh trai gái ái ân), các tác giả khắc họa hình tượng nam nữ hoàn toàn khỏa thể nhưng rất hiếm khi lộ ra bàn chân giới nữ. Trong Ỷ thiên đồ long ký (Kim Dung), quận chúa Triệu Mẫn vì bị Trương Vô Kỵ cầm được bàn chân mà phải bỏ cha đi theo một tên đại ma đầu, kẻ thù số một của triều đình. Tác phẩm Tây Sương ký (Vương Thực Phủ) thì mô tả: “Mỗi bước đi đều khiến người ta thương cảm, như cành liễu trước gió”. Với người Ấn Độ, người Champa và người Khơ me, đó là những biểu tượng điêu khắc về yoni trong các tháp Chàm, trong kỳ quan Ăngco Vát, Ăngco Thom nổi tiếng. Cũng vì xem âm vật là biểu tượng của tính dục nữ, các dân tộc ở châu Phi mới có hủ tục cắt bỏ âm vật (clitoridotomy) như một sự kìm hãm dục tính, giống như người Hán với tục bó chân. Chính sự khác biệt về văn hóa đã đưa ra những quan điểm thẩm mỹ dị biệt về bái vật giáo tính dục nữ. Người Trung Hoa vốn chuộng những phụ nữ mảnh mai, mình hạc xương mai, mang tính tinh thần nên có tục sùng bái chân nhỏ (gọi là kim liên). Người phương Tây vốn trọng phụ nữ đẫy đà, nghiêng về vẻ đẹp phồn thực, như hình tượng nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp trong bức họa Sự ra đời của nữ thần Aphrodite của danh họa Botticelli, hoặc bức tượng Venus ở Milo. Chính vì vậy, bộ ngực đẫy đà của giới nữ - được xem như biểu tượng của sức sống và sự dồi dào trong tính dục.
Ngay cả trong bản thân nội bộ những nền văn hoá có cùng chung một biểu tượng bái vật giáo, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những sự khác nhau. Trên thế giới có 190 dân tộc thì chỉ có 13 dân tộc lấy bộ ngực nữ làm bái vật giáo tính dục. Trong nội bộ 13 dân tộc ấy, có chín dân tộc trọng bộ ngực to, hai dân tộc thích kiểu vú mướp (pendulous), hai dân tộc còn lại thích bộ ngực vểnh lên. Tuy vậy, sự tương cảm giữa Đông và Tây, cổ và kim không phải là không xảy ra trong mỹ học tính dục nữ. Người Trung Hoa có tục bó chân thì người phương Tây có những vũ điệu ballet đi trên những đầu ngón chân. Nếu ngày xưa những gót sen là sự ám ảnh của người nghệ sĩ thì ngày nay giày cao gót (về nguyên tắc cũng là sự thu hẹp diện tích, thay đổi dáng đi và tăng chiều cao như gót sen) là một biểu tượng của thiên tính nữ. Và như thế, cho dù ở thời đại nào, nền văn hoá nào, người phụ nữ vẫn luôn có cho mình thứ quyền lực về cái đẹp tính dục.
