Nghiên Cứu & Bình Luận
Thi nhân với việc chống tham nhũng
14:19 | 18/11/2008
THANH TÙNGChống tham nhũng, đục khoét dân lành không chỉ là công việc của nhà chức trách mà còn ở tất cả mọi người dù ở chế độ xã hội nào. Các thi sĩ không chỉ làm thơ ca ngợi cuộc sống tình yêu, đất nước con người mà còn dùng ngọn bút thông qua nước thi phẩm của mình để lên án, vạch mặt bọn quan tham này.

Nhân ngày xuân xin cùng bạn điểm qua một số bài thơ về đề tài đó của nước danh nhân đất nước.
Nhà thơ họ Cao:
Phú Thị là một làng thuộc Bắc Ninh xưa (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) có một ngôi đình lớn mang tên làng - còn có tên là đình Sủi. Trên cho phép đắp một đôi voi phục trước cổng đình, bọn hương lý địa phương cơ hội này bớt xén kinh phí để bỏ túi khiến công trình không đạt chất lượng và thẩm mỹ. Dân làng ca thán nhiều tới tai Cao Bá Quát. Nhà thơ đã trực tiếp thị sát công việc xem kỹ đôi voi - quả lời ca thán của chúng dân là chính xác. Ông liền viết một bài thơ đề ngay trên mình voi, rằng:
“Khen ai kheo khéo đắp đôi voi
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
Chỉ có cái kia sao không đắp
Hay là hương lý bớt đi rồi?”
Bài thơ khiến dân chúng sung sướng hả dạ rồi thi nhau đọc đến thuộc lòng còn bọn hương lý vừa tức giận vừa e sợ và kính nể.
Tam nguyên Yên Đổ:
Sau khi rạng danh, Nguyễn Khuyến từng quan tâm đến việc phê phán những việc làm bất nghĩa, vô đạo đức của bọn quan lại. Ngày ấy viên quan đốc học tỉnh Hà Nam hay ăn tiền của học sinh trong các kỳ thi cử.Nhà thơ đã viết bài thơ tặng tên quan tham này như sau:
"Ai rằng ông dại với ông điên
Ông dại sao ông biết lấy tiền
Cây các bảng vàng treo Nhị giáp
Khoét thần mặt trắng lấy Tam nguyên
Dẫu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ
Phép nước xin chừa móng lợn đen
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen"
Bài thơ khiến quan đốc học vô cùng hổ thẹn, bẽ bàng.
Thi sĩ Tản Đà:
Quan tri phủ huyện Anh Sơn (Nghệ An) Phan Tứ là kẻ tham nhũng có hạn. Chỉ mấy tháng làm “quan phụ mẫu” mà y đã chiếm được tới ba ngàn đồng - số tiền này lúc đó là rất lớn. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có bài thơ chỉ tận tay, day tận trán như sau:
"Thái Bình chưa dứt tiếng kêu than
Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An
Một phủ Anh Sơn vừa mấy tháng

Mà tay Phan Tứ lấy ba ngàn
Cũng phường dối nước, quân ăn cắp
Cũng lũ tàn dân, giống hại đàn..."
Tuần phủ Vĩnh Yên là Đào Trọng Vận trong một vụ xử kiện đã ăn đút lót tới hai ngàn rưỡi đồng bạc để xử sai lệch hại dân lành. Khi đó Tản Đà đang là chủ bút "An Nam tạp chí" liền gợi ý cho một nhà văn trong tòa soạn là Ngô Quý Tiếp dựa vào câu chuyện đó để viết một truyện ngắn nhan đề “Tờ di chúc” rồi thi sĩ làm bài thơ “Xem tiểu thuyết tờ chúc thư cảm đề” để vạch mặt tên quan này trước công luận. Bài thơ viết rằng:
“Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thế gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An”
Bài thơ này được tác giả cho in trên An tạp chí số 8 -1927 khiến tên tuần phủ tím mặt.

Tuần phủ Ninh Bình là Từ Đạm - một tên quan tham nhũng, lại kiêu kỳ háo  danh một cách kệch cỡm. Một lần về thăm thắng cảnh Non Nước tại thị xã Ninh Bình là Từ Đạm cho người đục vào đá một bài thơ kiểu “con cóc” của hắn trên đỉnh Dục Thúy rằng:
“Trăng gió vui cùng hắn
Lầm than bận kệ ai
Ham chơi non với nước
Có phúc được ngồi dai”
Không những thế, năm sau hắn còn trơ trẽn cho đục cả một bàn cờ và hai lốt chân của mình trên đá. Thi sĩ thấy nực cười bèn dạy cho hắn một bài học bằng cách thuê người đục một bài thơ cạnh bài thơ của Từ Đạm:

“Năm ngoái năm xưa đục mấy vần
Năm nay quan lại đục hai chân
Khen thay đá cũng bền gan nhỉ
Chịu mãi cho quan đục mấy lần”
Chữ đục được nhắc lại đến ba lần thành điệp ngữ để vạch mặt thói đục khoét của y.
Sau đó, có lần Từ Đạm đi chơi Non Nước, đọc bài thơ của Tản Đà mặt hắn trắng bệch, mồm há hốc...
   T.T

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng