Phan Đăng Dư lúc nhỏ theo học chữ Hán, có dự thi hương nhưng không đậu đạt, về nhà làm ruộng, bốc thuốc nam và làm thầy địa lý. Ông là người yêu nước, thương dân, có tham gia phong trào chống Pháp của cụ cử nhân Chu Trạc năm 1908 nhưng may mắn không bị giặc bắt. Vốn tính thẳng thắn, cương trực, ông thường bàn luận chuyện thế sự với những người trong họ, trong làng, kể cả con cái. Có người nhầm tưởng cha con bất đồng chính kiến, kỳ thực ông làm thế để che mắt bọn mật thám. Ông ham thơ phú văn chương - Bài phú “Tự trào” của ông viết trước năm 1945, phần nào nói lên chí hướng và nỗi niềm của ông trước thời cuộc. Trong phong trào giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất, ông bị bắt giam ở nhà tù Bến Hới (Tân Kỳ, Nghệ An) và mất ở đó năm 1954, trước khi Đảng ta tiến hành công cuộc sửa sai sau cải cách ruộng đất để giải oan cho những người như ông.
Lúc sinh thời, Phan Đăng Dư kết duyên cùng bà Trần Thị Liễu, một phụ nữ hiền thục, hết lòng yêu thương chồng con. Ông bà có công sinh thành dưỡng dục bốn người con: -Con trai cả là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. -Con trai thứ hai là ông Phan Đăng Triều, một công chức cũ nhưng có hoạt động cách mạng và bị giặc Pháp theo dõi. Ông là thân sinh PGS, TSKH Phan Đăng Nhật, một nhà khoa học vừa nhận giải thưởng Nhà nước về các công trình nghiên cứu về Sử thi Tây Nguyên. -Con trai thứ ba là Phan Đăng Toàn, làm thông phán Toà sứ Hà Tĩnh nhưng là cơ sở ngầm của cách mạng. Năm 1946 làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hà Tĩnh, sau làm Trưởng phòng tư liệu báo Nhân Dân. Ông là thân sinh nhạc sỹ Hồng Đăng. -Con trai thứ 4 là Phan Đăng Dương, hiện còn sống ở TP Hồ Chí Minh. Các con, cháu, chắt của cụ Phan Đăng Dư đều đã và đang noi gương bậc tiền bối và có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nội dung bài phú:
Tự trào
Xưa có một thầy: Vốn giòng hào kiệt Gặp bước long đong... Trót sinh ra giữa buổi nhiễu nhương, cũng quyết theo đòi nghiên bút; Từng nghĩ lắm lời khắc khoải, thầm mong rửa nhục cha ông. Chí những toan cứu vãn sơn hà, giận nỗi không tài Gia Cát (1) Lòng vốn ước Khuông phò xã tắc, buồn thay thiếu trí Khương Công (2) Thôi đành nương náu cho qua ngày tháng, duy gắng giữ gìn để trọn thuỷ chung.
Vậy cho nên: Khi bàn cờ, khi chén rượu, khi vọng nguyệt, khi thưởng hoa, ngất ngưởng tao nhân mặc khách. Lúc ngọn suối, lúc hòn non, lúc trong mây, lúc hướng gió, ung dung dạo gót tiên bồng. Đôi phen tay xách chiếc la bàn, tấp tểnh đóng vai Tả Ao (3), Hoà Chính (4) Mấy buổi đầu kê pho Nam dược, lân la nối gót Tuệ Tĩnh (5), Lãn Ông (6). Xót xóm làng trong cơn hoạn nạn, chẳng quản nửa đêm gà gáy, bắt mạch, bốc thuốc thang, cân nhắc bên hàn, bên nhiệt. Giúp đồng bào gặp bước khó khăn, không nề nắng dãi mưa dầu, xoay dương cơ, đặt mồ mả, nhắn nhe tay hổ, tay long. Lúc trong làng ngoài xã có kẻ cười người khóc, lập tức vì bà con vui mướn thương vay, chắp nhặt phú, thơ, trước, đối. Khi ông đĩ (7), bà cu (8) lâm bệnh trúng cơn đau, sẵn sàng vì sự chủ cầu trời vái Phật, đoán mò hoạ, phúc, cát, hung. May mắn ra phúc chủ lộc thầy, thủ lợn, xôi gà có đủ. Khó khăn lắm cây nhà lá vườn, cơi trầu hươu rượu cũng xong.
Như thế là: Cuộc đời lặng lẽ Ngày tháng thong dong... Trời Kiệt Trụ mơ màng Nghiêu Thuấn Cuộc Á A thêm thương nhớ Lạc Hồng. Thấy thoáng bóng câu, chỉ mấy chốc mắt loà chân chậm, lơ thơ tin nhạn, kịp đòi khi đầu bạc răng long. Rồi trí cũng kiệt, thân cũng mòn, gửi chí lớn vào đàn con cháu. Nghĩ công không thành, danh không toại, ôm hận trường về với tổ tông.
N.Đ.T (Sưu tầm, giới thiệu) (nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)
---------------------------- (1), (2): Gia Cát Lượng, Khương Tử Nha: các vị danh tướng của Trung Quốc (3), (4): Tả Ao, Hoà Chính: những nhà phong thuỷ nổi tiếng của Việt (5), (6) Tuệ Tĩnh, Lãn Ông: các danh y của Việt (7), (8): Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh chỉ người sinh con gái, con trai đầu lòng.
|