5. Chúng ta đang sống trong thời đại mà văn học - nghệ thuật chịu ảnh hưởng đậm nét và được động khởi từ chất men của mỹ học tính dục nữ. Ở hội họa, Picasso đã đưa nghệ thuật thế giới bước sang thời hiện đại bằng bức tranh lập thể đầu tiên về chủ đề các cô gái khỏa thân, tác phẩm Les Desmoiselles d’Avignon (Những cô gái ở Avignon – 1907). Ở điêu khắc, bức tượng Nữ thần Tự do không chỉ là biểu tượng lừng lững cho nền dân chủ Mỹ, mà còn cho sự giải phóng thiên tính nữ. Ở điện ảnh, hình tượng cái đẹp đầy dục tính của Marilyn Moonroe (1926 – 1962) đã góp phần xác định chỗ đứng thứ 7 một cách vững chắc trong thế giới nghệ thuật cho nghệ thuật 24h/1s. Trong âm nhạc hiện đại, những biểu tượng như Spice Girls, Britney Spear, Madonna không chỉ là tuyên ngôn cho nữ quyền, mà còn là tuyên ngôn cho cách mạng giải phóng tính dục nữ. Ở truyền hình, không ai nổi tiếng và quyền lực bằng nữ hoàng Oprah Winfrey. Ở nhiếp ảnh, tác phẩm về một người mẹ đang tắm cho đứa con bị bệnh nhiễm thuỷ ngân có tên Tomoko and mother in the Bath (1971) của E. Smith, là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng nhất của thế kỉ XX… Và tất nhiên, với văn học, biểu trưng về mỹ học tính dục luôn là một “không gian và khả tính của biểu đạt và nghĩa” (Kisteva). Ở Pháp có Người tình của M.Duras, ở Mỹ có Mật mã Da Vinci (Dan Brow), ở Trung Quốc có Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Tào Đình), Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ), ở Nhật có Rừng Nauy (Murakami Haruki) Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường (Yamada Amy) - một tác phẩm mới được giới thiệu ở Việt Nam… Và ở nước ta, trước 1975 đã có một thế hệ như Tuý Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Võ Thị Hảo, Phạm Thị Hoài…, thế hệ sau 1975 có Phạm Hoa, Vi Thuỳ Linh, Đỗ Hoàng Diệu (ở trong nước), Lệ Hằng, Lê Thị Cẩm Vân, Trân Sa, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Dương Như Nguyện (ở hải ngoại)… là những tiếng nói ban đầu nhằm khai phá một vùng trời mà bấy lâu nay vẫn còn như cấm kỵ.
Tình yêu luôn bắt đầu từ bản năng, “thật vậy, mọi loại tình yêu cho dù đượm vẻ thanh khiết mấy cũng bắt rễ từ bản năng chủng tính” (Schopenhauer) [3, tr.g 42]. Và có một sự thật là, đam mê libido của loài người được khởi nguồn từ cội nguồn tính dục nữ, vì “người mẹ bao giờ cũng là tình yêu thương đầu tiên của đứa trẻ” [6, tr.g 19], nơi khởi nguồn những hành vi tính dục ấu thơ. Trong thế giới của cái đẹp, thiên chức ngợi ca vẻ đẹp con người, mà cụ thể là vẻ đẹp thiên tính nữ, luôn là động cơ và mục đích của các hoạt động thẩm mỹ. Nói như Nietzsche: “Chừng nào cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản năng là đồng nhất”(7). Và như thế, nếu ta đồng ý rằng, “mỹ học là đạo đức học của tương lai”, thì hẳn nhiên, ta sẽ có một kết đề: cái đẹp dục tính của phái nữ là biểu trưng tối thượng và sau cùng của tháp ngà đạo đức, của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Dục tính không chỉ là chân móng, nó còn là đỉnh tháp của văn chương. Một khi nó phóng vượt từ đam mê bản năng lên vương quốc của tinh thần ý niệm bằng đôi cánh của khát vọng: “Khi thị dục bò từ giác quan (senses) lên cảm giác (feeling), tới cảm xúc (emotion), lên ý muốn (will), rồi lên ý chí (free will)… cao hơn nữa đến linh hồn (soul) và nhắm đến tột đỉnh của tinh thần (spirit), thì nó không còn đơn giản nằm trong khuôn viên “nhục dục” nữa, mà đã được hoá thân và thánh hoá rất nhiều bởi đôi cánh của siêu hình (metaphysics)”(8). Đó là một cái đẹp luôn vận động và luôn mới mẻ, bởi vì, nói như Kisteva: “phụ nữ theo đúng nghĩa của từ đó không hiện hữu. Cô ta đang trong quá trình hình thành” [1,tr.g 101]. T.A
(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)
-------------- (1) Richard Appignanesi (Trần Tiễn Cao Đăng dịch) (2006), Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh (2)Lydia Alix Fillingham (Nguyễn Tuệ Đan dịch) (2006), Nhập môn Foucault, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. (3) Arthur Schopenhauer (Hoàng Thiên Nguyễn dịch) (2006), Siêu hình tình yêu – Siêu hình sự chết, Nxb Văn học, Hà Nội. (4) Hoàng Sơn (2006), Tính dục nhìn theo phương Đông, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh (5) Đỗ Lai Thuý (2004), Phân tâm học và văn học nghệ thuật, Nxb VH- TT, Hà Nội (6) Đỗ Lai Thuý (2004), Phân tâm học và tình yêu, Nxb VH- TT, Hà Nội (7) http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/My-hoc (8) http://www.nhanvan.com/doc/2002/may/nguyenvykhanh_tanmanveductinh.htm
|